Chế độ dinh dưỡng nào cho người ăn chay sau khi tiêm vắc-xin Covid-19?

Ảnh: Bông Súng
Ảnh: Bông Súng
0:00 / 0:00
0:00
GN - Sau khi tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19, để cơ thể nhanh hồi phục và khỏe mạnh, ngoài việc theo dõi, chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý, cần phải kết hợp chế độ ăn dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Tuy nhiên, đối với Tăng Ni, Phật tử hay những người giữ chế độ ăn thuần chay, thực phẩm nào là hợp lý và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trước và sau khi tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19, đặc biệt là trong quá trình cơ thể xảy ra phản ứng sau tiêm?

Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Trí Minh, Tiến sĩ Phật học, bác sĩ đa khoa, giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, để tìm hiểu rõ hơn về chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người ăn thuần chay.

Các phản ứng của cơ thể xảy ra sau khi tiêm vắc-xin là bình thường

Đại đức Thích Trí Minh khẳng định: “Việc cơ thể xảy ra các phản ứng như mệt mỏi, sốt kèm ớn lạnh, nhức đầu, đau bụng, các cơ nhức mỏi, đau cánh tay tiêm thuốc, buồn nôn, tiêu chảy… sau khi tiêm vắc-xin là hết sức bình thường. Điều này xảy ra ở phần lớn những người được tiêm các loại vắc-xin ngừa vi-rút chứ không riêng vắc-xin phòng ngừa Covid-19. Do đó, cần giữ tinh thần bình thản và thoải mái bằng cách thường xuyên để ý đến hơi thở hoặc niệm danh hiệu Phật Dược Sư, duy trì tập thể dục nhẹ, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý”.

Đại đức Thích Trí Minh, tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa, giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Đại đức Thích Trí Minh, tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa, giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Nhiều thống kê đã chỉ ra, sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, các phản ứng trên cơ thể có thể xảy ra như: tại chỗ tiêm có nóng, đau, ngứa hoặc bầm. Toàn thân cảm giác yếu, mệt mỏi, sốt ớn lạnh hoặc sốt hầm hập kèm nhức đầu, chóng mặt, đau cơ khớp. Hệ tiêu hóa có thể chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng. Ngoài da có thể ngứa, phát ban, đổ mồ hôi nhiều hoặc nổi hạch bạch huyết. Các biểu hiện trên cho thấy hệ thống miễn dịch cơ thể đang phản ứng với vắc-xin tốt và chuẩn bị chống lại vi-rút.

Đối với việc sưng, nhức, ngứa và nóng ở vị trí tiêm, Đại đức Thích Trí Minh đề xuất dùng lát chanh mỏng, đắp nhẹ trong 3-5 phút, giúp làm giảm triệu chứng trên. Đồng thời hạn chế việc gãi, va đập mạnh vào vị trí tiêm. Nếu cả cánh tay đau nhức, tê mỏi nhiều có thể dùng khăn lông nhúng nước nóng vắt khô lau, đắp từ nách xuống bàn tay mỗi 15 phút để máu huyết lưu thông.

Các thực phẩm cần thiết cho chế độ ăn thuần chay sau tiêm

“Không có một loại thực phẩm, chất dinh dưỡng, chất bổ sung riêng lẻ nào có thể ngăn chặn được sự xâm nhập của vi-rút Sars-CoV-2 gây viêm đường hô hấp cấp. Tuy nhiên, chúng ta có thể hỗ trợ và tối ưu hóa hoạt động của hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại mầm bệnh bằng chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng”, Đại đức Thích Trí Minh nhấn mạnh.

Do quá trình cơ thể phản ứng sau khi tiêm vắc-xin thường dẫn đến: mệt mỏi hay chán ăn, người đã tiêm nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo, canh, uống nhiều nước, đặc biệt là nước ép hoa quả và chia nhỏ bữa ăn.

Đồng thời, đối với người ăn thuần chay, cần lưu ý bổ sung các thực phẩm đầy đủ chất béo, tinh bột, đạm và các vitamin cần thiết.

Nước

Nước chiếm từ 50 - 70% trọng lượng cơ thể, rất cần thiết cho máu huyết lưu thông, vận chuyển kháng thể, bài tiết các chất thải, chất độc và điều chỉnh nhiệt độ cho cơ thể. Do vậy, sau khi tiêm vắc-xin, theo các chuyên gia, cần cung cấp khoảng 1,5 đến 2 lít nước/ngày (35-40ml/kg/ngày). Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều nước cùng một lúc sẽ gây tăng áp lực cho thận, nước tiểu và mồ hôi bài tiết nhiều kéo theo mất điện giải, khiến cơ thể càng mệt mỏi.

Do đó, sau tiêm vắc-xin, nên uống nước ấm, không nên uống nước ướp lạnh và các loại nước ngọt có ga, nước dừa, uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống trong ngày.

Đặc biệt cần quan tâm đến việc giúp cơ thể hấp thu các vitamin thông qua các loại nước hoa quả như: nước cam, nước bưởi, nước cà-rốt, cà chua ép… là những loại nước cung cấp nhiều vitamin C, A cần thiết cho cơ thể.

Chất béo

Đối với người ăn chay, việc bổ sung thêm chất béo cũng vô cùng quan trọng. Do chế độ ăn thuần chay không thể sử dụng cá hay mỡ động vật, nên sau tiêm vắc-xin, để cân bằng dinh dưỡng, Đại đức Thích Trí Minh đề xuất việc bổ sung dầu thực vật:

“Tốt nhất là dùng dầu ô-liu hay dầu hướng dương thay thế cho dầu ăn thông thường. Tuy nhiên, không nên dùng dầu ô-liu trong các món chiên ở nhiệt độ cao vì sẽ làm biến đổi dầu, tạo thành chất độc khi đưa vào cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng, lọc thải độc của cơ thể. Các loại hạt nhiều dầu như hạt hạnh nhân, hạt óc chó, đậu phọng, mè… cũng nên ăn thêm để bổ sung chất béo sau khi tiêm vắc-xin”.

Tinh bột

Đối với chế độ thuần chay, người sau tiêm cũng nên ăn chọn lọc tinh bột để cung cấp đủ năng lượng. Có thể nấu ăn các loại bún, mì sợi (tránh ăn mì gói), phở, hủ tiếu, nui chế biến nóng… hoặc sử dụng gạo thông thường, nấu các món cháo, cơm mềm, giúp cơ thể dễ hấp thu trong quá trình xảy ra phản ứng sau khi tiêm. Ngoài ra, có thể thay thế gạo thông thường bằng gạo mầm, vừa đảm bảo cung cấp lượng đường bột cần thiết, hạt gạo có tính mềm, giúp người sau tiêm dễ ăn, dễ tiêu hóa.

Chất đạm

Việc cung cấp đầy đủ đạm cho cơ thể giúp duy trì và sản sinh kháng thể sau tiêm vắc-xin. Một số thực phẩm có thể đảm bảo bổ sung tốt đạm cho người ăn thuần chay như: các loại đậu, nấm rơm, nấm mỡ, đậu hủ, tàu hủ ky.

Có thể luân phiên nấu các loại cháo rau củ, kết hợp đậu, nấm, đậu hủ… vừa giúp dễ tiêu hóa, vừa tạo sự đa dạng cho bữa ăn trong hai tuần đầu sau tiêm vắc-xin.

Đối với những người bị dị ứng với nấm, có thể thay thế bằng đậu hủ trắng hay tàu hủ ky. Tuy nhiên, không nên dùng đậu hủ hay tàu hủ ky chiên sẵn vì chứa dầu chiên lại nhiều lần, ảnh hưởng đến quá trình đào thải chất độc của gan, làm chậm quá trình sản sinh kháng thể của cơ thể. Cũng cần hạn chế các loại nấm khác ngoài nấm rơm và nấm mỡ, vì hầu hết chúng đều có khả năng gây khó tiêu.

Thực phẩm chay chứa nhiều dinh dưỡng - Ảnh: Bông Súng

Thực phẩm chay chứa nhiều dinh dưỡng - Ảnh: Bông Súng

Thực phẩm giàu vitamin

Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể: giúp tăng cường hệ miễn dịch, tham gia vào biệt hóa tế bào miễn dịch, đóng vai trò trong việc bảo vệ sự toàn vẹn của da, niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp. Thực phẩm giàu vitamin A có thể kể đến là: gấc, khoai lang, bí đỏ, cà-rốt, ớt chuông, rau bina, xoài, bông cải xanh, dầu gan cá…

Vitamin C là chìa khóa cho sự tăng trưởng và hoạt động hàng ngày của hầu hết các mô cơ thể. Cả vitamin C và vitamin E đều được biết đến với vai trò chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng bảo vệ sự nguyên vẹn của tế bào, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Vitamin C có nhiều trong hoa quả tươi và rau xanh, bao gồm: bưởi, chanh, cam, ổi, dâu tây, kiwi, đu đủ, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, rau ngót, rau cải…

Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên như: đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có lá màu xanh đậm.

Vitamin D có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch. Cần tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D, nhằm hạn chế rối loạn điều hòa phản ứng miễn dịch của cơ thể. Nguồn thực phẩm giàu vitamin D cho người ăn thuần chay là sữa, bơ, phô mai, yến mạch, đậu nành… và ánh nắng mặt trời.

Kẽm cũng là một vi khoáng cần thiết, giữ vai trò làm chất xúc tác và cấu trúc cho rất nhiều enzym chuyển hóa trong cơ thể, giúp tăng cường miễn dịch, giúp vết thương mau lành, đồng thời duy trì vị giác và khứu giác. Thực phẩm giàu kẽm có thể kể đến là ngũ cốc nguyên hạt.

Gia vị

Đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, trong đó đã bao gồm duy trì phản ứng miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, một trong những lưu ý quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh là nuôi dưỡng đường ruột khỏe mạnh.

Canh hoặc súp được phối hợp từ các loại rau củ giàu chất xơ và các gia vị kháng viêm là nhóm thực phẩm đặc biệt có lợi cho đường ruột. Nên sử dụng hành lá, gừng, tỏi, nghệ…

Trong đó, nghệ có tính kháng viêm mạnh mẽ, giúp bảo vệ não bộ khỏi tình trạng căng thẳng tinh thần. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều ớt, tiêu, tỏi hay hành củ, dễ gây nóng và kích ứng cho cơ thể trong quá trình sau tiêm vaccine.

Hiện nay, ngoài việc ăn chay theo nếp sống tôn giáo, nhiều người cũng lựa chọn ăn chay hàng ngày như một lối sống thiện lành - Ảnh: Bông Súng

Hiện nay, ngoài việc ăn chay theo nếp sống tôn giáo, nhiều người cũng lựa chọn ăn chay hàng ngày như một lối sống thiện lành - Ảnh: Bông Súng

Các thực phẩm cần tránh sau tiêm vắc-xin

Rượu, bia và thức uống có cồn, có ga

Nên tránh uống rượu bia sau khi tiêm vắc-xin vì rượu bia và thức uống có cồn sẽ biến thành chất độc phóc-môn (formaldehyde) làm tăng gánh nặng cho gan, có thể ức chế miễn dịch, làm cơ thể mất nước. Uống rượu làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn cho việc phân biệt giữa phản ứng của rượu và phản ứng của vắc-xin. Nước ngọt có ga sẽ làm tăng thêm phản ứng đầy bụng, chán ăn, mệt mỏi.

Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa

Cần tránh hoàn toàn thức ăn nhanh, thức ăn chế biến bằng cách chiên, rán, nướng nhiều dầu như: khoai tây chiên, đậu hủ và tàu hủ ky chiên sẵn… Các loại thực phẩm này chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe cả trước và sau tiêm.

Ngoài ra, trong quá trình điều hòa cơ thể sau tiêm, người tiêm vắc-xin cũng cần loại bỏ hoàn toàn các món ăn khô được chế biến sẵn như chả chay, nem chay, mì gói v.v… vì chứa nhiều hàn the, chất bảo quản, ảnh hưởng tiêu cực đến việc lọc thải của gan.

Các loại trái cây quá nhiều đường

Trái cây bổ sung một lượng lớn vitamin C và đường có lợi cho cơ thể, song một số loại trái cây cung cấp quá nhiều đường cũng gây phản ứng xấu đến quá trình gan và thận lọc thải độc. Do đó, cần kiêng chuối già (gây khó tiêu, lạnh bụng, nên thay bằng chuối sứ), xoài, sầu riêng, mít (nhiều đường) v.v…

Đối với rau củ, cần kiêng đậu đũa, rau muống và măng là những loại rau củ dễ gây nhức, viêm, ảnh hưởng đến các cơ xương khớp, vốn đang bị đau nhức sau khi tiêm vắc-xin.

Gạo lứt

Theo Đại đức Thích Trí Minh, không nên sử dụng gạo lứt cho người đang ăn gạo bình thường sau tiêm vắc-xin, do gạo lứt giàu chất xơ và vitamin B1, song lâu tiêu, đặc biệt là trong quá trình cơ thể mệt mỏi, hạn chế khả năng vận động, tiêu hóa.

Người sau tiêm vắc-xin Covid-19 nếu có một số phản ứng miễn dịch nhẹ của cơ thể như đau nhức cơ, sốt nhẹ, buồn nôn, mệt mỏi, v.v… thì nên được chăm sóc như một người đang bị cảm cúm. Lúc ấy nên nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn cháo nóng, uống nước ấm; tránh dùng gạo lứt, sữa tươi, chuối già vì chúng gây khó tiêu hoặc lạnh bụng; cữ ăn măng, đậu đũa và rau muống vì chúng gây nhức cơ xương khớp.

Nếu có các phản ứng miễn dịch mạnh hơn như sốt cao (cảm giác nóng hầm hập hoặc ớn lạnh), nhức mỏi cánh tay chích ngừa nhiều, nên tắm nhanh hoặc lau mát toàn thân bằng nước nóng để hạ nhiệt và lưu thông máu huyết. Sau đó mới uống thuốc hạ sốt giảm đau vì khi sốt cao từ 39oC trở lên, thuốc hạ sốt Paracetamol sẽ không phát huy tác dụng. Không nên đắp mền khi sốt kèm ớn lạnh vì đắp mền sẽ khiến cơ thể giữ nhiệt, gây sốt cao hơn. Quá trình lau mát bằng nước nóng nên lặp lại mỗi 15 phút cho đến khi bớt sốt, thấy hết ớn lạnh và dễ chịu.

Đến nay, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện 5 loại vắc-xin Covid-19, bao gồm: Azd 1222 của Astra Zeneca-Oxford (Anh), Comirnaty của Pfizen-BioNTech (Mỹ), Sputnik V của Gamaleya (Nga), Vero-Cell của Sinopharm (Trung Quốc) và Skipevax của Moderna (Mỹ).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày