Cầu siêu thờ cúng tổ tiên là truyền thống hiếu đạo của dân tộc

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1262 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1262 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Gần đây, có một số người đã vào các chùa, ghi hình nhà thờ vong linh và lễ cầu siêu của các gia đình Phật tử cúng giỗ các hương linh thân nhân thờ cúng tại chùa. Sau đó, những người làm các clip này có những bình luận xuyên tạc việc thờ cúng vong linh ở chùa là mê tín dị đoan, giúp nhà chùa trục lợi rồi tung lên mạng xã hội.

Sự kiện này xảy ra ở nhiều chùa, gây ảnh hưởng xấu đến Phật giáo và xúc phạm tín ngưỡng thờ cúng thân nhân của Phật tử. Trong khi, việc thờ cúng tổ tiên, cầu siêu cho người đã mất là truyền thống hiếu đạo của Phật tử và của dân tộc Việt Nam. Tôi là Phật tử, ông bà cha mẹ đều thờ ở chùa, các ngày giỗ gia đình đều cầu siêu và cúng kính tại chùa nên tôi rất bức xúc về việc này. Mong được quý Báo có nhận định về hiện tượng nói trên.

(PHỔ NGUYÊN, nguyenpho…@gmail.com)

Bạn Phổ Nguyên thân mến!

Ở nước ta, việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các thân nhân là truyền thống quý báu, phong tục tốt đẹp, có từ lâu đời. Người người, nhà nhà đều thờ cúng tổ tiên, gọi là đạo ông bà. Người Phật tử Việt Nam theo đạo Phật (có nguồn gốc Ấn Độ) vẫn duy trì truyền thống hiếu đạo, nhớ về nguồn cội, hàng năm đều cúng giỗ để tưởng niệm, báo hiếu, tri ân các đấng sinh thành.

Việc các Phật tử thờ - cúng vong linh thân nhân tại chùa có từ xa xưa. Mặc dù tại tư gia đã có thờ Phật và gia tiên nhưng việc gửi vong linh vào chùa để nghe kinh hoặc tổ chức cầu siêu, cúng cơm cho vong linh vào ngày giỗ ở chùa vẫn là tâm nguyện của nhiều người. Đây là ước nguyện chân thành của con cháu, tạo chút phước duyên, mong vong linh ông bà cha mẹ sớm siêu thoát.

Chùa Việt từ bao đời nay mở bày phương tiện siêu độ vong linh. Khi Phật tử có tang gia hay hiếu sự, chư Tăng có mặt để thăm viếng, sẻ chia, cầu nguyện là chuyện bình thường. Trong những ngày tuần thất hay giỗ chạp, Phật tử đến chùa xin lễ cầu siêu hay cúng cơm cho vong linh cũng là chuyện bình thường. Lâu nay chẳng ai phê phán hay chỉ trích về việc này. Phật tử tự nguyện phát tâm, nhà chùa thì tùy duyên phụng sự, nhờ việc hiếu mà có sự kết nối chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa Phật tử và nhà chùa. Lễ Vu lan - Rằm tháng Bảy là mùa hiếu, kết tinh của tinh thần “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Gần đây, trên mạng xã hội nổi lên phong trào chỉ trích, phê phán, phỉ báng chùa chiền và người tu. Lợi dụng một vài vị tu hành có hành vi và lời nói thiếu chuẩn mực, nhóm người này tận lực công kích, gây tổn hại nhiều phương diện cho đạo Phật và xã hội. Những người chỉ trích hiếu sự cúng kính của Phật tử là mê tín đã bộc lộ bản chất vong bản, vô ơn, bất hiếu. Trong khi, truyền thống văn hóa và phẩm chất căn bản đạo đức của người Việt là thờ cha, kính mẹ; là uống nước nhớ nguồn.

Vấn đề nhà chùa nhận lễ phẩm hoặc chi phí vừa đủ để làm cơm nước, mua hương hoa cúng giỗ cũng là chuyện bình thường. Những Phật tử tham gia cúng kính ở chùa đều biết rõ bổn phận, ai cũng sẵn lòng hoan hỷ, và nhà chùa cũng không hề trục lợi từ việc này. Phật tử có thể cúng kính ông bà cha mẹ tại tư gia, nếu muốn cầu siêu cúng giỗ tại chùa thì được chư Tăng yểm trợ. Những người xuyên tạc việc này rõ ràng là có ác ý chống phá Phật giáo, xúc phạm đến niềm tin và hiếu đạo của Phật tử.

Thiết nghĩ, hiếu đạo trong đó có kính thờ thân nhân đã mất là nền tảng đạo đức, là truyền thống văn hóa của dân tộc cần được gìn giữ và tôn vinh. Những ai chủ trương đi ngược với nền tảng đạo đức xã hội, trái với truyền thống văn hóa dân tộc cần được cộng đồng lên án mạnh mẽ.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Giải tỏa oan ức

GNO - Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào.

Thông tin hàng ngày