GNO - Có lần nghe pháp, trong một đĩa giảng, có Phật tử hỏi câu ấy, và giảng sư đã trả lời bằng một ví dụ thế này: một cái cây, khi sống nghiêng về hướng nào thì khi chặt hoặc trốc gốc sẽ ngã về hướng ấy. Cũng vậy, một người khi sống, tạo nghiệp gì, thao thức về điều gì... thì khi chết sẽ đi theo hướng ấy, tốt hoặc xấu do nghiệp tạo, những điều đã nghĩ, đã nói, đã làm.
Chết về đâu? Tùy nghiệp mà sanh về đâu - Ảnh minh họa
Câu hỏi chết sẽ về đâu có lẽ là câu hỏi lớn và ai tin nhân quả, luân hồi Phật dạy thì sẽ không cần quá lo lắng về điều đó, mà sẽ học cách sống yên an ở hiện tại, huân tu ý-khẩu-thân cho thiệt hiền, thiện thì khi thân tứ đại mục, rã theo quy luật sanh-trụ-dị-diệt (tất yếu của con người) sẽ sanh về cõi thiện, cõi lành.
Đồng thời, đối với người học Phật, tu pháp môn niệm Phật - từ đó cũng sẽ nghĩ về việc thường niệm danh hiệu Ngài khi còn khỏe, trẻ chứ không chủ quan đợi tới lúc gần chết mới niệm, bám vào cơ may "đới nghiệp vãng sanh" nhờ 10 niệm lúc lâm chung, vì đó là điều rất khó.
Khi sống, quê là nơi chốn mà người ta bị chi phối, nghĩ về nhiều nhất. Vì thế, về quê luôn là điều mà mỗi người, hẳn ai cũng mong và háo hức nhất, nhất là đối với những người đi xa quê, với những cách ngăn về mặt địa lý, về những tư tưởng và đường hướng sống khiến ranh giới quê hương trở nên vời vợi. Người già có quê thường mong muốn về thăm một lần trước khi nhắm mắt. Có người sẽ di chúc lại, rằng khi ba má nằm xuống, tro cốt nhớ mang về quê thả xuống dòng sông mà ba má đã lớn lên thuở thiếu thời.
Người đi xa đất nước, sống nhiều chục năm, nhưng cuối đời được về nước mình sống, được nằm lại giữa quê hương (dẫu còn nghèo, còn lắm gian truân) cũng sướng hơn ở xứ người xa xôi nào đó. Đất khách quê người, mấy chữ ngắn ngủi nhưng luôn khiến người ta chạnh lòng, rưng rức mỗi khi nghĩ về.
Chết trong vòng tay yêu thương và được nhiều người hướng về với một niềm thương mến có lẽ là an ủi lớn của đời người. Thật khó để được điều đó khi nhân cách mình không đủ lớn, khi sống mà mình không thật tử tế, không nghĩ cho số đông. Có những người âm thầm thao thức và quyết lòng dành trọn đời mình cho những điều lớn lao, cho số đông, cho dân tộc... thì khi nằm xuống tự nhiên người ta nhớ tới bằng niềm kính ngưỡng, thật tâm nguyện cầu cho người đi an lành. Cái lực nguyện cầu ấy, dù ở xa cỡ nào cũng đủ để cảm ứng mà đi trong sự an nhiên, trong tư thế mỉm cười.
Nói điều này trong dòng cảm xúc rất chân thành của một người đương thời chứng kiến sự ra đi của một con người tận tụy với âm nhạc dân tộc, âm nhạc Phật giáo, một thiên tài được thế giới và mọi giới thừa nhận, mến yêu - là GS.TS Trần Văn Khê, một hình ảnh sống động về cách sống, làm việc có ảnh hưởng tới số đông. Thật khó để có những người như vậy nên người đến viếng ông bằng cả lòng trân quý cũng dài như những gì ông đã trao cho cuộc đời, cho hành trình 94 năm sống nơi Ta-bà thế giới này.
Đặc biệt, ở di ngôn còn lại cuối đời mà cháu con thực hiện cho ông chính là tổ chức lễ tang theo nghi thức Phật giáo cũng chính là câu trả lời cho dấu hỏi về đâu của một con người tầm vóc. Với những gì đã gắn bó với Phật giáo, thâm hiểu về lời Phật dạy, văn hóa và triết lý nhân văn, con đường giải thoát..., ông đã trả lời một cách rất nhẹ nhàng, như gửi gắm chân thành cho thế hệ sau: “Bản thân tôi sống bằng tinh thần đạo Phật, đã biết tránh tham sân si, biết làm lành lánh dữ, cũng để tạo cho mình một nếp sống thanh đạm, nếp sống đạo Phật. Trong khi nghiên cứu, tôi đề nghị gấp với UNESCO là ưu tiên bảo tồn đối với nhã nhạc cung đình và kế đó là âm nhạc Phật giáo. Nhã nhạc cung đình đã làm rồi, tương lai là âm nhạc Phật giáo. Tôi muốn nói rằng, lúc nào tôi cũng sống như một người Việt Nam bình thường, nhưng nặng tình với Phật giáo” (*).
Đọc những lời đó (ông nói cách nay gần chục năm) như xác tín rằng ông “đã về, đã tới” (với Phật) bằng trái tim “nặng tình” Phật giáo mà xúc động vô cùng.
Thiết nghĩ, con người ai cũng phải chết, nhưng cái chết cũng là bài pháp hay để lại, với GS.TS Trần Văn Khê, tôi nhận về bài pháp ngắn nhưng có ý nghĩa dài trên lộ trình học Phật, đó là: con đường Phật giáo là con đường bình yên lựa chọn, để lúc đi xa kết nối được tình Linh Sơn cốt nhục ấm áp, dâng đầy “hiểu, thương”...
Lưu Đình Long