Chiếc lá bay về

0:00 / 0:00
0:00
GN - Anh xuất hiện sau khi người phục vụ đi vào bên trong. Biết anh chỉ uống mỗi cà-phê nên tôi gọi sẵn để không phải mất thời gian.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1143 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1143 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chưa kịp nhấp ngụm cà-phê nào, anh mắng tôi xối xả:

- Anh cho tiền mày ăn học, anh lo cho mày đến khi có cửa nhà, có công việc ổn định. Vậy mà mỗi chuyện nuôi ba mày cũng làm không xong. Mày làm gì phật lòng ba để ông già nằng nặc đòi bỏ về quê vậy Thư?

Tôi không đáp lại lời anh. Trong quán vẳng lên giai điệu chậm buồn của bản nhạc bất hủ. Anh nốc một hơi cạn sạch ly cà-phê, cơn giận từ từ lắng xuống. Anh nói chắc chắn:

- Sớm mai anh qua chơi, nhân tiện anh nói chuyện với ba. Con cái ba có đứa nào nghèo khổ đâu, anh với mày đều cửa nhà đàng hoàng, ô-tô sang, ba muốn đi chơi đâu cũng được. Đâu phải như hồi xưa. Tự dưng ba đòi về quê sống, rồi còn ai xem anh em mình ra gì nữa.

Tôi cũng không nói không rằng. Đột nhiên nước mắt lã chã tuôn. Hình như ngoài tôi ra thì không ai hiểu được lòng ba. “Chuyến này ba về quê mà sống, ba không ở thành phố nữa, ở đây không phải là nơi ba thuộc về”. Đó là lời mà ba đã nói với tôi trong cái đêm hai cha con ngắm trăng trên vòm trời thành phố trong khu vườn nhỏ mà ba đã chăm chút từng mầm cây, ngọn cỏ.

*

Nhà được xây cất trong khu đô thị mới, thuộc diện đắt đỏ nhất nhì thành phố. Hai tầng. Có khu vườn nhỏ đủ để ba tôi trồng cây cảnh. Tôi với anh bàn tính chuyện về quê đón ba lên thành phố. Ba má đã vất vả một đời để nuôi anh em tôi nên người, giờ má mất rồi, ba ở dưới một mình lủi thủi, lỡ ốm đau bệnh tật lấy ai mà trông nom. Chỗ ở cho ba anh tôi cũng tính gọn hơ. “Anh với mày thay nhau, anh đi công tác thì mày chăm ba, chừng nào anh về thì anh đón ba. Ba dễ ăn uống, chị dâu nấu ăn khéo lắm”. Tôi gật gật. Nghĩ đến cảnh căn nhà trống huơ có ba chuyện trò rôm rả đêm ngày là tôi lại nôn nao. Biết ba thích làm vườn nên lúc xây nhà tôi đã dành hẳn một khoảng đất rộng màu mỡ để ba thỏa sức trồng trọt. Đôi khi ở phố có khu vườn sẽ khiến người già đỡ cô quạnh.

Không thể từ chối lời, ba tôi đành thu xếp nhà cửa cho gọn ghẽ theo anh em tôi lên thành phố. Biết tin sáng sớm anh em tôi về đón, ba tất tả từ khi trời còn tối om, dọn dẹp từ trong ra ngoài, bỏ thứ này vô túi nylon cho đỡ mối mọt, treo thứ kia lên cao để đỡ chuột gián,…

Ngồi ngoài thềm ba lót gạch tàu đầy nắng rơi rụng mấy bông hoa sử quân tử thơm phức trên giàn, út Mận kể cho tôi nghe mọi thứ, út cười tươi rói mà nỗi buồn đọng khóe mắt út Mận đã nói hết với tôi tâm trạng thật của út ngày ông rời quê lên phố. Út Mận là cô bé hàng xóm tốt bụng vẫn thường sang chăm sóc ba tôi. Út thương ba tôi như thương một người ông ruột thịt. “Ông đi chắc con buồn dữ lắm!”, út nói vậy. Tôi vân vê lọn tóc sau gáy út Mận, bảo chừng nào rỗi rãi cô Thư đón lên thành phố chơi với ông.

- Đêm qua ông ngồi ngoài mộ bà suốt. Chừng khuya lắc con đốt đuốc sang vẫn thấy ông ngồi ngoài đó.

Tôi hiểu tâm trạng của ba. Từ hồi má mất, đêm nào ba cũng ra mộ má chong đèn, thủ thỉ chuyện trò cho đến khi sương rơi ướt đẫm. Mỗi lần tôi về nhà đều thấy đồ đạc ngăn nắp, mấy chục năm mà cái gì của má tôi ba cũng không dịch chuyển. Cây lược mỗi lần má đi vườn vào nhà gỡ tóc rồi đặt hờ trên kệ, cái gàu nước treo lủng lẳng trên cành khế bên hè, cạnh cái lu nước đầy để má múc rửa mặt rửa tay… ba giữ nguyên như hồi má còn sống.

Ngày tôi nói đón ba lên thành phố sống, ba đã phải suy nghĩ rất nhiều. Ai cũng có một miền quê để yêu như máu thịt. Ba tôi cũng thế. Và anh em tôi cũng thế. Chỉ là vì chúng tôi không thể rời thành phố được, bởi chỉ ở thành phố chúng tôi mới khẳng định được mình, mới “trưởng thành” theo như cách mà ba tôi kỳ vọng.

- Đi thôi, ba.

Tôi nói với ba. Ba “ừ” nhẹ hều. Trước khi lên xe ba còn dặn dò út Mận đủ điều. Ba bảo út Mận thi thoảng sang mở cửa quét tước nhà cửa, nhổ mớ cỏ trên mộ bà. “Nhà không ai ở, mối mọt xâm lăng dữ lắm”, ba nói vậy, đâm lo. Tôi cười mà thấy lòng mình xao xác. Hành trang duy nhất ba mang lên thành phố là di ảnh của má. Tôi đưa tay định đỡ lấy nhưng ba giữ chặt:

- Ba đi đâu thì ba đưa má bây theo đó. Ba không nỡ bỏ má bây lại một mình.

Tình yêu của ba má tôi dài như sông, như suối, mấy mươi năm vẫn không hề lạt phai.

Xe lăn bánh. Ba ngồi trầm ngâm. Tôi đoán chắc ba buồn lắm. Bỏ quê ai mà chẳng buồn, huống chi quê nhà là tất cả đối với ba tôi. Ngoái lại tôi vẫn còn trông thấy út Mận đứng tần ngần bên lề đường nắng vàng trải rợp, đầu út đội nón lá rách vành, thấy mà thương.

*

Trong vườn, ba tôi trồng đủ loại cây. Từ cây ăn quả ngắn ngày như đu đủ, cà chua, thanh long,… đến cây kiểng như cây mai, cây cau, cây sung,… Giàn sử quân tử ba chiết cành ở dưới quê đem lên thành phố trồng đã bắt đầu trổ hoa, thơm nức mũi mỗi độ sương chiều buông xuống phố.

Mỗi sáng trước khi đi làm, tôi đều ngồi uống trà ngắm ba tưới cây nọ, uốn éo cây kia cho thành hình mà ba mong muốn. Mỗi chiều trở về, tôi lại thấy ba vun phân, xới đất, tưới nước cho cây. Ba tôi yêu cây xanh. Giữa thành phố hơn chín triệu dân, toàn những tòa nhà chọc trời mọc san sát nhau, màu xanh cây vườn đã trở thành khan hiếm. Ba tôi đã mang về cho khu vườn nhỏ của tôi biết bao nhiêu loài cây, loài hoa. Có ba, tôi thấy căn nhà thêm đẹp hơn và tâm hồn mình như mát rượi hơn bao giờ hết.

- Ba, con thấy ba làm vườn cực quá, hay ba để con thuê người về làm, ba chỉ việc ngồi xem, hướng dẫn họ.

Tôi đưa ra đề nghị đó sau khi biết tin ba đau lưng mỗi đêm, ba phải nhờ tôi tăng nhiệt độ máy lạnh để lưng ba đỡ nhức.

- Mày cho ba làm vườn để ba đỡ nhớ quê. Ở không hoài ba chịu không nổi, tay chân cứ táy máy thế nào.

Biết ba tôi nhớ nhà, đôi tay ba xưa nay vốn quen phát cỏ, cuốc đất, trồng cây; đôi chân ba lội hết đồng này ruộng nọ… giờ bảo ba ngồi một chỗ “hưởng thụ” - theo cách nói của anh Hai tôi - chắc là ba không chịu. Tôi đồng ý để ba tiếp tục trồng trọt, chăm bón cho cây xanh, chỉ dặn ba chừng nào thấy mệt thì nghỉ, ba đừng tiếc việc, mình trồng cây là để ngắm chứ không phải để được mùa sai trái rồi hái đem bán lấy tiền như xưa.

Ba “ừ”. Tôi nhắn tin bảo anh Hai sang đưa ba đi khám cái lưng. Mấy hôm rày thành phố trở gió ba cứ nhức hoài, đêm nào tôi giật mình dậy cũng thấy ba ngồi ở ghế đá ngoài vườn uống trà, hỏi ra mới biết ba đau lưng mà giấu.

- Anh em bay đi làm suốt ngày chứ có rảnh rỗi đâu mà lo cho ba từng chút. Nhức sương sương đó mà. Hai ba ngày là khỏe re.

Tôi chợt nhận ra những chuyến công tác của mình, những cuộc họp của anh Hai tôi đã kéo chúng tôi rời xa ba, để khoảng cách giữa chúng tôi và ba ngày một rộng. Mỗi ngày tôi gặp ba được hơn hai lần, đó là buổi sáng thức dậy và khi đi làm về tôi tranh thủ ăn cùng ba bữa cơm rồi lao vào phòng giải quyết mớ giấy tờ sổ sách. Có hôm tôi thấy ba nằm đọc sách một mình trên chiếc võng mắc giữa hai thân cây xoài ngoài vườn, có hôm tôi thấy ba thủ thỉ nói chuyện với cây cối trong vườn, như nói chuyện với những người thân thương, những đứa trẻ,…

Tôi xoa bóp lưng cho ba. Bờ lưng của ba ngày xưa cõng anh em tôi qua con đê đến trường mỗi độ trời mưa trơn trượt, gánh gồng cả nhà vượt qua mùa hạn hán cằn cỗi, mùa mưa bão gió giông. Giờ đây gầy guộc ít nhiều.

Nước mắt tôi khẽ chảy…

*

Một đêm khuya khoắt, tôi chợt nghe có tiếng ba thút thít.

Tôi hốt hoảng chạy sang, mở cửa phòng hỏi ba đau ốm chỗ nào để tôi gọi anh Hai sang đưa ba đi bệnh viện. Ba ngăn. Trong nước mắt ít ỏi của người già, ba nói, giọng khản đặc:

- Cho ba về quê đi con. Ba nhớ quê. Lúc nãy ba vừa nằm mơ, ba thấy cảnh vườn cũ nhà xưa, ba thấy ba đang cuốc đất, má bây thì gieo hạt, mỏi tay thì ra gốc cây uống ngụm nước chè, quạt phành phạch bằng cái nón lá rách bươm… Ba nhớ vườn mình, nhớ má bây dữ lắm!

Tôi bật khóc. Tôi thấy mình khóc ngon lành, khóc như đứa trẻ năm nào mỗi lần bị bạn bè ăn hiếp lại chạy về sà vào lòng má, lòng ba mà khóc, để rồi hôm sau má “đích thân” ra tận trường học hỏi tội, mách cô giáo. Tôi ôm choàng lấy ba. Người ba nhỏ nhắn, gầy guộc. Tôi đầy là lúc ba vơi. Tôi trưởng thành là khi má đã lìa xa cõi trần. Mãi mãi…

- Ba ơi! Có phải những ngày qua ba đã đơn độc lắm không ba?! Con xin lỗi. Con gái xin lỗi ba nhiều lắm!

Tôi nằm trong lòng ba như những ngày tôi còn nhỏ. Mà giờ đây tôi cũng thấy mình nhỏ nhắn lại như ngày xưa. Thời gian đổi thay, tôi có trưởng thành, có cuộc sống ấm êm, có nhà đẹp, có công việc ổn định… thì tôi vẫn là đứa con gái bé bỏng của ba ngày nào. Tôi vẫn là Thư của ba, đứa con gái mà ba hay nói đùa: “đẹp hơn hoa hậu trên tivi”. Ba ơi, ba đã cô đơn suốt một thời gian dài ở thành phố này, ba đã ôm nỗi nhớ niềm thương về mảnh đất cũ, khu vườn xưa, nơi có ngôi mộ má nằm giữa đồng xanh, yên lành bình lặng… Ba muốn về lại vườn mình lắm phải không ba, để thi thoảng nhớ đàn con, ba lại bảo út Mận mở máy gọi cho tôi, cho anh Hai, kể chuyện trái thanh long ruột đỏ đầu mùa ngọt lịm…

*

- Mình về quê, ba ha!

Về quê, về với ruộng vườn, với căn nhà gỗ đơn sơ nơi chúng tôi đã từng lớn lên, về với lu nước, rào giậu,… nơi nào cũng hằn in bóng hình của má. Về quê, để mỗi ngày ba tôi đều ra lau mộ má, chăm mấy khóm hoa quanh mộ, và đêm đêm, dưới tầng trời đầy sao, ba tôi lại tâm sự với má, kể cho má nghe bao chuyện trên đời.

- Ừ, về thôi con. Thi thoảng ba sẽ lên thành phố thăm hai con. Còn bây giờ, tụi con cho ba ở lại quê nghen. Ở quê mới là nơi ba thuộc về.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mắt tôi cay cay.

Hóa ra, niềm hạnh phúc của ba không phải là được sống trong căn nhà đẹp mà ba má từng ước ao, đơn giản niềm hạnh phúc ấy là được sống với vườn tược xanh um, với cảnh quê yên bình dung dị…

Tôi ở hẳn lại quê một tháng. Mọi công việc tôi đã thu xếp ổn thỏa trước ngày đưa ba về quê. Tôi muốn sống lại những năm tháng ấu thời một lần nữa. Tôi muốn được ở bên ba lâu hơn, để hiểu ba nhiều hơn. Trong thâm tâm tôi, đất quê, vườn tược,… và ba má chính là điều quý giá hơn bất cứ thứ vật chất sang trọng nào.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa tỉnh bàn theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày