Món “dây nhợ trói buộc”

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1244 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1244 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Mẹ tôi mới mất, trong những ngày tuần thất, tôi thường tụng kinh cầu siêu rồi làm mâm cơm chay cúng mẹ. Tôi nghĩ lễ bạc mà lòng thành nên không nấu nướng cầu kỳ mà chỉ làm cơm canh bình thường để dâng cúng. Có điều, tôi bị một số người thân quở trách nặng nề vì trong mâm cúng có các món “dây nhợ trói buộc”. Đó là các món như mì xào, bún, miến, rau sống (bông chuối xắt sợi), rau muống xào.

Người thân tôi nói rằng mâm cúng cho vong linh mà “dây nhợ” nhiều sẽ trói buộc, ràng rịt khiến cho mẹ tôi không giải thoát. Tôi cũng từ tốn giải thích đó chỉ là món ăn thôi, vuông tròn dài ngắn hay trắng xanh vàng đỏ thì đâu có gì quan trọng. Họ xác quyết rằng thầy của họ đã hướng dẫn cần kiêng kỵ như vậy, còn trách tôi đi chùa nhiều năm mà không hiểu gì. Hiện tôi cũng không biết nói thế nào cho người thân hiểu được. Rất mong được quý Báo sẻ chia.

(THANH NHÀN, dieunhan…@gmail.com)

Bạn Thanh Nhàn thân mến!

Hiện nay có khá nhiều tập tục dân gian xen lẫn, pha trộn vào sinh hoạt tu học và tín ngưỡng của người Phật tử. Trong tinh thần phương tiện, để cho hài hòa và tránh bàn tán dị nghị, một số tập tục dân gian vẫn được duy trì, nhất là trong những tang lễ và kỵ giỗ theo nghi thức Phật giáo. Tuy nhiên, nếu những tập tục đó là hủ tục, kiêng kỵ vô lý hoặc mang sắc thái mê tín thì cần kiên định giải thích, hướng dẫn cho gia đình thực hành đúng Chánh pháp để âm dương đều lợi ích.

Kiêng kỵ cúng những món “dây nhợ ràng buộc” như bạn trình bày là một hủ tục. Theo lời Đức Phật dạy, một người khi chết đi thì theo nghiệp của họ đã tạo mà tái sinh vào cõi giới tương ứng. Việc cúng kiếng thực phẩm dài ngắn hoặc vuông tròn không hề ảnh hưởng hay tác động gì đến xu hướng tái sinh của vong linh. Quan niệm cúng mâm cơm mà nhiều “dây nhợ” khiến cho vong linh bị ràng rịt, không thể siêu thoát là mê tín. Người Phật tử có chánh kiến cần loại bỏ và giúp những ai còn vướng kẹt nhanh chóng vượt ra khỏi hủ tục này.

Bạn đã đúng khi hiểu rằng “đó chỉ là món ăn thôi, vuông tròn dài ngắn hay trắng xanh vàng đỏ thì đâu có gì quan trọng”. Thực ra, mâm cỗ và các vật phẩm dâng cúng ngoài ý nghĩa cúng cấp cho hương linh được no đủ còn mang ý nghĩa biểu trưng cho tấm lòng thương kính của con cháu. Bởi chỉ có các chúng sinh trong loài quỷ thần mới thọ dụng được các vật phẩm dâng cúng ấy, còn những chúng sinh trong các loài khác thì không dùng được vì “không tương ưng xứ”. Trong trường hợp “tương ưng xứ” tức vong linh tái sinh vào loài quỷ thần thì con cháu cần thành tâm, quán tưởng, gia trì các thần chú như Biến thực, biến thủy chơn ngôn thì vong linh mới thọ dụng được.

Nhân đây cũng nên bàn về một số vị xuất gia mà không am tường Chánh pháp, nhất là những vị thiên về vận dụng các yếu tố của thầy pháp, thầy phong thủy trong hành đạo. Một số Phật tử vì hàm ơn (trước có nhờ thầy trấn yểm, coi xem, cầu cúng….) nên tin tưởng thầy tuyệt đối mà không suy xét, nghe lời thầy rồi kiêng kỵ nhiều thứ mang màu sắc mê tín. Tình huống này dẫn đến hiệu ứng dây chuyền thầy sai nên dạy trò sai; trò sai rồi cả tin và chủ quan bảo những người khác mình là sai; người làm đúng nhưng nghe bảo sai cũng bối rối và bất an.

Thế nên, cần nêu cao chánh kiến để thực hành đúng Chánh pháp. Hàng Phật tử kính trọng người xuất gia nhưng cần phải suy xét những hướng dẫn của thầy, nếu đúng với Chánh pháp mới tin theo, nếu chưa đúng thì mạnh mẽ loại bỏ.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày