GN - Ca sĩ, diễn viên Dương Hiếu Nghĩa cho biết, dù cuộc sống, công việc có xáo trộn đến đâu thì bản thân anh vẫn luôn cố gắng để giữ được sự bình yên trong tầm hồn. Từ nền tảng này, trước vui - buồn, hạnh phúc - khổ đau, anh cũng tự biết để tiết chế, để cân bằng.
Theo chia sẻ của Dương Hiếu Nghĩa, thì tất cả những yếu tố cần thiết để giữ ‘‘tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến’’ mà anh có được đều do tìm hiểu giáo lý của Phật, cũng như qua sự chỉ dạy của thầy bổn sư.

Ca sĩ, diễn viên Dương Hiếu Nghĩa - Ảnh: NVCC
Bài học đầu tiên
Chàng diễn viên điển trai nói, đã sinh ra và lớn lên trên cuộc đời này, thì bài học đầu tiên, bài học mà bắt buộc tất cả chúng ta phải thuộc nằm lòng đó là đạo làm người. Điều đó nhắc nhở cho chúng ta biết rằng, cây có tổ, người có tông, vì vậy bất cứ ai muốn thành nhân, thì trước tiên, việc mà chẳng có gì dễ bằng đó là hiếu kính với ông bà, với cha mẹ.
Cá nhân Dương Hiếu Nghĩa cũng vậy, anh luôn nhắc nhở, ghi lòng tạc dạ về bài học nhân văn và sâu sắc này. Bởi hơn ai hết, khi đã lớn thêm, khôn thêm, rồi có dịp đi đó đi đây, trải những va chạm, vấp ngã trong cuộc sống, thì gia đình vẫn là nơi anh có thể trở về để nương tựa, để sẻ chia, để rưng rưng như một đứa trẻ con.
Với Phật giáo, khi được cùng bà, cùng mẹ tới chùa, Dương Hiếu Nghĩa luôn được quý thầy, quý sư cô chia sẻ về bổn phận, trách nhiệm của bản thân đối với những người chung máu mủ, ruột rà. Rồi với những lời dạy căn bản của Đức Thế Tôn như Hiếu đứng đầu trăm hạnh, Hạnh hiếu là hạnh Phật - Tâm hiếu là tâm Phật, Dương Hiếu Nghĩa càng thấm thía hơn về công ơn, sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ.
‘‘May mắn được góp mặt trên cuộc đời này, rồi nhờ nhân duyên mà tôi đã biết đến Phật giáo. Từ sâu thẳm, cho phép tôi gửi tới thầy Nguyên Hậu (chùa Bửu Liên - TP.Cần Thơ), người đã hướng đạo cũng như giúp tôi hiểu thêm về những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống lời tri ân thành thật nhất’’ - Dương Hiếu Nghĩa bày tỏ.
Lời Phật dạy và giá trị thực tiễn
Nói về những lời Phật dạy, Hiếu Nghĩa tâm đắc, những lời dạy về từ bi - trí huệ - bình đẳng, tham - sân - si được Đức Phật thuyết giảng mấy ngàn năm trước mà lúc nào đọc cũng thấy giá trị. Bởi hơn ai hết, Ngài hiểu và nắm bắt được tâm thế của từng chúng sinh. Đã sinh ra bằng xương bằng thịt, thì không ai tránh khỏi những ‘‘chứng bệnh trầm kha’’ của con người. Rồi tùy vào tâm lý và nhận thức của mỗi cá nhân, Đức Phật đã đưa ra nhiều pháp môn, tương ưng với nhiều phương thuốc nhằm trị cũng như thuần hóa mỗi đối tượng chúng sinh - anh chia sẻ hiểu biết của mình về Phật giáo.
Dương Hiếu Nghĩa cho biết, tuổi thơ và trưởng thành hơn một chút, anh cũng đã trải qua những vui buồn trong cuộc sống. Nhưng hơn ai hết, anh hiểu được chính bản thân mình, biết mình cần gì, và cái gì sẽ giúp anh cân bằng được tất cả.
Anh nói, may mắn của mình là bên cạnh người thân, thì qua thầy bổn sư, cũng như lời Phật dạy, anh đã biết tự thân vận động, cũng như tìm cách để vượt qua tất cả.
‘‘Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, lời dạy ấy dù ở bất cứ thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh và con người nào, vẫn luôn giữ được những giá trị bất biến. Thực tiễn hơn nữa, theo như suy nghĩ của Dương Hiếu Nghĩa: ‘‘Không ai làm cho ta nhiễm ô, cũng không ai làm cho ta trong sạch. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm và chỉ có ta mới có thể làm cho ta trong sạch" - (Kinh Pháp cú). Và lời dạy trên cũng đã mở ra cho con người một hướng đi chủ động trong việc tạo nên một đời sống an lạc, giải thoát ngay tại cuộc đời này.
Có một niềm tin như thế
Sau những bài học thực tế, thực tiễn qua quá trình học hỏi và tích lũy, Dương Hiếu Nghĩa đã thực sự có được cho bản thân niềm tin vào sự giải thoát và giác ngộ như Đức Phật từng đề cập. Vì vậy, khi được hỏi về con đường học Phật, anh đã một mực trả lời: “Phật dạy: Đạo vô ảnh tượng/ Xúc mục phi dao/ Tự phản suy cầu/ Mạc cầu tha đắc/ Túng nhiêu cầu đắc/ Đắc tức bất chân/ Thiết sử đắc chân/ Chân thị hà vật (Nguyện Học thiền sư). (Tạm dịch: Đạo không có hình bóng cụ thể/ Nhưng nó lại có ngay trước mắt, chẳng ở đâu xa/ Phải tự suy nghĩ mà tìm trong bản thân mình/ Chớ mong tìm được ở người khác/ Nếu tìm (ở người khác) mà được/ Thì đó chẳng phải là "chân đạo" nữa/ Và dù có tìm được "chân đạo"/ Thì "chân đạo" sẽ là vật gì?) - cho nên tôi cũng không tìm hiểu thêm bất cứ một tôn giáo nào khác. Với tôi, chỉ với giáo lý của Phật, nếu mỗi chúng ta, học và biết áp dụng vào đời sống, rồi từ đó nhân rộng ra cho người thân, bạn bè thì mỗi cá nhân, mỗi con người sẽ hạn chế được đến mức tối đa những khủng hoảng từ tâm hồn”.
Với những chia sẻ ở trên, cho thấy ở Dương Hiếu Nghĩa việc học đã song song với việc hành. Anh tiếp cận với lời Phật dạy, với những chia sẻ từ thầy bổn sư đã giúp bản thân có được sự an nhiên, tự tại. Vì vậy, trong thâm tâm, với chàng ca sĩ, diễn viên trẻ này, giáo lý của Phật, tinh thần từ bi - trí tuệ của Ngài chính là kim chỉ nam cho những ai muốn thành tựu trong công việc cũng như cuộc sống.
Dương Hiếu Nghĩa sinh năm 1991 tại Cần Thơ. Anh tham gia nghệ thuật bằng con đường ca hát vào năm 2007, kể từ giải nhất cuộc thi Video clip của bạn do HTVC tổ chức. Từ nền tảng này, Dương Hiếu Nghĩa đã có cơ hội tham gia và lấn sân phim ảnh. Vai diễn đánh dấu việc anh đứng ở vai trò diễn viên là trong bộ phim truyện nhựa mang tên Cổng địa ngục của đạo diễn Đoàn Trạch Lãm - một bộ phim với thông điệp chính là kêu gọi ý thức và lương tâm của con người. Tiếp theo, là những bộ phim như: Tơ hồng vương vấn, Áo cưới thiên đường. Mới đây nhất là Khi em đã lớn - bộ phim vừa kết thúc trên sóng HTV7. |
Viên Quang