Chí xuất trần của Trưởng lão Ni Đại Ái đạo

Giác Ngộ - Một lần nữa, ngày tưởng niệm của Trưởng Lão Ni Đại Ái Đạo - Bậc Tổ sư của đoàn thể Ni giới, được long trọng tổ chức tại Tổ đình Từ Nghiêm, một chiếc nôi chẳng những đã trưởng dưỡng và hình thành đạo hạnh cho nhiều bậc Trưởng lão Ni tiền bối tại miền Nam Việt Nam, và còn tiếp tục làm một tấm gương soi sáng cho đàn hậu bối noi theo.

Quan trọng hơn nữa là lễ tưởng niệm lần này lại là khởi điểm cho Giáo đoàn Ni bộ tái thành lập sau hơn 30 năm tạm ngủ yên, và đã bùng dậy như một ngọn đuốc soi thủng màn vô minh, như một làn sóng thủy triều ào ạt cuốn phăng đi những âu lo, não phiền cho tương lai bấp bênh của hàng Ni chúng trẻ. Dưới sự lãnh đạo của các bậc Tôn Đức Ni - những vị kế thừa tôn chỉ của đức Kiều Đàm Di Mẫu qua đại lễ ra mắt Phân ban Đặc trách Ni giới Trung ương được long trọng tổ chức tại chùa Phổ Quang - thành phố Hồ Chí Minh và lần lượt ra mắt các Phân ban tại các tỉnh thành từ Nam chí Bắc.

TLN (1).jpg
Tôn tượng Trưởng lão Ni Đại Ái Đạo
tại tổ đình Từ Nghiêm - Q.10

Hồi tưởng lại, cách đây hơn 2500 năm Phật lịch, khi Thái tử Tất Đạt Đa mới sanh ra được 7 ngày, Hoàng hậu Ma Da đã từ giả cõi đời để lại niềm tiếc thương cho toàn cả hoàng thành Ca Tỳ La Vệ nói chung, và để lại trọng trách nặng nề cho quí phi Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề nói riêng, vì đây là người sẽ kế thừa ngôi báu, cai trị muôn dân, đem sự an lành đến cho trăm họ. Thế là bà không quản gian lao thức khuya dậy sớm, không từ khó nhọc cho bú ẵm bồng. Tình thương bao la của Di mẫu đối với Thái tử khi còn nằm nôi không khác gì người mẹ hiền, sự hy sinh cao vời của Bà cũng như trời cao lồng lộng, như biển cả mênh mông không gì so sánh được. Năm tháng dần trôi, với nhan sắc của một quý phi mỹ miều khả ái của Bà cũng dần phai mòn theo sự trưởng thành của Thái tử. Ngoài tấm lòng thương yêu Thái tử, Di mẫu cũng đặc biệt kính trọng người bởi nhân cách phi phàm trang nghiêm túc mục. Có lần, trong lúc vua cha và quần thần cùng dân chúng đang làm lễ hạ điền, Thái tử lại tách rời đám đông tìm nơi thanh vắng để tọa thiền. Hình ảnh đứa trẻ Thiền quán dưới bóng râm, tương phản lại sự nhộn nhịp huyên náo của ngày đại hội tưng bừng, khiến cho Di mẫu vô cùng lo sợ, Thái tử sau này có rời xa mình để đi theo lý tưởng mà người đã ấp ủ từ thuở còn thơ ? Khi lớn lên nhân cách đó đã hình thành một tư tưởng xuất trần, mặc dầu vua Tịnh Phạn đã dùng đủ mọi cách để ngăn cản Thái tử. Nhưng với người, cung vàng điện ngọc tước trọng quyền cao, không giam nỗi người có một ý chí siêu việt, vợ đẹp con ngoan cũng không cột được trái tim của người quyết ra đi tìm con đường thoát khổ.

Lúc Thái tử vượt thành giữa đêm khuya tĩnh mịch, không một lời từ giả, cũng không hẹn ngày tái ngộ. Ngài đã để lại bao niềm xót xa, bao sự nhớ nhung cho những người thân yêu của mình. Thế rồi thời gian dần trôi qua nhưng cũng không khiến cho mọi người lãng quên Thái tử - vị vua tương lai của Ca Tỳ La, nhất là Di mẫu. Bỗng nghe tin Thái tử đắc đạo, được các vương hầu kính trọng, người trong nhân gian đều qui ngưỡng, mọi người trong thành Ca-tỳ-la-vệ như sống lại thuở ngày xưa, hình ảnh thái tử uy phong trên lưng ngựa Kiền Trắc như tái hiện trước sân rồng, Di mẫu Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề cũng cảm thấy hãnh diện về người mà chính tay mình đã dưỡng nuôi nên vóc nên hình. Nào ngờ khi Ngài trở về hoàng cung trong chiếc áo vải thô sơ, đầu trần chân đất, ôm bát khất thực như một kẻ hành khất bên vệ dường. Mọi người rất đổi ngạc nhiên, nhất là vua Tịnh Phạn không chịu nổi sự bất bình, nhìn con mình sao lại lâm vào cảnh bần cùng đến thế. Vua truyền lệnh dừng ngay cuộc khất thực này, đồng thời thỉnh đức Phật và tăng đoàn về hoàng cung để đức vua dâng phẩm vật cúng dường. Nhưng đức Phật đã từ chối và giải thích cho đức vua hiểu rõ ý nghĩa khất thực và vì sao phải khất thực, khất thực còn là cái nhân để cho mọi người đều có thể gieo trồng phước báo đời sau.

Chỉ có Di mẫu là người biểu hiện sự đồng tình, và cảm thông sâu sắc nhất đối với việc làm của đức Phật, người đã thẩm thấu được bên trong nếp sống giản dị này là nguồn an lạc, là niềm thanh thoát, vượt khỏi sự buộc ràng của giai cấp vương quyền đang thống trị. Cũng chính hình ảnh đó, khiến cho Di mẫu càng thấy rõ hơn về sự mong manh của địa vị Vương phi, cảm nhận được sự vô thường của thể xác đang từng ngày thu hẹp sự sống. Gấm vóc lụa là không làm sao che dấu nổi sự già nua của thân tứ đại, vàng bạc châu báu cũng không sao mua nổi tuổi thanh xuân. Một cái nhìn thấu suốt vào bản chất của cuộc sống, một cách tư duy sâu sắc mà không phải hàng nữ lưu nào cũng có thể vượt qua, một quyết định tuyệt vời khiến cho nghìn đời sau vẫn còn bái phục. Thật là hơn cả sự mong đợi, vương phi Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề đã quyết tâm xin Phật xuất gia, nhưng không được Ngài hứa khả. Bã đã ba lần cầu xin, nhưng cả ba lần đều bị khước từ. Khi Phật rời khỏi hoàng cung để đến nơi khác giáo hóa, thì bà cùng 500 m ệnh phụ phu nhân của hàng quí tộc, các thể nữ con cháu của vương triều Ca-Tỳ-La-Vệ vượt suối băng rừng, không màng đến cuộc sống vương giả của hoàng cung, chiếc lồng son nhỏ bé của điện ngọc cung vàng không thể cầm chân con phượng hoàng đang sải cánh. Trải qua không biết bao lần, những hạt sương mai thấm đẩm; từng cơn gió rét cắt da như len lỏi vào tận cùng tâm hồn của họ; từng cơn nắng nghiệt ngã như đốt cháy làn da mượt mà; từng chặn đường dịu vợi thẳm mù đầy cát bụi gay chông như in sâu ý chí xuất trần của bậc thượng sĩ.

TLN (2).jpg

Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề và Thái tử Tất Đạt Đa

Qua bao ngày lặn lội đường xa, cuối cùng vương phi và 500 m ệnh phụ phu nhân cùng hàng thể nữ cũng được quỳ dưới chân Phật bày tỏ lòng thành khát ngưỡng xuất gia. Một lần nữa Di mẫu suýt ngất đi khi nghe đức Phật lại từ chối, không cho người nữ xuất gia trong tăng đoàn, dù họ cũng có thể bước vào quả vị Thánh. Nhưng bởi vì họ có năm điều chướng ngại:

1. Không được làm trời Phạm Thiên
2. Không được làm trời Đế Thích
3. Không được làm Ma vương
4. Không được làm Chuyển luân thánh vương
5. Không được làm Phật

Đây là một thử thách cuối cùng khiến cho Vương phi và các mệnh phụ, thể nữ phi tần bàng hoàng, buồn bã rơi lệ, nhưng ý chí xuất trần vẫn không chùn bước. Cảm thông được tâm nguyện của hàng nữ lưu đã vượt qua bao nghìn trùng khó nhọc, nhìn những đôi chân ngà ngọc của họ đã tươm đầy máu đỏ, những chiếc hoàng y sang trọng đã bỏ lại hoàng cung, thay vào đó là những chiếc áo ca sa bá nạp, mái tóc dài óng ả lượt giắt trâm cài đã phủi sạch giờ chỉ còn trơ cái đầu đội nắng hứng sương. Tôn giả A Nan không nén được niềm xúc động dâng trào, ông quyết thay họ thỉnh cầu đức Phật và khéo léo nhắc lại công ơn của Di mẫu đã thay thế hoàng hậu Ma-da nuôi dưỡng Thái tử lúc mới bảy ngày tuổi. Qua lời thỉnh cầu tha thiết của Tôn giả A Nan, nghĩ đến công ơn nuôi dưỡng của Di mẫu, cuối cùng đức Phật chấp nhận cho hàng nữ giới xuất gia, nhưng yêu cầu Di mẫu Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề phải gạt bỏ địa vị vương quyền, tuân thủ Bát Kỉnh pháp, đây cũng chính là giới đức phẩm hạnh cho hàng nữ lưu trước khi phát nguyện xuất gia theo ni đoàn. Không cần phải đắn đo suy nghĩ, cũng không chút chần chừ, Di mẫu đã phát nguyện thọ lãnh Bát Kỉnh pháp, như một lời tuyên thệ đại diện cho các mệnh phụ, thể nữ phi tần, cho đoàn thể ni chúng sau này. Từ đó trong giáo đoàn của đức Phật đã có thêm Ni đoàn và Tỳ kheo Ni Đại Ái Đạo đã trở thành Tổ sư Ni của đoàn thể Ni giới

Sau khi được xuất gia trong giáo đoàn của đức Phật, chưa bao giờ Tỳ kheo Ni Đại Ái Đạo tự cho mình là quốc mẫu, mà luôn khiêm hạ sống hài hòa với chư Ni, tuân thủ giáo pháp, thi hành giới luật của đức Phật đã dạy, tinh tấn thiền tọa, được sự kính phục của đại chúng. Bà còn hướng dẫn Ni đoàn làm những công tác ngoài xã hội, như an ủi những người nghèo, giáo dục trẻ em học Phật, dẫn dắt các phụ nữ quy y, đưa những lời giáo hóa của Phật đến với mọi gia đình, khiến cho Phật giáo trong xã hội thời đó vô cùng thịnh hành

Đức Phật thường tán thán Trưởng lão Kiều Đàm Di với Tăng đoàn: "Tỳ kheo Ni như Đại Ái Đạo, không thể xem như một người Ni tầm thường, bà thật là một trượng phu có đức, và là một người xuất cách đáng biểu dương trong Tăng đoàn"

Thế thì Bát Kỉnh Pháp không phải là hàng rào giai cấp, càng không phải dùng để kỳ thị giữa ranh giới của Tăng Ni, mà đó chỉ là chỉ tô điểm thêm cho đức hạnh của chư Ni ngày một lan tỏa. Bất cứ người nào khi nhìn thấy sự cung kính của chư Ni đối với chư Tăng, họ sẽ cảm thấy từ nơi vị đó toát ra một sự khiêm cung nhã độ và hương thơm của giới đức. Lật lại trang sử của các bậc Trưởng lão Ni, được chứng quả A-la-hán, được nghìn đời sau ca tụng và xưng tán, cũng nhờ vào Bát Kỉnh Pháp mà đức Phật đưa ra

Khi hay tin đức Phật chỉ còn ba tháng nữa sẽ nhập Niết bàn, Trưởng lão Ni Đại Ái Đạo dù đã chứng quả A La Hán, hoặc lậu đã sạch vẫn không thể lặng nhìn đức Thế Tôn nhập diệt, bà đã ân cần thưa thỉnh xin phép cho bà nhập Niết bàn trước. Được đức Phật hứa khả, Trưởng lão Ni liền nhóm họp, dặn dò các đệ tử, về sau phải tuyệt đối giữ gìn Bát Kỉnh pháp, vì đó là sự hình thành của Giáo hội Ni chúng ở hiện tại và mai sau

Tóm lại, tưởng niệm Trưởng lão Ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di là tưởng niệm về tính kiên định của một bậc mẫu nghi đã vì đạo quên mình; tưởng niệm về đức hạnh một bậc Tổ sư Ni vì tiền đồ của Ni giới dũng mãnh lãnh thọ Bát Kỉnh pháp. Vì Ngài nghĩ rằng Bát Kỉnh pháp là chiếc áo giáp phòng hộ để giúp cho chư Ni đối đầu với nhân ngã bỉ thử, Bát Kỉnh pháp còn là niềm tự hào giúp cho chư Ni thành tựu đạo hạnh, chứng quả A La hán, đó cũng là nhờ mặc chiếc áo giáp này mà đã tự chiến thắng mình một cách vẻ vang. Nó không làm tổn giá trị nhân sinh quan của chư Ni, mà ngược lại còn tôn vinh đức hạnh cho những người con gái lành của đức Như Lai. Một biểu tượng phi vật thể đã gắn bó và tồn tại suốt mấy nghìn năm qua, nó hoàn toàn không áp đặt cũng không cưỡng cầu, mà chỉ là một sự tự nguyện đến với giáo đoàn Ni bộ. Nếu chúng ta đã chấp nhận sống trong Ni đoàn, tức là chúng ta muốn hướng đến sự giải thoát giác ngộ, mà con đường giải thoát này chính đức Phật đã chỉ dạy là phải đi qua con đường đèo dốc của Bát Kỉnh pháp, là phải noi theo ý chí xuất trần thượng sĩ của Trưởng lão Ni Đại Ái Đạo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày