Chuyện cúng xuất sanh từ kinh điển đến hiện thực

Ảnh minh họa: Bảo Toàn/BGN
Ảnh minh họa: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong sinh hoạt Thiền môn, mỗi ngày người xuất gia đều dùng cơm trưa ở nhà ăn gọi là trai đường, bằng một nghi thức gọi là cúng quá đường. Nghi thức Cúng quá đường được thực hiện theo truyền thống của từng hệ phái, nên có đôi chút khác biệt.

Riêng truyền thống Bắc truyền, trong nghi thức Cúng quá đường có phần xuất sanh, mà ta quen gọi là cúng đại bàng, một việc làm quen thuộc đã đi vào lòng của bao thế hệ xuất gia, trở thành một kỷ niệm đẹp khó phai mờ của một thời hành điệu!

Bài kệ cúng đại bàng như sau:

Đại bàng kim sí điểu

Khoáng dã quỷ thần chúng

La-sát quỷ tử mẫu

Cam lồ tất sung mãn.

Án mục đế tóa ha.1

(Chim đại bàng cánh vàng

Chúng quỷ thần hoang dã

Mẹ con quỷ La-sát

No đủ vị cam lồ).

Nhân duyên của việc cúng cho chim đại bàng cánh vàng, chúng quỷ thần nơi chốn hoang dã và mẹ con quỷ La-sát đều tương tự nhau. Đó là trước khi quy y theo Phật, chúng đều là những loài hung dữ, ăn thịt loài người và các chúng sinh khác. Sau khi quy y Tam bảo, để duy trì sinh mạng, Đức Phật dạy các Tăng Ni khi thọ thực phải nhớ cúng dường cho chúng.

Chuyện từ kinh điển

Theo kinh Trường A-hàm, chim đại bàng cánh vàng (Garuḷa) có bốn loại, đó là loại sinh từ trứng, loại sinh từ bào thai, loại sinh từ ẩm thấp và loại hóa sinh. Thức ăn của chim cánh vàng là các loại rồng. Chim cánh vàng sinh ra từ trứng sẽ bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn. Chim cánh vàng sinh ra từ bào thai sẽ bắt loài rồng sinh ra từ bào thai để ăn. Hai loài chim cánh vàng còn lại cũng như vậy. Các loài rồng đều sợ hãi, ưu phiền. Kinh Tăng nhất A-hàm cho biết, khi Đức Như Lai ra đời, bằng bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỷ, xả đã cảm hóa loài chim cánh vàng cũng như loài rồng, khiến chúng không ăn thịt lẫn nhau nữa.

Khoáng dã quỷ thần (Āṭavika) là một trong 16 thần Dược-xoa, người Trung Quốc gọi là Lâm nhân hoặc Lâm trụ, còn gọi là Khoáng dã quỷ, Khoáng dã Dạ-xoa… Loài quỷ thần này thường ở chốn đồng không mông quạnh, núi rừng hoang vắng, ưa thích bắt người và các chúng sinh khác để uống máu, ăn thịt. Sau chúng được Phật giáo hóa, quy y Tam bảo, thân hoại mạng chung sinh lên cõi trời Tứ thiên vương. Theo kinh Trường A-hàm, Thiên vương Tỳ-sa-môn luôn có năm quỷ thần lớn thường theo hộ vệ hai bên: Một tên Ngũ trượng, hai tên là Khoáng dã, ba tên là Kim sơn, bốn tên là Trường thân, năm tên là Châm mao.

Còn chuyện của mẹ con quỷ La-sát được ngài Nghĩa Tịnh thuật lại sau đây khi ông đang du học ở Ấn Độ và đi qua các nước vùng biển phía Nam. Chuyện được ghi chép trong Nam hải ký quy nội pháp truyện, trong giờ thọ trai, sau khi sớt bát cho chư Tăng xong, “ở cuối hàng, nên đặt ít thức ăn trên một chiếc bàn để cúng cho quỷ mẹ Ha-lợi-để (Hāritī)”.

“Trong một kiếp trước, người mẹ này có lời thề độc ăn hết trẻ con trong thành Vương-xá. Do lời thề độc này, sau khi chết đi liền tái sinh vào trong loài Dạ-xoa, sinh ra năm trăm đứa con và mỗi ngày ăn một đứa bé trai hoặc gái của thành Vương-xá. Dân chúng thưa chuyện này với Đức Phật, Phật bèn dùng thần lực giấu đứa con trai út của quỷ mẹ tên là Ái Nhi. Quỷ mẹ đi tìm kiếm con khắp nơi, khi đến bên Phật mới tìm được. Đức Thế Tôn hỏi: ‘Bà thương Ái Nhi lắm phải không? Bà có đến năm trăm đứa con, vậy mà mới mất một đứa đã thương xót kiếm tìm, huống gì người ta chỉ có một hai đứa con mà thôi?’.

Nhân đó, Phật giáo hóa quỷ mẹ, khiến bà thọ trì năm giới, làm nữ cư sĩ. Rồi quỷ mẹ thưa với Phật: ‘Con và năm trăm đứa con, bây giờ phải ăn gì đây?’. Phật dạy: ‘Các tu viện có Tỳ-kheo cư trú, mỗi ngày họ sẽ cúng cho ăn, khiến mẹ con các người đều được no đủ’.

Cho nên, trong các tu viện ở Ấn Độ, chỗ bậc cửa hiên nhà hoặc bên góc nhà ăn thường họa vẽ hình một người mẹ ôm đứa con nhỏ và thêm năm hoặc ba đứa trẻ quấn quýt quanh đầu gối, để tượng trưng cho câu chuyện này. Mỗi ngày, những lễ vật thực phẩm rất dồi dào được sắp bày trước bức tượng này để cúng. Mẹ con nhà quỷ kia nay chính là dân chúng của Tứ thiên vương, thế lực rất lớn. Người nào mang bệnh tật hay không có con, nếu dâng thức ăn cúng dường mẹ con nhà quỷ thì mong cầu điều gì cũng được toại nguyện. Nhân duyên đầy đủ như trong tạng Luật đã nói, ở đây chỉ nêu đại ý như vậy. Trước đây, ở nước Thần Châu ta đã có tên quỷ Tử mẫu rồi” (Nghĩa Tịnh, Nam hải ký quy nội pháp truyện, ĐCTTĐTK, tập 54, tr.209b05).

Chuyện từ hiện thực

“Lại nữa, ở Ấn Độ, trong các tu viện lớn đều có điêu khắc một bức tượng gỗ hình dáng thần vương, cao khoảng hai ba thước, ngồi ôm túi vàng trên một chiếc ghế nhỏ, một chân thõng xuống đất, đặt ở bên cạnh cây cột trong nhà bếp, hoặc trước cửa kho lớn. Tượng thường được xức dầu và sơn phết màu đen, nên có tên là Mạc-ha-ca-la (Mahākāla), tức Đại hắc thần. Từ xưa đã truyền rằng, đây là vị thần thuộc bộ Đại thần (Mahesvara), có tâm mến mộ Tam bảo, hộ trì năm chúng, khiến họ không bị ai tổn hại, ai mong cầu điều gì cũng được vừa ý.

Khi đến giờ ăn, nhà bếp luôn dâng hương đèn, có đồ ăn thức uống gì thì sắp bày ra trước để cúng. Chính tôi đã tận mắt thấy ở tu viện Bát-đàn-na (Bandhana), nơi Đức Phật thuyết kinh Đại Niết-bàn, thường ngày chư Tăng dùng cơm có hơn cả trăm người. Vào hai mùa xuân và thu, người hành hương chiêm bái sẽ đến bất ngờ. Một hôm, khi gần giờ Ngọ, đột nhiên không hẹn mà đến cả năm trăm vị Tăng. Vì đã đến giờ Ngọ nên [chư Tăng thường trú] không thể nấu thêm cơm.

Lúc ấy, vị tri sự nói với nhà bếp rằng: “Có việc vội như vậy, chúng ta phải làm sao?”. Bấy giờ, có bà cụ tịnh nhân thưa rằng: “Đây là việc thường thôi, không có gì lo lắng”. Rồi bà cụ bèn đốt nhiều đèn hương, sắp bày đầy thức ăn ra cúng dường cho Hắc thần và thưa rằng: “Đại Thánh đã Niết-bàn, nhưng đệ tử vẫn còn đây. Hôm nay bốn phương Tăng chúng về đây chiêm bái Thánh tích. Việc cúng dường đồ ăn thức uống đừng để thiếu hụt vốn là nguyện lực của ngài, vậy ngài nên biết đây là lúc”.

Xong, bà liền mời thỉnh tất cả đại chúng ngồi vào chỗ và đem thức ăn thường ngày của tu viện lần lượt cúng dường, đại chúng ai cũng no đủ mà thức ăn vẫn còn dư như thường ngày. Mọi người đều khen “Lành thay!”, rồi tán thán uy lực của thiên thần và còn đích thân lễ kính. Tôi đã đích thân đến đó để chiêm bái Thánh địa, tận mắt thấy thần dung và thấy thức ăn đặt thành đống như núi trước tượng để cúng dường. Khi tôi hỏi lý do thì [các vị sư] đã kể lại câu chuyện trên” (Nghĩa Tịnh, Nam hải ký quy nội pháp truyện, ĐCTTĐTK, tập 54, tr.209b20).

Xung quanh nếp sống của người xuất gia có rất nhiều cố sự, từ việc gánh nước, hái rau, chẻ củi, nấu cơm, giã gạo, thị giả tống thực… đều có thể trở thành những giai thoại thiền. Bởi trong chính những công việc hàng ngày ấy đã sản sinh ra nhiều vị thiền sư lớn. Nơi chốn quá đường cũng xảy ra không ít những điều thần kỳ như vậy!

-------------------------------------

1 Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu, Tục tạng chữ Vạn, tập 60, số 1115, tr.159a13.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh vệ tinh cơn bão lúc 18 giờ ngày 7-9

4 người chết, 78 người bị thương trong bão Yagi

GNO - Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết tính đến 17 giờ hôm nay, 7-9, đã có 4 người chết do bão Yagi, trong đó có 3 người ở Quảng Ninh và 1 người ở Hải Dương. 78 người bị thương gồm 58 người ở Quảng Ninh, 20 người ở Hải Phòng. 

Thông tin hàng ngày