Chăm sóc người bệnh là một pháp tu

Thiết kế: Tống Viết Diễn
Thiết kế: Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đầu tháng 7-2021, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã có tâm thư kêu gọi Tăng Ni, Phật tử dấn thân phục vụ nhằm xoa dịu nỗi khổ niềm đau của đồng bào trong đại dịch Covid-19.

Tiếp theo đó, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kêu gọi Tăng Ni, Phật tử tình nguyện đăng ký hỗ trợ, giảm tải cho y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Từ những lời hiệu triệu ấy, đã có gần 700 Tăng Ni, Phật tử thành phố và các tỉnh thành lân cận xung phong, tình nguyện vào tuyến đầu.

Thiết kế trên ấn phẩm tuần báo Giác Ngộ số 1116-1119 - Tống Viết Diễn

Thiết kế trên ấn phẩm tuần báo Giác Ngộ số 1116-1119 - Tống Viết Diễn

“Những người dấn thân cao cả”

Trong ngày xuất phát đội tình nguyện đợt 1, Sư cô Thích nữ Huệ Huyền (tịnh thất Tuệ Minh, huyện Củ Chi, TP.HCM) xúc động cho biết “một điều rất đơn giản là giúp một phần sức lực để cho người dân thành phố vượt qua dịch bệnh Covid-19”. Những hình ảnh Tăng Ni với màu áo lam, áo nâu thường quen nếp sống tu tập ở cửa thiền đã không ngại bước ra đời sống và lan tỏa tinh thần quên mình để phụng sự.

Ngày 22-7, buổi gặp mặt đội tình nguyện của Phật giáo tại TP.HCM với 15 Tăng Ni và 65 Phật tử trong 299 tình nguyện viên các tôn giáo được thành phố tổ chức trang trọng trước khi các tình nguyện viên bắt đầu đến 3 Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19 (gọi tắt là Bệnh viện Dã chiến) số 10 và Bệnh viện Dã chiến số 12 (TP.Thủ Đức) để hỗ trợ y bác sĩ, bệnh nhân F0 với bao nhiệt huyết cùng với sự bỡ ngỡ ban đầu.

Hình ảnh ấy đã gây xúc động mạnh mẽ cho cộng đồng, xã hội và là động lực cho những Phật tử trẻ liên tiếp đăng ký vào tuyến đầu. “Chỉ mong có mặt ở tuyến đầu để giúp một phần cho TP.HCM, cho người dân mau chóng trở lại cuộc sống bình thường”, Phật tử Ngô Tự Trọng, pháp danh Thiện Pháp (Ban Thông tin - Truyền thông Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM xúc động gọi tình nguyện viên các tôn giáo tình nguyện vào tuyến đầu là “những người dấn thân cao cả”, không ngại hiểm nguy để thiết thực chia sẻ, chung sức giảm tải với lực lượng tuyến đầu.

Thiết kế trên ấn phẩm tuần báo Giác Ngộ số 1116-1119 - Tống Viết Diễn

Thiết kế trên ấn phẩm tuần báo Giác Ngộ số 1116-1119 - Tống Viết Diễn

Thực tập hạnh nguyện Bồ-tát giữa đời thường

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN cho biết, tinh thần dấn thân phụng sự vì cộng đồng, xã hội, chung sức đẩy lùi dịch bệnh đã lan tỏa những giá trị thiết thực trong thời điểm đất nước gặp nguy nan, dịch bệnh. Đã có hàng ngàn lá thư tình nguyện của Tăng Ni, Phật tử trẻ gửi về Giáo hội, phát nguyện xung phong vào tuyến đầu chống dịch, đặc biệt thể hiện nguyện vọng xin đến các tỉnh phía Nam. Tinh thần “hộ quốc”, đồng hành cùng dân tộc đã trỗi lên mạnh mẽ trong thời điểm hiện nay khiến chúng ta tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.

Từ miền Bắc, 20 vị Tăng trẻ của Phật giáo tỉnh Nam Định đủ điều kiện và được tuyển chọn vào Nam phục vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên - tỉnh Long An và tại Bệnh viện Dã chiến số 13, thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức TP.HCM

Gần hai tháng qua, có thể nói những tình nguyện viên Phật giáo đã tận hiến cùng tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, khu dân cư, trung tâm cách ly, khu tiếp nhận thực phẩm… tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương nhận định, đó là nghĩa cử tình người.

“Tăng Ni, Phật tử chúng ta đã dấn thân phụng sự cho xã hội, cho cộng đồng thật sự đi vào lòng người. Họ đã không ngại làm bất cứ việc gì được phân công, từ hỗ trợ y bác sĩ thăm bệnh, chăm bón thức ăn cho bệnh nhân, cho uống thuốc, đưa cơm, khuân vác thực phẩm, lấy mẫu xét nghiệm, ân cần tư vấn cho bệnh nhân, cầu siêu cho người mất, và cả… đổ bô cho bệnh nhân nặng... Những việc này, với một người bình thường nếu không có trái tim nhân hậu, bao dung, nhẫn chịu thì khó có thể làm được. Tình nguyện viên Phật giáo chính là những Bồ-tát giữa đời thường”, Hòa thượng nói.

Một tự viện có 12 vị xung phong phục vụ ở tuyến đầu

Đại đức Thích Thiện Mỹ, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Tuyển Tình nguyện viên - Ban Tổ chức kiêm Điều phối tình nguyện viên Phật giáo tỉnh cho biết, trong số 35 tình nguyện viên đợt 1 của Phật giáo Đồng Nai có 12 vị Tăng và tu nữ đang tu học tại thiền viện Phước Sơn tham gia xung phong vào tuyến đầu. Chùa Viên Giác do Đại đức Thích Thiện Mỹ trụ trì cũng có 5 vị Tăng cùng tình nguyện, trước đó tu viện Tâm Không (huyện Củ Chi, TP.HCM) có 3 Sư cô và 1 Phật tử cùng tham gia tuyến đầu chống dịch.

Đồng Nai là địa phương thứ 4 tham gia với 13 vị Tăng, 10 vị Ni và 12 cư sĩ, đa số là những người trẻ xung phong sau thời gian rất ngắn Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thông báo tuyển tình nguyện viên. 35 tình nguyện viên này chính thức được phân công phục vụ tại khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

“Đồng Nai là tỉnh có nhiều ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng chỉ sau TP.HCM và Bình Dương, nhưng lực lượng tuyến đầu khá mỏng và có lúc họ kiệt sức. Do đó, chư Tăng Ni, Phật tử tình nguyện viên của Phật giáo xung phong phục vụ tại tuyến đầu nhằm giảm tải cho lực lượng tuyến đầu. Qua đó, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trên tinh thần từ bi và đồng hành cùng với dân tộc. Hiểu được ý nghĩa và nhiệm vụ của mình nên tình nguyện viên Phật giáo tỉnh Đồng Nai luôn nêu cao tinh thần dấn thân phụng sự, dù có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào”, Đại đức Thích Thiện Mỹ cho biết.

Trước Phật giáo tỉnh Đồng Nai, các tình nguyện viên Phật giáo tỉnh Bình Dương gồm 50 vị Tăng Ni, Phật tử tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đã xúc động chia sẻ trong đạo tình nhằm động viên tinh thần dấn thân của tất cả các Tăng Ni, Phật tử: “Chúng tôi mong các tình nguyện viên khi tham gia công tác hỗ trợ phải thể hiện tính vô ngã, vị tha, dấn thân, cống hiến để đem lại những điều tốt nhất cho đồng bào mình”.

Hòa thượng cũng thân thiết căn dặn, lưu ý mỗi người phải nghiêm túc chấp hành các nguyên tắc bảo vệ sức khỏe cho bản thân, tích cực hỗ trợ các y bác sĩ khi được phân công. Chính những quan tâm sâu sát của lãnh đạo Phật giáo tỉnh là nguồn động viên lớn lao để mỗi tình nguyện viên cố gắng mỗi ngày, hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid, lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng trên địa bàn 3 phường thuộc TP.Thủ Dầu Một.

Gần 200 tình nguyện viên đang phục vụ tại các bệnh viện dã chiến

Ngày 22-7 và 20-8, hơn 100 Tăng Ni, Phật tử Phật giáo TP.HCM trong hai đợt xung phong vào tuyến đầu phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 10, Bệnh viện Dã chiến số 12 và Bệnh viện Ung Bướu (TP.Thủ Đức).

Ngày 16-8 và 26-8, 20 vị Tăng trẻ tại Nam Định vào Nam phục vụ tại tỉnh Long An và Bệnh viện Dã chiến số 13 - H.Bình Chánh, TP.HCM.

Ngày 23-8, 50 Tăng Ni, Phật tử thuộc Phật giáo tỉnh Bình Dương xuất phát hỗ trợ y bác sĩ tại TP.Thủ Dầu Một.

Ngày 26-8, 35 Tăng Ni, Phật tử Phật giáo tỉnh Đồng Nai xuất phát đội tình nguyện hỗ trợ lực lượng tuyến đầu trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày