GN - Trong những ngày qua, trước sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 trên thế giới, không ít thông tin sai lệch, thiếu căn cứ về tình hình dịch bệnh được lan truyền trên các mạng xã hội tại Việt Nam.
Trong đó, có thông tin thiếu căn cứ về “dự báo diễn biến dịch của PGS.TS.Trần Xuân Bách, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh”. Ngay sau đó, Bộ Y tế xác nhận đây là “thông tin giả” vì “trong thành phần của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch không có người tên là Bách” và “cá nhân PGS.TS.Trần Xuân Bách khẳng định không đưa thông tin giả mạo này”, theo Trung tâm Báo chí TP.HCM.
Hành khách đeo khẩu trang ở sân bay quốc tế Bắc Kinh, ngày 15-3 - Ảnh: REUTERS
Hay sau khi có công bố về các trường hợp nhiễm bệnh tại Hà Nội, trên mạng xã hội lập tức xuất hiện đường link “bản đồ lưu ý dịch Covid-19 tại Hà Nội với hàng chục chấm đỏ cảnh báo trên địa bàn thủ đô”. Trước chia sẻ này, Công an TP.Hà Nội thông báo rộng rãi “đây là bản đồ không chính xác, người dân không nên tin và chia sẻ bản đồ này”.
Trước đó, không ít luồng thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng khoa học về sự lây lan của dịch bệnh cũng được truyền đi nhanh chóng trên các mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người dân cũng như công tác phòng chống dịch của các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, thông qua các kênh thông tin chính thức của Bộ Y tế (các đường dây nóng, cổng thông tin, các ứng dụng thông tin), tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo tự bảo vệ, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng liên tục được cập nhật.
Và để bảo vệ bản thân, cộng đồng khỏi sự tấn công của dịch bệnh một cách hiệu quả nhất, “Mọi người cần tỉnh táo kiểm chứng thông tin, đừng vội chia sẻ. Và hãy nghe lời khuyên của các nhà chuyên môn”, khuyến cáo của Vụ trưởng Vụ Truyền thông Bộ Y tế Nguyễn Đình Anh.
Cập nhật cho đến 7g30 sáng nay, 17-3, thế giới đã có 182.403 người mắc bệnh, 7.114 người tử vong, lan đến 161 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Việt Nam có 61 ca dương tính.
Huệ Trần