Cần lượng sức trước khi phát thề nguyện

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1190 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1190 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

Hỏi: Tôi đã thề nguyện trước tượng Phật là nếu không đoạn được hết sân hận nóng nảy thì sẽ bị đọa địa ngục. Nhưng đến hiện tại thì tôi vẫn còn sân hận. Tôi biết rằng Đức Phật không trách tội chúng sinh nhưng tôi thấy mình không biết lượng sức khi phát ra lời thề nguyện như vậy. Tôi đang lo lắng, sợ rằng đời này mình không hết sân thì sẽ bị đọa địa ngục. Kính mong quý Báo từ bi khai thị cho tôi cách hóa giải cũng như phương pháp tu tập để chuyển hóa tâm sân.

(SUYE, suye...@gmail.com)

Bạn Suye thân mến!

Thề nguyện trước chư Phật, Bồ-tát là một việc hệ trọng. Thực sự thì bạn đã không tự lượng sức khi phát ra lời thề nguyện mà rất khó thực hiện trọn vẹn với một người bình thường. Với người phàm, đoạn trừ được phần thô của sân hận là đã khó, nhưng nếu làm được thì gốc rễ của sân hận còn tiềm ẩn bên trong, khi hội đủ nhân duyên sân hận lại bộc phát. Còn với người tánh tình hay nóng nảy, thường nổi giận mà phát nguyện “nếu không đoạn được hết sân hận nóng nảy sẽ bị đọa địa ngục” thì thật nông nổi.

Để hóa giải vấn đề này, trước hết bạn cần nhận ra sự bồng bột của mình là không biết tự lượng sức. Bạn là người có tâm tốt, cầu tiến, thấy rõ sự nguy hại, xấu xa của việc hay nổi giận nên quyết tâm đoạn trừ. Tiếc rằng bạn chưa hiểu được bản chất của việc đoạn trừ sân hận, ngỡ rằng thề nguyện là làm được. Trong khi thệ nguyện chỉ là một phần để tăng thêm quyết tâm và tinh tấn, chính yếu là phải tu tập mới có thể từng bước chuyển hóa và dứt trừ sân hận.

Thấy sai thì phải sửa, bạn sắm sửa hương hoa đối trước tượng Phật, lễ bái và thành tâm sám hối. Bạn thầm nguyện, trước đây vì thiếu hiểu biết nên con đã thề nguyện quá sức mình. Nay con xin chân thành sám hối, mong Đức Phật từ bi hoan hỷ tha thứ cho. Sám hối xong thì bạn phát nguyện lại, “con nguyện nương theo Chánh pháp để tu tập và chuyển hóa sân hận”. Bạn nên sám hối và phát nguyện nhiều lần cho đến khi tâm thanh thản.

Để chuyển hóa tâm nóng nảy, sân hận việc đầu tiên là bạn tập sống tỉnh thức, thấy rõ tâm trong hiện tại, cụ thể là khi tâm có sân biết rõ tâm đang nóng nảy. Liền đó, thấy rõ sự nguy hại, sự tàn phá của nó. Bấy giờ tâm sân hận mới hình thành, nếu phát hiện kịp thời bạn có thể chế ngự, ngăn chặn được.

Kế đến, bạn cần tu tập rải tâm từ. Chính tâm từ là chất liệu quan trọng để tưới mát tâm sân, như dùng nước để dập tắt lửa. Không tu tập tâm từ thì rất khó hy vọng chuyển hóa được sân hận. Tâm từ tuy ai cũng có nhưng cần vun bồi, tưới tẩm, nuôi lớn mỗi ngày. Khi tâm từ lớn mạnh, tràn đầy thì mới có thể phát huy năng lực chuyển hóa tâm sân.

Tâm từ là nguyện yêu thương tất cả, mong cho mọi người mọi loài hạnh phúc, an vui. Tâm từ khác với tâm ái là yêu thương mà không gắn liền với tự ngã. Tâm ái là yêu thương dẫn đến khổ đau còn tâm từ thì yêu thương mà vô tư, an lạc. Mỗi ngày bạn cần rải tâm từ đến mười phương, mong cho mọi chúng sinh, từ thân đến sơ, từ người thương đến kẻ thù…, được tốt lành; mong cho hết thảy được hạnh phúc, an vui.

Như vậy, bạn cần thực tập hai pháp rải tâm từ và chánh niệm tỉnh giác là đã đặt nền móng cho việc chuyển hóa nóng giận. Hiện tài liệu hướng dẫn thiền rải tâm từ đã được phổ cập trên mạng, bạn có thể tìm kiếm dễ dàng, nhanh chóng để biết chi tiết mà hành trì. Quan trọng là quyết tâm thực hành tinh tấn, bền bỉ của bạn. Bạn vừa tu tập nâng cao tỉnh giác đồng thời chiêm nghiệm sự diệu dụng của tâm từ để thấy sự chuyển hóa nóng giận mỗi ngày.

Sau một thời gian, bạn sẽ chế ngự được phần thô của sân hận, hiếm khi nóng nảy hay tức giận, bạn sẽ thích ứng dễ dàng với mọi hoàn cảnh, thân tâm luôn mát mẻ, vui vẻ, an lạc, nhẹ nhàng. Tiếp tục tu học cho đến khi chứng Thánh quả A-na-hàm, dứt trừ năm hạ phần kiết sử (thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham dục, sân hận) mới đoạn trừ hết tâm sân.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày