GN - Chúng tôi đến xóm trong của ấp Đại Bái, xã Lạc Hòa, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Rẽ bên phải là một dãy nhà hơn 10 căn đã có 3, 4 căn xuống cấp, cảnh nghèo nàn hiện ra trước mắt.
Bàn thờ của chị đặt tạm bợ trên một chiếc bàn nhựa - Ảnh: Thiện Tâm
Chúng tôi dừng lại trước căn nhà trống trước, trống sau. Một người đàn bà nằm co quắp trên bộ ván, mới nhìn đã thấy xót dạ. Khi chúng tôi hỏi: “Chị ơi, nhà còn ai không? Chị ăn gì chưa?”. Vội ngồi dậy, người đàn bà có gương mặt sưng húp, xanh xao, nhợt nhạt nói qua hơi thở mệt nhọc: “Đi làm xa hết rồi, tui chưa ăn gì”.
Còn trong túi xách ổ bánh mì, người bạn mua cho, tôi đưa ngay cho chị, rồi trao tấm phiếu cứu trợ do đoàn từ thiện thành phố đến giúp để chị có thêm cái ăn trong mấy ngày. Vì đã tối nên chúng tôi từ giã ra về mà trong lòng không khỏi bồi hồi, xúc động, tự hỏi, sao giữa đời sống này lại còn có quá nhiều người khổ sở đến mức như vậy. Chúng tôi đem câu chuyện này trao đổi với sư trụ trì tịnh xá Ngọc Định (thị xã Vĩnh Châu), dự tính sẽ đến thăm chị vào Chủ nhật, nhưng hôm ấy nghiệm thu những cây nước cho người dân nghèo về quá trễ, đành dời lại...
Như là linh tính, tôi nôn nóng bảo người bạn, Chủ nhật này phải đến thăm gia đình tại ấp Đại Bái. Hai chúng tôi thu xếp việc nhà xong, đến ngôi nhà cũ thì đã thấy quang cảnh có vẻ khang khác. Vài người dân ngồi gần đó nói: “Cô ơi, bả chết rồi”. Chúng tôi lặng người. Cuộc đời nghèo khó của chị vậy là kết thúc. Chúng tôi bước vào nhà, thắp nén nhang cho chị và gởi cho chồng chị ít tiền. Người đàn ông với vóc người nhỏ thó, dáng vẻ khắc khổ nhận lấy, cảm ơn và nói: “Tui đi làm mướn, trả nợ người ta. Con trai thì bị hư một bên mắt, con gái mới học lớp 4 ở Trường Lạc Hòa chút nữa nó về…”
Tôi nhìn con trai của chị, ngoài 30 tuổi mà vẻ mặt còn dại dại, nước mắt chảy dài nói với chúng tôi: “Mẹ chết rồi…”
Để có chỗ lo đám tang cho chị, hàng xóm láng giềng dựng tạm lại mái nhà, cột toàn bộ bằng dây ny-lông và treo tấm màn vải ở bức vách sau của căn nhà để lập bàn thờ cho chị. Tấm ảnh và bát nhang đặt tạm bợ trên một chiếc bàn nhựa nhỏ màu đỏ…
Trong suốt những năm gắn bó với những hoàn cảnh khó nghèo ở Vĩnh Châu, chúng tôi nghĩ rằng đây có lẽ là hoàn cảnh gây xúc động nhất và làm chúng tôi trăn trở nhất. Có những hoàn cảnh rất đáng thương như thế nhưng vì khả năng giới hạn, chúng tôi đành “lực bất tòng tâm”.