Cầu nguyện đúng pháp

0:00 / 0:00
0:00

GN - Cầu nguyện là nhu cầu chính đáng của nhân loại. Ai cũng mong muốn mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mình và người thân. Có lẽ vì vậy mà nhiều tôn giáo đã đặt cầu nguyện vào vị trí trung tâm trong hệ thống giáo lý của họ.

B1.jpg


Cầu dịch bệnh Covid-19 tiêu trừ - Ảnh minh họa

Phật giáo vốn không phủ nhận việc cầu nguyện, kể cả trong truyền thống Phật giáo Nam truyền lẫn Bắc truyền. Truyện tích Phật giáo không thiếu những câu chuyện cứu người nhờ vào năng lực cầu nguyện. Một Angulimāla khét tiếng, giết người không chớp mắt, đến khi từ bỏ tất cả để xuất gia trở thành Tỳ-kheo, dự vào dòng dõi của bậc Thánh, không còn cố ý sát hại chúng sinh, “do lời chân thật” đã thốt lên ấy mà có thể cầu nguyện cho một thai phụ đang quằn quại trong đau đớn được sanh nở dễ dàng. Một ẩn sĩ Dìpàyana thực hiện lời nguyện-cầu-chân-thật, nhờ công đức 50 năm tu hạnh ẩn dật mà tạo phước ân cứu sống một người bị rắn độc cắn (Tiểu bộ kinh, Jataka số 444)…

Nhưng, dễ dàng nhận thấy, Phật giáo đã không định nghĩa cầu nguyện theo kiểu “ơn trên ban xuống”, và Đức Phật không phải là bậc “ban phúc giáng họa”. Dẫu vậy, chúng ta vẫn luôn luôn nhận được ân điển của Đức Phật.

Vậy, Đức Phật có gì ban cho chúng ta? Ngài không sở hữu vật chất, nên không thể cho chúng ta tài sản của thế gian (tài thí). Ngài chỉ có thể cho chúng ta Chánh pháp (Pháp thí), và đặc biệt, cho sự không-sợ-hãi (vô úy thí). Không sợ hãi, vì chúng ta thấy rõ được con đường chân chánh, con đường vượt thoát sự đau khổ. Đó chính là ân điển của Đức Phật.

Những bậc thầy lớn, đặc biệt là Đấng Giác ngộ, luôn tỏa ra một từ trường mạnh mẽ, biến bầu không khí xung quanh trở nên yên tĩnh lạ thường, và nơi ấy không có chỗ cho tham sân si dấy khởi. Nguồn năng lực vô biểu đó giúp chúng ta chuyển hóa tâm thức, tạo năng lực và khả năng thích ứng, kham nhẫn với mọi hoàn cảnh. Các Ngài không khiến cho mọi thứ quanh ta trở nên dễ dàng hơn, mà giúp chúng ta có khả năng đương đầu với khó khăn, bằng chánh trí, vượt qua mọi trở ngại.

Theo lời Phật dạy, tác ý cũng chính là nghiệp. Do đó, một ý niệm khởi lên cũng có thể tạo nhân, có năng lực sinh quả. Chúng ta tác ý cầu nguyện cho bản thân hay cho người khác đều có thể tạo nên một năng lực, nghiệp nhân. Nhưng nghiệp nhân ấy không thể đem lại kết quả nếu không dựa vào sự trợ duyên của nền tảng phước đức, sự ban rải tâm từ, đặc biệt là những lời phát nguyện chân-thật… Đó chính là căn bản của cầu nguyện. Phật giáo không ủng hộ những sự cầu nguyện suông, mà cầu nguyện phải luôn đi liền với những hành động thích đáng. Cầu nguyện suông, như Phật dạy, sẽ không mang lại kết quả, cũng giống như việc cầu cho tảng đá nổi lên hay ghè dầu chìm xuống hồ nước, như một ẩn dụ trong bài kinh “Người đất phương Tây” (Tương ưng bộ kinh IV).

Chính vì lý do đó, khi đối diện với những sự kiện quan trọng, Phật giáo rất chú trọng đến sự cầu nguyện tập thể, điển hình như cầu nguyện cho người mẹ đau khổ của ngài Mục Kiền Liên. Năng lượng của Đại Tăng luôn luôn lớn hơn năng lượng của một người, cho dù đó là bậc Giác ngộ.

Do đó, trước những thiên tai như dịch bệnh, lũ lụt; trước những nhân tai gieo rắc thống khổ cho thế nhân, người con Phật bằng chánh kiến, bằng từ tâm, hợp lực cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, thế giới hòa bình, nhân tâm nhu thuận… đó đều là những việc làm chính đáng và đúng theo lời Phật dạy.

Quảng Kiến / Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày