Chùa Phụng Sơn: Bộ đã đồng ý, đang chờ ý kiến của TP

GNO - Vừa qua, sau loạt phóng sự trên Báo Giác Ngộ về thực trạng các di tích chùa cổ xuống cấp đã nhận được không ít phản hồi trong công tác bảo tồn - tu bổ di tích của nhà nước. Trong đó, hai di tích nổi bật tại địa bàn TP.HCM là cổ tự Giác Viên cổ tự Phụng Sơn (Q.11), là hai trong số nhiều di tích cấp quốc gia, gần như được nhận những phê duyệt đề án tu bổ, mang chiều hướng tích cực từ phía nhà nước.

BTN_0062.JPG
Mặt tiền chùa Phụng Sơn - một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - Ảnh: Bảo Toàn

Đón chờ diện mạo mới trên nền đất cũ

Theo thông tin chính thức từ Trung tâm Bảo tồn di tích, thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, chùa Giác Viên sau khi được phê duyệt đề án tu bổ cấp thiết với 100% vốn từ ngân sách nhà nước, thì đến đầu tháng 8 năm nay, dự án sẽ bắt đầu được khởi công.

Công trình sẽ bao gồm 16 hạng mục, trong đó có 6 hạng mục được tu bổ là: chánh điện, đông lang, tây lang, nhà nối, tháp xá-lợi, sân (sân trong, trước, sau và lan can); 4 hạng mục tôn tạo, gồm: nhà trù, nhà mát (nhà cốt), hàng rào, nhà vệ sinh và 6 hạ tầng kỹ thuật: san lấp mặt bằng, kè chống xói lở, sân, đường nội bộ, điện mạng ngoài, hệ thống cấp thoát nước và hệ thống phòng cháy.

Với chủ đầu tư là Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Lịch sử - Văn hóa TP.HCM; Tổ chức tư vấn lập dự án: công ty TNHH thiết kế kiến trúc PA và chủ trì kiến trúc là KTS.Phạm Bích Liên, trên một đề án bảo tồn - tu bổ toàn diện như vậy, cổ tự Giác Viên hứa hẹn sẽ mang một diện mạo hoàn toàn mới, nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên bản và giá trị của di tích.

Cần quyết liệt và nhanh chóng

Bên cạnh di tích đang hân hoan đón chờ một cục diện mới, thì cách đó không xa, cổ tự Phụng Sơn, cũng là một trong những di tích nổi bật trên địa bàn TP.HCM, lại phải đang “nau náu chờ tin” tu bổ từ chính quyền.

Tại buổi làm việc với PV báo Giác Ngộ hôm 14-7 vừa qua, HT.Thích Trí Định, trụ trì chùa Phụng Sơn, chia sẻ: “Chùa hiện đang rất bối rối, không hiểu vì sao các ban ngành, đơn vị từ chính quyền địa phương, đến bộ ngành các cấp đã phê duyệt cho dự án tu bổ của Phụng Sơn tự từ tháng trước. Hiện nay, hồ sơ chỉ còn trình UBND TP.HCM xem xét, cấp phép. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được sự cho phép ấy”.

Sự lo lắng ấy là hoàn toàn có cơ sở, khi để trùng tu các hạng mục là hậu chánh điện và trai đường, với các phần mái và cột kèo bị hư hỏng nặng, phía nhà chùa đã phải vận động nguồn vốn xã hội hóa từ tấm lòng của bà con, Phật tử. Bên cạnh đó, theo chia sẻ của HT.Trí Định, hiện nay, để có thể lợp được mái chùa vừa nghệ thuật mà bền chắc, lại đảm bảo được tính nguyên bản, nhà chùa đã phải mời đến những người thợ từ miền Trung, có kinh nghiệm trong việc lợp kiểu mái như kiểu mái cổ của chùa Phụng Sơn.

Theo đó, đội ngũ này hoàn toàn được nhà chùa lo lắng các chi phí cơ bản để thực hiện tốt công việc trong thời gian nhanh nhất. Nhắm mắt cũng có thể thấy, chi phí sửa chữa cho đến vật liệu thôi đã là con số không nhỏ, huống hồ là chi phí cho con người. Trước một gánh nặng như vậy, việc nhà chùa phải giữ chân thợ và chờ giấy phép sẽ phát sinh một khoản chi phí rất lớn.

Đó là chưa kể, TP.HCM gần đây đang bước vào mùa mưa, tuy mật độ mưa chưa đáng kể, nhưng cũng đủ gây nhiều khó khăn cho nhà chùa. Thầy trụ trì cho biết: “Nếu có được giấy phép thì với đội ngũ hiện nay, tôi nghĩ đã hoàn thành việc tu bổ chánh điện và cả trai đường. Đợi đến bây giờ đã là quá lâu, nhất là trong mùa mưa đang đến đây. Chúng tôi đang băn khoăn trong việc bảo quản vật liệu gỗ quý như thế nào, rồi còn đời sống của Tăng Ni, Phật tử ở đây. Mái ngói tróc lở như vậy, đâu dám để ai ra vào thường xuyên. Thật sự chỉ mong chính quyền xem xét, để việc trùng tu chùa được nhanh chóng hoàn thiện”.

anh giaohao.jpg


Công văn cho phép tu bổ chùa Phụng Sơn của Bộ VH-TT& DL - Ảnh: Giao Hảo chụp lại

Trước đây, theo một phản hồi từ Sở Văn hóa - Thể thao TP trước việc xử lý các đơn từ cho công tác bảo tồn - tu bổ, nếu có thể huy động nguồn vốn xã hội hóa, tự lực, sẽ ít phức tạp và rút ngắn thời gian cấp phép hơn. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra hiện nay tại cổ tự Phụng Sơn, khi các ban ngành đã phê duyệt để án tu bổ, nguồn vốn xác định là xã hội hóa, thì vấn đề cấp phép vẫn phải “nằm chờ” UBND TP.HCM.

Điều này, một lần nữa dấy lên sự hồ nghi và băn khoăn không chỉ về phía nhà chùa, mà còn đối với những mạnh thường quân đã góp sức cho công tác tu bổ cổ tự. Liệu rằng, công tác bảo tồn - tu bổ của nhà nước có đi theo đúng trình tự như văn bản pháp luật đã quy định? Hay còn có khúc mắc gì trong hồ sơ xét duyệt tu bổ của các cấp? Đó là xét về lý, về tình mà nói, chúng ta cần đặt vấn đề nhân sinh lên làm đầu. Chưa nói đến việc là một di tích, là một nơi nương trú, nếu bị dột lở, hư hỏng nhẹ chúng ta đã cần phải tiến hành sửa chữa, huống là nơi thờ tự, linh thiêng.

Tất nhiên, quyết liệt và nhanh chóng ở đây không có nghĩa là dễ dãi. Và không thể nói là sơ sài trong các bước phê duyệt, khi mà hầu như từ Sở, Cục đến Bộ đều đã thẩm định qua hồ sơ và trình UBND TP.HCM. Thật sự cần nhiều hơn nữa cái tình trong cái lý và sự minh bạch từ những người cầm cân nảy mực, trước những vấn đề về di tích và con người.

>> Xem thêm: Thấy gì qua các ngôi cổ tự là "Di tích quốc gia"? || Phát huy giá trị di tích chùa cổ bằng du lịch ||

Giao Hảo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày