GN - Đã 36 năm kể từ khi thành lập, qua nhiều chặng đường phát triển, GHPGVN hiện nay đã có hệ thống hành chánh phủ khắp 63/63 tỉnh, thành. Đại hội là thời điểm để nhìn lại, hoạch định chương trình cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Nhân sự kiện này, chư tôn đức giáo phẩm các tỉnh thành tiêu biểu, nhận định và kỳ vọng gì về tương lai của Giáo hội?
HT.Thích Thanh Điện, UVTK HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Lào Cai:
“Giáo hội cần có chính sách cụ thể hỗ trợ các tỉnh miền núi trên các phương diện từ thiện, giáo dục và nhân lực”
Từ những trải nghiệm đã có thông qua các hoạt động Phật sự ở những xa, vùng cao, chúng tôi mong muốn Giáo hội thực hiện tu chỉnh để Hiến chương phù hợp với thời đại và bao trùm lên các mặt sinh hoạt. Đối với chương trình nhiệm kỳ mới, Giáo hội cần có chính sách cụ thể hỗ trợ các tỉnh miền núi trên các phương diện từ thiện, giáo dục và nhân lực để nơi này không bị bỏ lại phía sau.
HT.Thích Quảng Xả, UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Kon Tum:
“Giáo hội cần có kế hoạch lâu dài nhằm đào tạo nhân sự căn bản và cơ cấu về lãnh đạo cao cấp chuyên trách đối với vùng Tây Nguyên”
Đối với các em nhỏ người dân tộc, Giáo hội cần có sáng kiến trong việc huy động nguồn lực mở các lớp học về đạo đức và Phật giáo để quy tụ các em, làm nền tảng giúp các em bén duyên với thiền môn. Sau này lớn lên nếu xuất gia, các em có thể trở thành những tu sĩ người dân tộc hữu ích hoặc không được thế thì cũng sẽ là một Phật tử có tâm đạo.
Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên có 5 tỉnh đã hình thành nên BTS từ lâu và lượng Tăng Ni, tín đồ Phật giáo cũng khá lớn. Thực tiễn này, chúng tôi mong Giáo hội cơ cấu một vị giáo phẩm tiêu biểu khu vực này đảm nhiệm Phó Chủ tịch HĐTS để giữ vai trò hiệu triệu cùng chung tay chăm lo Phật sự, trong sự phân nhiệm của Ban Thường trực HĐTS GHPGVN.
TT.Thích Huệ Thành, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Cà Mau:
“Mong Giáo hội quan tâm hơn về việc củng cố nhân lực đối với các vùng đặc biệt”
Bởi lẽ đó, Phật giáo tỉnh Cà Mau trải dài suốt những nhiệm kỳ vừa qua cho đến nay, dù rất nỗ lực trong công tác giáo dục Tăng Ni bằng nhiều hình thức, song vì cơ bản đã thiếu lực lượng giảng sư có tâm và tầm, nên không thể duy trì các lớp trung cấp Phật học. Hoặc đơn cử như việc bổ nhiệm trụ trì theo đúng Hiến chương mà Giáo hội đã đề ra, cũng gây khó khăn lớn cho BTS tỉnh, bởi hầu hết các vị tu học lâu năm thì lại đều bị khuyết đi phần kiến thức thế tục (tốt nghiệp THPT), ngược lại, đáp ứng đủ trình độ thế tục, thì trình độ Phật học lại quá hạn chế.
Tôi thật sự mong mỏi sự hỗ trợ hơn nữa từ Giáo hội nhiệm kỳ sắp tới, sẽ quan tâm thiết thực hơn về đội ngũ giảng sư cũng như nguồn lực Tăng Ni trẻ, hướng dẫn và đề cử họ về các tỉnh vùng sâu vùng xa, giúp cho Phật giáo các tỉnh phía cùng cực có được nhiều khởi sắc. Thiết nghĩ, mỗi Phật giáo tỉnh thành là một tế bào, Giáo hội là một cơ thể, để cơ thể phát triển khỏe mạnh, trước nhất, từng tế bào cần vững mạnh đã. Phật giáo tỉnh thành có phát triển ổn định và đoàn kết, thì hệ thống Giáo hội cũng sẽ theo đó phát triển bền vững.