Vậy các người phải gấp tỏa chiết đi, đừng cho phóng dật. Phóng tâm ra thì hại việc tốt của người, ngăn lại một chỗ không việc gì không thành. Thế nên, các thầy Tỳ kheo, hãy siêng năng tinh tiến, chiết phục tâm mình. Cho nên việc chánh niệm nhiếp tâm rất cần cho sự tu hành. Nhưng thế nào gọi là chánh niệm? Chánh niệm không những là nhiếp tâm, tịnh niệm; chánh niệm còn là "chánh tâm niệm lại". Tâm niệm ta không lúc nào không tư tưởng, nhưng tư tưởng mà chẳng bao giờ biết nghĩ cái hại của sự tư tưởng. Tư tưởng mà không tốt thì hành vi manh động và bạo động. Thế giới đau khổ vì tư tưởng đó. Thế giới chiến tranh cũng trong tư tưởng đó. Cho nên những ai ham chuộng tự do, hòa bình, ánh sáng, là phải tập chánh niệm. Nhưng "Chánh tâm niệm lại" là thế nào? Cắt nghĩa giản dị là phải luôn "tự giác", tự giác trong sự phát khởi của tâm niệm dù một tâm niệm nhỏ đến đâu. Tự giác như thế thì vọng niệm tự tiêu dần, nghĩa là chánh niệm tự dần dần thành tựu. Khi chánh niệm có sức rồi, nghĩa là sự tự giác mạnh mẽ rồi thì lợi ích gì? Hãy nghe lời Phật dạy trong kinh Ưu bà tắc giới: "Tuy đủ tất cả phiền não, nhưng phiền não vô lực, không thể tự do chi phối tâm tôi, tại sao, vì tâm trí tôi có đủ chánh niệm". "Phàm phu thì không có trí tuệ chánh niệm nên phiền não thành kẻ thù, đối lập, Bồ tát ngược lại, vì có đủ trí tuệ chánh niệm nên phiền não trở thành "Bạn hữu của đạo quả giác ngộ", bạn hữu độc ác và hành vi của phiền não cũng thế". Như thế thì biết chánh niệm quan hệ đến ngần nào? Loài người làm gì còn bóc lột nhau, áp bức nhau, tàn sát nhau, khi mà tâm niệm loài người không muốn? Và chỉ "Tâm niệm không muốn", loài người mới thật hết bóc lột, áp bức và tàn sát lẫn nhau. Còn bằng cách gì cũng chỉ nấu sạn mong thành cơm mà thôi, không bao giờ có kết quả được. Thật vậy, cả một thế giới hòa bình trong chánh niệm.