Bên trong khuôn viên chùa Giác Lâm
Đây là câu hỏi nghiên cứu mang tính cấp thiết, được đặt ra trong thời điểm chùa đang tiến hành tổ chức Đại lễ kỷ niệm 270 năm thành lập, trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực hội nhập vào dòng phát triển chung của quốc tế và khu vực. Có thể đặt ra nhiều vấn đề để tiếp tục nghiên cứu, thảo luận và đi đến việc thực hiện, tuy nhiên, trong khuôn khổ một tham luận, bài viết chỉ đề cập đến hai lĩnh vực thiết thân, đó là hoạt động nội bộ chùa và sự hỗ trợ của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đối với hoạt động nội bộ
1- Đối với Tăng sĩ
Tu sĩ trong ngôi chùa là lực lượng nòng cốt, vừa góp phần bảo trì Phật pháp, vừa đóng vai trò hỗ trợ, giúp đỡ Phật tử trên bước đường học hiểu đạo Phật.
Để có thể hộ trì Phật pháp một cách thiết thực nhất, trước hết người tu sĩ cần tiếp tục duy trì tín tâm đối với đạo pháp. Duy trì ở đây không hẳn là phải bám giữ, chấp chặt với quan niệm đạo Phật là trên hết. Chấp pháp cũng là một trong những quan niệm của chấp ngã. Đức Phật đã từng dạy rằng phải phá chấp và ngay cả pháp chấp cũng phải phá bỏ.Tư tưởng bám víu vào đạo, vào pháp đã làm cho người tu tập bị vướng mắc, khó có thể giải thoát trong tư tưởng và hành động.Pháp chấp còn làm cho người theo đạo này có sự so sánh với đạo khác, hình thành tâm thức thiếu bình đẳng.
Tín tâm với đạo chính là biết xác định mục tiêu cuối cùng và quyết tâm đi đến đích.Thiếu tín tâm, người tu sẽ khó đi trọn con đường đã chọn. Khi đã có tín tâm, người tu biết mình phải làm gì và cần làm gì, trước hết là cho bản thân, cho đồng đạo của mình, cho ngôi già-lam mình đang cư trú, cho Phật tử của chùa và sau đó là cho đạo pháp và dân tộc.
Để có thể đóng góp tốt cho đạo pháp, cho dân tộc, việc tinh cần chuyên chú vào việc học đạo và hành đạo là quan trọng nhất. Ngôi chùa Giác Lâm, với tư cách là di tích đã được công nhận cấp Quốc gia, người Tăng sĩ trong chùa càng cần thiết ý thức được trọng trách của mình hơn nữa, trong việc tìm hiểu giá trị của bản thân ngôi già-lam, để bảo tồn, phát huy, giới thiệu và xiển dương các giá trị ấy, đặc biệt là đối với những quốc gia theo Phật giáo trong khu vực, cận kề và gần gũi với vùng đất Nam bộ.
Có ý thức về vấn đề này, Tăng sĩ ở trong bất cứ việc làm nào, đều luôn tập trung vào cách phải làm thế nào để duy trì được mạng mạch Phật pháp mà chư Tổ đã dày công xiển dương, trao truyền, đồng thời cũng biết rõ mỗi một sự lơi lỏng của cá nhân mình cũng đồng thời làm suy yếu các giá trị đã có, về lịch sử, về văn hóa của ngôi Tổ đình, làm sai lệch Chánh pháp.
Trong giai đoạn cả nước hội nhập khu vực và thế giới, Phật giáo cũng cần thiết phải chuyển mình. Sự phát triển và bùng nổ của khoa học công nghệ thông tin cũng cần thiết được người tu sĩ nắm bắt, thuận theo đà phát triển, nhìn nhận và sử dụng nó như là những phương tiện, để việc hoằng dương Chánh pháp được thuận lợi hơn.
Học đạo luôn đi đôi với hành đạo. Trong mọi tình huống, dù bất cứ thời điểm nào, khi đã ý thức được điều này, hành giả Giác Lâm đều mong muốn đem hết kiến thức, trí tuệ của mình đóng góp vào việc xiển dương Phật pháp, tạo cho ngôi già-lam ngày một phát triển. Cần nhận thức rằng, phát triển không chỉ ở một khía cạnh, một lĩnh vực nào.Không phải cứ tiếp tục trùng tu ngôi Tam bảo, đặt để thêm nhiều tượng Phật vào, ngay cả trong sân chùa, là đã góp phần phát triển.
Đó chỉ là một lĩnh vực, chưa phải là trọng yếu. Điều quan trọng và lớn lao hơn chính là việc củng cố, trau dồi, rèn luyện thân và tâm của từng hành giả Giác Lâm, sao cho mỗi một suy nghĩ, lời nói, mỗi một việc làm của từng người đều là việc thực hành Bát Chánh đạo, để sao cho mỗi người, mỗi Tăng sĩ đều thắm đượm ý thức về Chánh tư duy, Chánh kiến, Chánh ngữ và Chánh định…Từ đó, trong sinh hoạt cá nhân cũng như trong hoạt động của chùa, đều thể hiện một sức bật mạnh mẽ, một nội lực hùng hậu, được thể hiện qua lời nói, qua những pháp nhủ trao truyền cho Phật tử, thông qua cách thức hành đạo, thông qua cách tổ chức mọi công việc Phật sự. Đó chính là sự phát triển, là sự tinh tấn trong hành đạo. Hoạt động này sẽ giúp chuyển hóa dần không khí thiền môn, mỗi một suy nghĩ, một lời nói, một hành động đều từ Chánh pháp và vì Chánh pháp.
Nâng cao nhận thức tu học, không chỉ mang lại lợi lạc cho cá nhân từng Tăng sĩ, không chỉ góp phần xiển dương các hoạt động tại ngôi chùa mình đang cư trú, mà rộng hơn, còn là góp phần vào việc nâng cao vị thế của Giáo hội, của Tăng đoàn, của người đệ tử Phật. Như vậy, trong mọi hoạt động của từng cá nhân, cũng đều có ảnh hưởng đến vị thế, vai trò của tổ chức, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Là người đệ tử Phật, với đại nguyện cống hiến cuộc đời cho Tam bảo, cho Phật, Pháp và Tăng, thì không một tu sĩ nào quên được điều này. Chính đại nguyện cao cả đó đã, đang và sẽ là động lực giúp hành giả đi trọn con đường mình đã chọn.
2- Đối với Phật tử
Là người Phật tử, đã thọ tam quy, ngũ giới, người Phật tử có vai trò và đóng góp quan trọng vào việc hộ trì Phật pháp. Cần thiết hiểu rõ nhận xét của Đức Phật về vai trò của tứ chúng, gồm Tăng, Ni, Phật tử nam (Ưu-bà-tắc) và Phật tử nữ (Ưu-bà-di). Để có thể tạo nên sức mạnh của một tổ chức Phật giáo, không thể chỉ có Tăng-già (Sangha), mà còn cần có cả Phật tử. Từ môi trường tiếp cận sâu sát với cuộc đời, người Phật tử sẽ là cánh tay đắc lực cho người tu sĩ trong mọi hoạt động Phật sự, nhất là giúp cho người tu, từ cách tiếp cận sâu sát này mà có thể hiểu rõ hơn nhận thức và hành động của Phật tử, để từ đó có thêm nhiều phương cách linh hoạt hơn trong việc phổ hóa, hoằng dương Chánh pháp.
Phật tử trong chùa Giác Lâm, ngôi chùa có bề dày về thời gian tồn tại, có giá trị về lịch sử và văn hóa, cần thiết ý thức rõ điều này, để trong mọi hoạt động Phật sự của mình, làm thế nào góp phần xiển dương các giá trị ấy trong điều kiện có thể của từng cá nhân.
Với thế mạnh của mình trong từng lĩnh vực, người Phật tử đóng góp tài vật, công đức vào ngôi Tam bảo, nhưng quan trọng nhất vẫn là cùng với sự hỗ trợ của các tu sĩ, Phật tử thấu hiểu được Chánh pháp và hành theo Chánh pháp. Có vậy, dần dần tổ chức Gia đình Phật tử chùa Giác Lâm ngày một vững mạnh, có khả năng phát triển và góp phần quan trọng vào việc phổ hóa và phổ tế.
Sự hỗ trợ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
1- Những hoạt động đã được thực hiện
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN)là tổ chức duy nhất đại diện cho Tăng Ni Phật tử trong và ngoài nước. Từ ngày thành lập đến nay đã trải qua 33 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày một lớn mạnh với một đội ngũ Tăng Ni có năng lực, có tài đức. Sở dĩ đạt được vị thế ấy chính là từ đóng góp của Tăng Ni, Phật tử cả nước.Chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến năm 2009, đã có 8 di tích được công nhận cấp Quốc gia4.Đó là những di tích có giá trị về nhiều mặt, cần thiết được bảo tồn. Trong chiều hướng đó, tổ đình Giác Lâm rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ phía GHPGVN, đặc biệt là của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM.
Về mặt đạo pháp, nhiều năm qua, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và Thành hội, lớp Sơ cấp Phật học tại chùa đã được khai mở. Đây là một cơ sở vững chắc, tạo nền tảng Phật học cho Tăng Ni và Phật tử trong bước đầu tu học. Ngoài ra, những buổi thọ Bát quan trai được thường xuyên tổ chức tại chùa vào mỗi Chủ nhật, đã có sự hợp tác chặt chẽ từ Thành hội Phật giáo TP.HCM. Các buổi giảng thuyết về giáo lý trong lớp tu học này đều nhận được sự hợp tác của nhiều Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức5. Điều này đã cho thấy, một mặt có sự hợp tác về đạo sự của Thành hội, mặt khác còn là sự hỗ trợ đắc lực, giúp Tăng Ni, Phật tử tổ đình Giác Lâm phát triển và hòa nhập vào hướng phát triển chung của Giáo hội. Ngoài ra, từ khi giảng đường Hải Tịnh được xây dựng, đây chính là điểm tu học của Tăng Ni Phật tử, điểm an cư kiết hạ tốt của Phật giáo quận Tân Bình.
Một lĩnh vực khác nổi bật trong hoạt động Phật sự của chùa Giác Lâm, đó là hoạt động Từ thiện-xã hội (TT-XH). Không phải đợi đến khi có sự hình thành GHPGVN vào năm 1981 chùa Giác Lâm mới bắt đầu có những hoạt động này. Từ ngày được thành lập đến nay, mọi hoạt động Phật sự trong và ngoài phạm vi tổ đình, đều có dấu ấn của hoạt động TT-XH.
2- Những hoạt động cần được hỗ trợ thời gian tới
Kỷ niệm 270 năm thành lập tổ đình Giác Lâm, trải qua gần 3 thế kỷ, Tăng sĩ, Phật tử càng cần thiết nhìn lại toàn bộ hoạt động Phật sự đã làm và hướng phát triển thời gian tới. Trước đây, khi cống hiến phần đất trước chùa vào năm 1964 để xây tháp tôn trí xá-lợi Phật do HT.Narada ban tặng, Hòa thượng Thiện Thuận6 đã có nguyện ước rằng ngôi tháp này cũng là nơi sẽ quy tụ linh vị của các vị Tổ thuộc nhiều dòng phái Phật giáo ở Nam Bộ. Chính vì vậy, ngôi tháp còn có tên gọi Tháp Ngũ Gia tông phái. Nguyện ước của Hòa thượng Thiện Thuận đến nay vẫn chưa được hoàn toàn viên mãn.
Với vai trò là một Phật học viện ở thế kỷ XVIII (từ sau năm1774), chùa Giác Lâm ngày nay cần thiết có một thư viện để lưu giữ kinh sách Phật giáo, đặc biệt là những bộ kinh đã được in ấn và tạng bản tại chùa, từ gần 3 thế kỷ qua. Điều này không khó khăn để thực hiện.Thành hội Phật giáo TP.HCM sẽ hỗ trợ thêm nhiều đầu sách đã được phát hành trong 30 năm qua. Như vậy, với sự hình thành thư viện, chùa sẽ góp phần vào việc cung cấp kinh sách, truyền bá rộng rãi hơn nữa giáo lý Phật giáo đến Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài quận Tân Bình.
Một hoạt động nữa cũng rất cần sự hỗ trợ của Thành hội Phật giáo thời gian tới, đó chính là hoạt động TT-XH. TT-XH là một hoạt động nổi bật của Phật giáo Việt Nam. Điểm qua từng năm, sẽ thấy con số đóng góp cho hoạt động này trong cả nước lúc nào cũng “năm sau cao hơn năm trước”. Đặc biệt, số tiền mặt và vật phẩm đóng góp tại thành phố Hồ Chí Minh cao hơn nhiều so với các nơi khác.Tổ đình Giác Lâm, xét về nhiều lĩnh vực, trong quá khứ cũng như hiện nay, có thể đảm đương nhiệm vụ trọng yếu này.
Tuy nhiên, cần nhận thức rằng hoạt động từ TT-XH không chỉ gói gọn trong việc đi ủy lạo cho người nghèo, giúp trẻ mồ côi, khuyết tật…mà cần thiết được mở rộng nội dung và phạm vi, cả ngoài quận Tân Bình, toàn thành phố, cả nước và trên thế giới. Với chức năng không chỉ đón nhận và phân phối vật phẩm, Ban Từ thiện của chùa còn cần thiết được tập huấn trong những lớp đào tạo về an sinh xã hội, từ đó sẽ có điều kiện nhân rộng dần hoạt động này ra khắp Nam Bộ, để có thể có cách nhìn và cách làm mới mẻ, có tính đa dạng, phong phú hơn trước đây.
Đồng thời, việc đặt quan hệ với cả những tổ chức NGO thuộc nhiều nước trong khu vực, trên thế giới để hợp tác, chia sẻ gánh nặng thuộc cả lĩnh vực xây dựng cơ sở từ thiện như Viện Cô nhi, Viện Dưỡng lão, Ký nhi viện…cũng cần được tính đến. Mọi kế hoạch đề ra, điều khó khăn nhất chính là vấn đề nhân sự. Tăng Ni, Phật tử chùa Giác Lâm, để có thể thực hiện được nhiệm vụ trọng đại và đầy tình thương này, cần được trang bị về cách nhận thức vấn đề và một tấm lòng tràn đầy tình yêu thương, nhà Phật gọi đó là bi tâm. Với sự chỉ đạo, quản lý và hỗ trợ của Thành hội Phật giáo, hoạt động này thời gian tới chắc rằng sẽ có đủ cơ duyên để thực hiện.
Kết luận
Gần 3 thế kỷ tồn tại, trải qua 10 đời Tổ truyền thừa, tiếp nối, Tăng sĩ, Phật tử chùa Giác Lâm luôn tự hào về những giá trị của ngôi Tổ đình này. Để có thể bảo tồn và phát huy các giá trị đã có, thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của Thành hội Phật giáo TP.HCM, Tăng sĩ Phật tử chùa Giác Lâm sẽ tiếp tục có những bước đột phá mới trên con đường phụng sự nhân sinh và đấy cũng là cách thiết thực nhất để cúng dường chư Phật, chư Tổ vậy.
Trần Hồng Liên
____________________________
(1) Chùa tọa lạc tại số 565 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM.
(2) Dòng phái do Đạo Mẫn Mộc Trần xuất bài kệ 28 chữ: Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên, Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên, Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ, Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền.
(3) Xem thêm Trần Hồng Liên, 1999, Chùa Giác Lâm, Di tích lịch sử-văn hóa. NXB.KHXH, Hà Nội.
(4) Chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, chùa Phụng Sơn, chùa Hội Sơn, chùa Phước Tường, chùa Phước Hải, Nghĩa An hội quán, Tuệ Thành hội quán.
(5) Rất nhiều buổi học giáo lý đã do HT.Thích Trí Quảng trực tiếp đến thuyết giảng.
(6)Hòa thượng Thiện Thuận, trụ trì chùa tổ đình Giác Lâm từ năm 1949 đến năm 1974.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Hồng Liên, Chùa Giác Lâm, Di tích lịch sử-văn hoá, NXB.KHXH, Hà Nội,1999.
- Trần Hồng Liên, Tìm hiểu chức năng xã hội của Phật giáo Việt Nam, NXB.Tổng Hợp TP.HCM, 2010.
- Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, tái bản lần thứ tư, NXB.Thế Giới, 2010.