Sư cô Thích nữ Diệu Liên cho biết vào 17 giờ chiều 15-6, một người đàn ông lạ mặt, mặc tang phục, mang theo hũ cốt nói là của cha mình vào chùa xin chư Ni tụng kinh cầu siêu cho hương linh.
Nhận thấy hũ cốt hơi lạ, cùng với nhiều dấu hiệu khả nghi của người đàn ông nên Sư cô muốn kiểm chứng các thông tin cá nhân của đối tượng này, cũng như thông tin của người mất được ghi trên hũ cốt.
Ảnh người đàn ông mang hũ tro cốt vào chùa Huệ Lâm chiều 17-6 do các Sư cô trong chùa chụp lại |
Tuy nhiên, người đàn ông này không xuất trình căn cước công dân hay bất kỳ thông tin rõ ràng nào về bản thân, mà chỉ có một tờ giấy xác nhận tên là Hồ Văn Long, sinh năm 1972, là đối tượng được nuôi dưỡng tại Nhà nuôi trẻ mầm non I, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM (nay là Làng Thiếu niên Thủ Đức, địa chỉ số 18 Võ Văn Ngân, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức).
Sau khi đối chiếu thông tin, Sư cô Diệu Liên nhận thấy thấy họ tên của người mất ghi trên hũ cốt và đối tượng đàn ông mặc tang phục không có liên quan đến nhau, thời gian mất cũng rất mâu thuẫn.
Sư cô cho biết sẽ mời chính quyền đến xác minh lại thông tin thì người đàn ông này liền lớn tiếng phản ứng, sau đó vội vàng rời đi.
"Mặc dù chưa biết động cơ của người đàn ông này khi mang hũ tro cốt với thông tin không minh bạch, rõ ràng đến gửi cho nhà chùa là gì nhưng chùa cũng đã báo cáo lên Ban Trị sự GHPGVN Q.8 để xin ý kiến chỉ đạo, cũng như thông báo đến các tự viện trên địa bàn nắm bắt thông tin", vị đại diện chùa Huệ Lâm nói với Báo Giác Ngộ.
Chùa Huệ Lâm (P.11, Q.8, TP.HCM) |
Liên quan đến vụ việc này, Thượng tọa Thích Huệ Công, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Q.8 xác nhận Ban Trị sự quận có nhận được báo cáo từ đại diện chùa Huệ Lâm và ngay lập tức thông báo đến các tự viện trên địa bàn nắm rõ tình hình, cảnh giác tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Vị Trưởng ban Trị sự Phật giáo Q.8 cũng nhắc nhở các tự viện cần phải thông báo đến Ban Trị sự, các cơ quan chức năng các vụ việc tương tự, để nhận được hướng dẫn và can thiệp, giúp đỡ kịp thời, tránh bị dẫn dắt theo mục đích của các đối tượng xấu.
"Tăng Ni cần phải khéo léo trong các ứng xử hàng ngày, cẩn trọng hơn trong lời nói, hành động của mình, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động cảm xúc để quay phim, chụp hình đăng lên mạng xã hội với mục đích không tốt", Thượng tọa Thích Huệ Công nói.
Trước đó, Báo Giác Ngộ cũng đã đăng tải thông tin một số chùa phản ánh việc bị các YouTuber, TikToker đến quấy nhiễu trong mùa An cư kiết hạ.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Minh Tường, Công ty luật Vương Gia, TP.HCM nhận định hành vi tự ý quay phim, sản xuất nội dung và đăng tải lên mạng xã hội của các YouTuber và TikToker là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy định về sử dụng công nghệ, vi phạm việc sử dụng hình ảnh thông tin người khác.
Vị luật sư này cũng nhận định việc đăng tải clip, video trong đó có thông tin không đúng sự thật, vu khống và cả xuyên tạc mang ý đồ xấu đối với các tu sĩ, cơ sở tự viện của Phật giáo đó là hành vi xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.