Chuông cổ giá 200 tỉ đồng?

GNO - Báo Pháp luật TP.HCM vừa có bài cho biết có một “cơn sốt mua chuông cổ” ở thôn Phú Điền, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).

Đó là chiếc chuông nặng khoảng 100kg, đường kính nơi lớn nhất rộng khoảng 60 cm, cao 1,05m ở chùa Phú Sơn thuộc địa phương trên.

chua Phu son.jpg

Chùa Phú Sơn, nơi có quả chuông cổ - Ảnh: Báo Pháp Luật

Bài báo nêu phát biểu của thầy Thích Quảng Độ, trụ trì chùa Phú Sơn, xác nhận quả chuông cổ là bảo vật của làng Phú Sơn - được người dân kính trọng gọi là “ông đại” đã có từ lâu và theo truyền thuyết được đúc từ năm 1887.

Năm 1951, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến để chống Pháp, người dân trong làng đã đốt chùa và khiêng quả chuông đánh chìm dưới một hồ nước để cất giấu. Trải qua nhiều biến cố, sau khi chùa Phú Sơn được xây lại, quả chuông mới được đưa về chùa đến nay.

Được biết, quả chuông được “nghi” là đồng đen nên từ cuối năm 2011 đến nay, có rất nhiều người ăn mặc sang trọng đi xe hơi đến chùa ngã giá đòi mua quả chuông này, lúc thì 150 tỉ đồng, lúc 200 tỉ đồng.

chua Phu son 2.jpg

Thầy trụ trì chỉ nơi cất giấu quả chuông - Ảnh: Báo Pháp Luật

Tuy nhiên, quả chuông là “báu vật” được dân làng, Phật tử tôn kính, gìn giữ nên dù giá bao nhiêu cũng không bán. Do vậy, nhà chùa phải… xây “lô cốt” và huy động Phật tử bảo vệ quả chuông.

Song song đó, nhà chùa đã báo với cơ quan chức năng và được Cục CSĐT tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (C46) - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Bình Thuận và Công an huyện Tuy Phong lập biên bản vào ngày 13-10. Nội dung biên bản đề nghị thầy Quảng Độ không mua bán, không chuyển nhượng và chờ kết luận của các nhà chuyên môn.

Nhưng, nỗi lo lắng về số phận quả chuông vì tin đồn cùng cơn sốt mua chuông cổ là trăn trở chung của thầy trò chùa Phú Sơn…

Tổ CTBĐ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày