Tịnh độ hóa nhân gian
Năm 1999, lần đầu tiên chùa tổ chức khóa tu Phật thất, gồm 68 hành giả tham dự, một con số khá khiêm tốn. Nhưng ngay sau đó, tiếng lành đồn xa, hành giả tham dự các khóa mỗi ngày một đông, và chùa Hoằng Pháp mặc nhiên trở thành chốn về của rất nhiều người theo pháp tu niệm Phật. Các khóa tu đã tạo được tiếng vang rất lớn, đáp ứng nhu cầu tu tập, hành pháp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống của người Phật tử tại gia trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay.
Thượng tọa Thích Chân Tính, Trụ trì chùa Hoằng Pháp, người khởi xướng và đứng ra tổ chức các khóa tu, cho biết: “Đức Phật dạy, trong thời kỳ mạt pháp, đa phần chúng sanh phước mỏng nghiệp dày, vì vậy rất khó tu tập theo các pháp môn cao siêu khác. Trong khi đó, pháp môn niệm Phật tương đối phù hợp với nhiều căn cơ trình độ, cao cũng tu được, thấp cũng tu được. Chỉ cần đi, đứng, nằm, ngồi đều nhớ nghĩ đến sáu chữ Hồng danh là có thể hành trì”.
Hiện nay, chùa Hoằng Pháp tổ chức nhiều khóa tu niệm Phật dành cho nhiều đối tượng. Trung bình, mỗi năm có 6 khóa Phật thất (7 ngày) và 12 khóa tu một ngày, 1 khóa tu mùa hè. Ngoài ra, còn có các khóa tu khác như: khóa tu dành cho bệnh nhân ung bướu và người khiếm thị; khóa tu dành cho trẻ em có hoàn cảnh khóa khăn; khóa tu đặc biệt… Song, điển hình và nổi bật nhất vẫn là khóa tu Phật thất diễn ra liên tục 7 ngày đêm. Đây là cơ hội để người tham dự thực tập cắt bớt duyên trần, chuyên tâm trì niệm danh hiệu A Di Đà Phật, tịnh hóa ba nghiệp. Khóa tu có nội quy khá nghiêm ngặt, thời khóa hợp lý, giúp hành giả dễ đạt được an lạc và nhất tâm. Trung bình, mỗi khóa có từ 2.500 đến 3.500 người từ khắp các tỉnh thành trong cả nước cũng như kiều bào Phật tử về tham dự. Song song đó, vào Chủ nhật mỗi đầu tháng, chùa còn tổ chức khóa tu một ngày dành cho những người bận rộn, gồm những người như giáo viên, kiến trúc sư, sinh viên, học sinh, công nhân v.v… Tại một vài thời điểm, số lượng người tham dự khóa tu lên đến con số 8.000.
Có thể xem, pháp tu Tịnh độ của chùa Hoằng Pháp là một hình thái Phật giáo nhập thế mới, trong đó có sự phối hợp hài hòa giữa phương pháp niệm Phật truyền thống với lối niệm “nhạc liệu pháp” - niệm Phật theo nhạc điệu - rất dễ đi vào lòng người. Ở Việt Nam, đây là một nét mới, thể hiện sự đa dạng trong cách niệm Phật, vừa tạo sự cuốn hút, vừa mang tính khế lý, khế cơ trong quá trình định hình và phát triển các cách thức tu tập phù hợp với xu thế chung của xã hội. Bởi lẽ, người Phật tử ngày nay đến chùa rất cần một hình thức và sinh khí mới trong việc thực tập nhằm tô bồi năng lượng giải thoát ngay trong hiện tại. Tất cả những phương tiện đó cũng vì mục tiêu chung là Tịnh độ hóa nhân gian, dù đích cuối vẫn hướng về cảnh giới Tây phương Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. “Mục đích của pháp môn Tịnh độ vẫn là cầu vãng sanh, không thể sai khác được”, Thượng tọa giải thích. “Nhưng muốn được như thế, trước hết hành giả phải thiết lập Tịnh độ ngay trong thế gian này. Một khi đã đạt được an lạc cho bản thân, làm chủ được mình trong quá trình tu tập, hành giả mới có thể tiến bước về thế giới Cực lạc”.
Bạn trẻ cũng chăm tu
Đặc biệt, các khóa tu Tịnh độ tại chùa Hoằng Pháp còn thu hút khá đông các bạn trẻ tham dự. Ban Tổ chức đã dành hẳn một “Khóa tu mùa Hè” dành cho đối tượng này. Đúng như tên gọi của nó, mỗi năm chùa tổ chức khóa tu này một lần vào dịp hè, lúc học sinh, sinh viên nghỉ học và thường tìm các thú vui chơi, giải trí nhằm cân bằng lại cuộc sống, giải tỏa bao stress từ học đường với bao chương trình nặng nhọc; thay vào đó, các bạn có thể đến chùa tu học…
Được tổ chức lần đầu vào năm 2005 với quy mô lớn, khóa tu mùa hè trở thành một không gian tu tập khá thành công dành cho giới trẻ. Bạn trẻ, với sự nhiệt tình, năng động, nên họ đến với khóa tu không như tâm thế của những người lớn tuổi. Vì vậy, Ban Tổ chức đã phải thiết kế riêng một chương trình tu học vừa miên mật vừa không kém phần sinh động. Các hành giả trẻ được bố trí nội trú trong chùa, nam nữ riêng biệt và phải tuân thủ các thời khóa tu tập chung. Thời gian biểu của khóa tu bắt đầu từ 4g30 và kết thúc vào lúc 21g00. Tất cả các bạn đều phải tham gia đầy đủ các nội dung sinh hoạt, bao gồm: khóa lễ buổi sáng, điểm tâm, pháp thoại, vấn đáp, sinh hoạt vui chơi, thọ trai trong chánh niệm, thiền tọa, niệm Phật, tụng kinh tối, tịnh tọa và chỉ tịnh…
Ngoài các thời hành trì chính, Ban Tổ chức còn đặc biệt dành thời gian để trò chuyện cùng các bạn, nhất là các vấn đề về vấn nạn gia đình, định hướng tương lai và sự hội nhập của người trẻ vào nhịp sống hiện đại dựa trên nền tảng giáo lý nhà Phật. Những nội dung này có tác dụng tích cực, làm cho bạn trẻ vừa kết nối được truyền thống đạo đức gia đình, vừa nhận diện, chuyển hóa được những tiêu cực trong cuộc sống và định hình cho những bước đi vững chắc trong tương lai. Kết thúc một ngày tu tập và sinh hoạt vui chơi là 15 phút tịnh tọa như là một biện pháp tốt nhất để các bạn thư giãn và đi vào giấc ngủ tốt hơn.
Thực chất, khóa tu tuy không quá đặt nặng về mặt hành trì, song cũng đảm bảo được phương diện thực tập tâm linh cho các bạn trẻ. Ban Tổ chức luôn xen kẽ nhiều hoạt động để các bạn vừa được học, vừa được tu, vừa được vui chơi. Ba mục tiêu này luôn đồng hành với nhau. Chính sự hợp lý đó mà khóa tu mùa hè thu hút được nhiều bạn trẻ. Năm 2005, khóa đầu tiên chỉ có hơn 300 hành giả; năm 2008, khóa tu lần thứ IV đã có hơn 3.100 bạn trẻ tham dự.
“Khóa tu đã giúp cho các bạn trẻ có được sự an lạc khi phải đối diện với đời sống quá nhiều phức tạp, bất an”, Thượng tọa cho biết. “Vào chùa tu tập một tuần là quãng thời gian tuy không quá dài song cũng không quá ngắn đối với các bạn trẻ. Thời khóa tu tập luôn xen kẽ với những trò vui chơi bổ ích, tránh được sự nhàm chán. Quý phụ huynh cho con em vào chùa cũng cảm thấy an tâm hơn với sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức về nơi ăn, chốn ở và các chương trình sinh hoạt. Hơn nữa, khi tham dự, các bạn trẻ không phải đóng một khoảng phí nào, lại còn được tặng quà trước khi ra về, tuy chỉ là một quyển sách giáo lý hay một đĩa CD, song gởi gắm biết bao nhiêu điều hay, lẽ thật và cả tấm lòng của những người tổ chức. Có lẽ đó chính là lý do khiến cho các bạn trẻ tham gia khóa tu ngày một đông hơn”.
***
Mỗi pháp môn đều có các phương thức hành trì riêng biệt. Pháp tu Tịnh độ cũng thế. Đối với người Việt Nam, pháp môn này đã trở nên quen thuộc và dễ hành trì. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải luôn làm mới để con đường tu tập luôn mang lại hạnh phúc cho chính bản thân và những người xung quanh.
Chùa Hoằng Pháp đã làm được việc đó bằng tất cả tấm lòng, sự đầu tư và dụng công của mỗi thành viên. Không những thế, đứng trước yêu cầu ngày càng cao của người học Phật, chùa hiện có có chủ trương nâng chất các khóa tu niệm Phật, mà trọng tâm là khóa tu Phật thất. Hy vọng rằng cách làm này không những tạo nên những khóa tu vừa tăng về số lượng vừa đảm bảo chất lượng, xứng đáng với vị thế là “Trung tâm Tổ chức các Khóa tu niệm Phật tại Việt Nam”.