Chùa Tam Bảo

GN - Tam Bảo là một ngôi chùa cổ nổi tiếng Kiên Giang, hình thành từ những năm cuối thế kỷ XVIII. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa này luôn gắn bó với mảnh đất Rạch Giá, với các phong trào yêu nước, xiển dương đạo pháp...

Hòa mình vào tiếng gọi non sông

Từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, tại vùng đất xa xôi, hẻo lánh Rạch Giá, chùa Tam Bảo là cơ sở bí mật để vận động phong trào yêu nước, nơi mà HT.Thích Trí Thiền - vị sư trụ trì làm cơ sở liên lạc, gặp gỡ của các chiến sĩ cách mạng.

wwwT9 (2).JPG

Chùa Tam Bảo - Ảnh: Thiện Chí

Cuối năm 1940 và đầu năm 1941, chùa Tam Bảo được dùng làm trạm giao liên và là nơi cất giấu vũ khí của liên Tỉnh ủy miền Tây và tỉnh Rạch Giá. Tháng 6 năm 1941, cơ sở này bị lộ. Đêm 16 tháng 6 năm 1941, lính mật thám ập vào chùa. HT.Thích Trí Thiền bị bắt và bị đày biệt xứ ra Côn Đảo 5 năm, trong lần đấu tranh tuyệt thực, Hòa thượng đã hy sinh tại Côn Đảo vào năm 1943.

Sau thời gian này, chùa bị đóng cửa cho đến sau Cách mạng Tháng Tám, chùa bắt đầu một giai đoạn lịch sử mới của mình.

Xiển dương đạo pháp

Đến năm 1955 sinh hoạt của chùa Tam Bảo trở lại bình thường. Chùa là trụ sở của Hội Phật học Nam Việt.  Giai đoạn 1959 - 1963, do ảnh hưởng chính sách kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm, nhiều phong trào đấu tranh chống lại chế độ độc tài Mỹ-Diệm của Phật giáo diễn ra mọi nơi, sôi nổi nhất là ở Sài Gòn. Hòa với phong trào chung, nhiều Tăng Ni, Phật tử chùa Tam Bảo cũng góp phần vào các cuộc đấu tranh đó, nhưng với nhiều hình thức ứng phó linh hoạt. Chùa Tam Bảo là nơi che chở cho cán bộ, các Phật tử góp phần trong việc chuyển giao các truyền đơn và tin tức hàng tuần đến tay quần chúng dù bị chính quyền thời đó kiểm soát nghiêm ngặt.

Khi phong trào đấu tranh của toàn dân cũng như của Tăng Ni, Phật tử càng lên cao, HT.Thích Bổn Châu - trụ trì chùa lúc bấy giờ liên tiếp vận động Phật tử hòa niềm tin của mình vào con đường của chính quyền cách mạng. Hòa thượng còn đi đầu trong cuộc thống nhất Phật giáo và sau đó, chùa Tam Bảo đã trở thành văn phòng của Ban Trị sự THPG Kiên Giang đến ngày nay.

wwwT9 (3).jpg

Bộ trưởng Bộ VHTT Nguyễn Khoa Điềm đến thăm chùa Tam Bảo năm 2000 - Ảnh tư liệu

Sau khi đất nước giải phóng, chùa Tam Bảo vẫn luôn đi đầu trong các Phật sự tại địa phương, HT.Thích Bổn Châu đi đầu trong cuộc vận động xây dựng lò hỏa táng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, xót xa trước cảnh đói nghèo bệnh tật của người dân, HT.Thích Bổn Châu đã phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, chủ trương xây Tuệ Tĩnh đường tại chùa để xem mạch, hốt thuốc miễn phí cho dân nghèo. Đến nay, sau ba mươi năm trưởng thành, Tuệ Tĩnh đường chùa Tam Bảo vẫn vững chắc trong hoạt động phục vụ sức khỏe cho dân lao động nghèo. Song song đó, chùa vẫn tích cực trong công tác từ thiện xã hội như: cứu trợ đồng bào lũ lụt, chăm sóc và vấn an những gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

Vào năm 1997, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng hai vị sư liệt sĩ: HT.Thích Trí Thiền và HT.Thích Thiện Ân, chùa Tam Bảo đã được Bộ Văn hóa công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa cách mạng”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày