Chiếc áo... và chuyến cúng dường

Chiếc áo... và chuyến cúng dường

Từ một bài báo của một tác giả (không còn nhớ tên) ca ngợi cảnh quan thiên nhiên của ngôi quốc tự từng là danh lam thắng tích ở Huế và đề cập tình hình khó khăn nơi đây, một ngày Chủ nhật đẹp trời tôi cùng mấy người bạn lên đường hành hương cúng dường. Ai nấy đều chuẩn bị mọi thứ, y phục chỉnh tề. Bác tài tuy lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm nhưng nghe đi Huế vẫn tỏ ra e ngại!

Khởi hành lúc sáu giờ rưỡi, đến Đà Nẵng hơn bảy giờ. Mới qua khỏi cầu sông Hàn thì bị cảnh sát giao thông thổi còi. May mà chỉ nhắc nhở, không bị phạt. Nghe đi Huế, tài xế nào cũng ngại vì sợ bắn tốc độ. Qua khỏi đèo mà ô-tô đời mới chạy chậm hơn cả xe máy. Mải “phân tâm vì chuyện phạt”, tôi quên không kịp báo đường để xe chạy quá hơn cả mười cây số mới quay lại chân đèo Phước Tượng, đúng đường lên chùa.

Con đường quanh co, một bên núi một bên phá, cảnh thiên nhiên ngoạn mục ai cũng trầm trồ thích thú “Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Đi được ba bốn cây số thì đường hẹp lại gồ ghề, trời nắng gắt ai nấy đều thấm mệt. Đến nơi lúc 11 giờ đã trưa nắng, đứng trước cổng chùa nhìn lên cảnh núi rừng hoang sơ kỳ ảo, ai nấy thấy khỏe lại ngay.

Mọi người hồ hởi leo nhiều bậc cấp lên chùa. Biết bao nôn nao, hồi hộp được gặp thầy. Khi nghe các chú cho biết “thầy đi dạy, không có nhà”, ai nấy ỉu xìu nhưng không đến nỗi thất vọng khi biết trưa thầy về. Chúng tôi tranh thủ vào lễ Phật và lên tham quan tháp Điều Ngự… Đã vắng vẻ không có thầy, chùa lại càng vắng hơn khi chẳng thấy một Phật tử nào lui tới, trừ mấy cháu nhỏ vào ra sửa soạn bữa ăn. Sau khi dành một phần cho thầy, các chú ngồi vào bàn. Cả thảy có tám chú tuổi chừng mười hai đến mười sáu, mười bảy. Mỗi người vỏn vẹn một tô cơm với mấy lát mít kho. Tôi hỏi mới biết chỉ hai chú nhỏ thó mặc đồ nâu ngồi hai bên đầu bàn là điệu, còn lại là các em khó khăn được thầy cho ăn ở.

Tôi xin số điện thoại và gặp thầy trụ trì trình bày mục đích, thầy cho biết sẽ về… Các bạn chờ lâu ra trước cổng chùa nghỉ uống nước, điện thoại hỏi chừng thầy và thúc đi ăn trưa. Hỏi quán chay, mấy chú cho hay quanh đây không ai ăn chay nên không có. Đến gần một giờ chiều một chú báo tôi biết thầy về. Tôi ngạc nhiên không nghe tiếng xe máy (đi dạy xa), ngờ đâu thầy nhàn tản đi bộ với chiếc nón lá và chiếc quạt phe phẩy trên tay. Tôi vui mừng đứng lên chào thầy.

Tôi trình bày mục đích “Qua bài báo đề cập tình hình khó khăn... và qua tìm hiểu được biết đạo tràng tu học có đến trăm Phật tử mà ngoài mấy quyển kinh Nhật tụng ở chánh điện, chùa thiếu kinh sách. Tôi cùng các bạn đã vận động một số kinh sách hôm nay đến cúng dường... góp phần tạo điều kiện cho Phật tử nơi đây tu học và chia sẻ phần nào khó khăn với chùa”. Đáp lời tôi thầy nói, “Bài báo nói thế là nói nhu cầu sách nghiên cứu chứ không phải kinh tụng. Tôi cần sách Phật học…, chùa không nhận kinh vì không có tủ đựng nên sợ để lâu mối mọt thêm tội”. Tôi thấy hụt hẫng ngồi thẫn ra một lúc, liền ra cổng báo các bạn vào may ra thuyết phục thầy đổi ý.

Người bạn tôi trình bày ý như tôi vừa nói. Thầy trả lời tương tự và nhấn mạnh “chùa đang khó khăn cần sắm… ít ra cũng vài chục quyển vở cho các em đây học”. “Thưa thầy, nhiều chùa đang cần kinh sách nhưng theo yêu cầu anh bạn tôi nên chúng tôi mới chuyển kinh đến chùa. Nếu thầy không nhận, thầy hoan hỷ cho gởi tạm ở đây chúng tôi liên hệ với thầy... ở Huế, báo thầy biết sẽ đến nhận, chùa thầy ấy hiện có nhu cầu”, anh bạn tiếp lời. “Chùa nào có nhu cầu thì nên chở thẳng đến. Còn gởi cũng có thời hạn”, thầy đáp. Tôi cũng đề nghị các bạn nên chở kinh đến chùa thầy nào đó đang cần.

- Biết thế không chuẩn bị mọi thứ… Các bạn tỏ ý thất vọng đứng lên ra xe.           

- Làm Phật sự mà nóng nảy. Thầy nói khi còn lại mình tôi.

Thấy không khí có phần căng thẳng, tôi cố giữ thái độ bình tĩnh.

- Thưa thầy, ấn tống kinh sách không phải không tốn tiền, nhiều là khác, nhưng muốn tạo điều kiện Phật tử thông hiểu giáo lý tu tập đúng Chánh pháp...

- Bố thí cúng dường kinh sách thì tốt rồi nhưng cũng cần phải phù hợp, phải thiết thực! Thầy nói.

Tôi định nói thêm điều gì đó hy vọng thầy đổi ý, không nhận hết thì thầy có thể nhận một ít, vài chục quyển để các bạn vui lòng. Bất chợt một mảng sờn rách trên vai chiếc áo thầy đang mặc đập vào mắt, tôi xúc động đến không nói gì được… Hình ảnh bữa cơm đạm bạc hiện rõ trước mắt làm tôi thấy ái ngại. Tôi nhận ra mình có lỗi vì thiếu sâu sát, không thỉnh ý thầy trước nên đã xảy ra nông nỗi. Không những gây phiền cho thầy mà còn làm các bạn thối thất tâm bồ-đề và các em nhỏ mất cơ hội được chia sẻ phần khó khăn…! Mọi người đã lên xe. Tôi nán lại muốn thưa với thầy điều gì đó để may ra xoay chuyển tình hình... để các bạn giữ được ý định tốt đẹp khi ra đi.          

Thấy tôi tần ngần không vui, thầy nói: “Không có gì được mà cũng chẳng có gì mất. Chỉ khởi lên một ý thiện hay ác tức thời đã có nghiệp và quả tốt xấu đi liền. Mọi việc ở đời đều tương duyên, tương quan: Cái này có do cái kia có, cái này sinh do cái kia sinh...! Tất cả là như thị”.

Tôi thấy nhẹ nhõm người và đứng lên cảm ơn thầy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày