GN - Có thể nói, hầu hết các thời thuyết giáo, Đức Phật đều vận dụng những hình ảnh để thí dụ giúp người nghe dễ hiểu, lãnh hội được điều Ngài muốn trao truyền. Trong kho tàng văn học Phật giáo, từ Kinh tạng Nikāya cho đến Chú giải Aṭṭhakathā đều có ghi lại những hình ảnh thí dụ đặc sắc ấy.
Nhân năm mới Đinh Dậu, năm con gà, chúng tôi xin kể về một vài chuyện liên quan đến gà trong kinh và chú giải, nhất là Chú giải chuyện tiền thân (Jātaka-aṭṭhakathā).
1. Trong kinh Tăng chi bộ, nói về công phu tu tập của một vị Tỳ-kheo, Đức Phật đã mượn hình ảnh con gà ấp trứng để làm thí dụ. Một vị Tỳ-kheo mong mỏi được giải thoát khỏi các lậu hoặc nhưng nếu như vị ấy không chịu nỗ lực tu tập bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm quyền, năm lực, bảy bồ-đề phần, Thánh đạo tám ngành thì sự mong mỏi của vị ấy không thể nào thành tựu được. Cũng giống những quả trứng gà nếu không được ấp đúng cách thì không thể nào nở ra được gà con. Ngược lại, nếu vị đệ tử tu tập đúng theo các pháp ấy thì sẽ được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
“Ví như, này các Tỳ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà, không được con gà mái ấp nằm đúng cách, không được ấp nóng đúng cách, không được ấp dưỡng đúng cách.
Dầu cho con gà mái ấy khởi lên ý muốn: ‘Mong rằng những con gà con của ta, với chân móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được sanh ra một cách an toàn, tuy vậy, các con gà con ấy không có thể, với chân, móng, đỉnh đầu hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được sanh ra một cách an toàn!
Vì cớ sao? Này các Tỳ-kheo, tám, mười hay mười hai trứng gà ấy không được con gà mái nằm ấp một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo không chú tâm trong sự tu tập, dầu cho có khởi lên ý muốn: ‘Mong rằng tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ’; tuy vậy, tâm vị ấy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”(1).
2. Tiếng gà gáy báo thức cho mọi người bắt đầu công việc của ngày mới. Thế nhưng vì gáy sai thời, không đúng giờ mà một con gà trống phải bị bẻ cổ đau đớn. Câu chuyện này được ghi lại trong chuyện tiền thân Gà gáy phi thời (Akālarāvijātaka). |
Thuở xưa, khi Bồ-tát làm vị thầy dạy học cho năm trăm thanh niên học trò. Tại nhà của Bồ-tát, có một con gà trống thường gáy rất đúng giờ nên các học trò dựa vào tiếng gáy ấy mà thức dậy học bài. Một thời gian sau con gà bị chết nên mọi người bắt một con gà trống khác về để làm báo thức. Vì trước đây quen sống ở nghĩa địa, nó không biết giờ nào cần phải gáy, có khi nó gáy lúc nửa đêm, có khi nó gáy lúc rạng đông.
Khi các thanh niên học trò nghe nó gáy lúc nửa đêm, họ thức dậy học bài, cho đến rạng đông họ quá mệt không học được nữa. Vì buồn ngủ, họ không thể tiếp thu được bài học. Và khi quá sáng, con gà ấy gáy ồn ào thì họ không có cơ hội yên tĩnh để học bài. Sự việc này khiến các vị ấy mệt mỏi nên họ mới bàn nhau vặn cổ con gà cho đến chết. Sau đó, các học trò trình lên Bồ-tát và được ngài thuyết cho bài kệ:
Không mẹ cha nuôi dưỡng
Không thầy, dạy dỗ nó
Con gà này không biết
Ðúng thời hay phi thời.
Nhân duyên của câu chuyện tiền thân này liên quan đến một vị Tỳ-kheo không biết giờ nào nên làm việc gì cho thích hợp vì không được dạy dỗ. Vị ấy không biết: thời này, ta phải làm việc này; thời này, ta phải hầu hạ; thời này, ta phải học hành. Trong canh đầu, canh giữa và canh cuối và trong những giờ thức giấc, vị ấy làm ồn, khiến các Tỳ-kheo không thể ngủ được. Thế Tôn cho biết, con gà trống gáy phi thời cũng chính là tiền kiếp của vị Tỳ-kheo ấy(2).
3. Một câu chuyện khác cũng kể về con gà trống. Thế Tôn kể câu chuyện này để cảnh tỉnh một vị Tỳ-kheo đang mơ tưởng về đời sống thế tục khi dính mắc vào hình ảnh một mỹ nữ kiều diễm. Chuyện kể rằng: Khi ấy Bồ-tát được sinh làm gà trống sống trong rừng với hàng trăm gà trống khác. Không xa đó có một con mèo cái. Nó đã dùng nhiều mưu kế dụ dỗ những con gà trống để ăn thịt, ngoại trừ Bồ-tát là nó không bắt được vì ngài rất thông minh. Mèo cái tìm cách làm thân với gà trống bằng cách xin kết nghĩa phu thê với gà để bắt gà ăn thịt. Dù mèo cái dùng lời ngon tiếng ngọt nhưng mưu kế ấy không thể làm cho gà trống xiêu lòng(3). |
Kể về sự phản bội của Devadatta thì thật không thấy ai lại ác tâm đến thế. Từng là người anh vợ(6), vừa là anh em cô cậu(7) với Thái tử Siddhattha, vậy mà lúc xuất gia, vì danh vọng che mờ lý trí, Devadatta đã phản bội lại bậc Đạo sư của mình. Bằng nhiều âm mưu và cách thức, Devadatta tìm mọi cách để sát hại Đức Phật nhưng đều bất thành. Bởi vì do oai lực của vị Phật Chánh Đẳng Giác, không một ai trên thế gian có khả năng làm hại được Ngài. |
***
Qua các câu chuyện về gà trong kinh điển Phật giáo được dẫn ra, hẳn chúng ta sẽ có thêm nhiều bài học mới. Thứ nhất, phải biết nỗ lực tu tập các pháp đưa đến giải thoát như là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm quyền, năm lực, bảy bồ-đề phần, Thánh đạo tám ngành. Vì nếu không tu thì không bao giờ giải thoát, chứ đừng có ngồi đó mà tụng niệm suông hoặc cầu xin cũng vô ích. Như gà không biết ấp trứng thì làm sao có được gà con. Thứ hai, đừng bao giờ giống như con gà gáy phi thời. Cần biết rõ điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Thứ ba, nghiệp do ta tạo, chính nghiệp đó theo ta như bóng với hình(8), cho nên làm việc gì, nói lời chi hay nghĩ cái nào cũng phải tác ý thật cẩn thận theo hướng thiện lành. Chúng ta phải chịu trách nhiệm do hành động hay lời nói của chính mình, không ai gánh chịu giùm quả báo và cũng không ai cướp lấy được phước báo. Nghiệp là của ta và ta chính là chủ nhân của nghiệp.
Samādhipuñño Định Phúc
_________________
1 Tăng chi bộ kinh, chương Bảy pháp, Đại phẩm, kinh Sự tu tập (A.iv.125f).
2 Chuyện tiền thân Gà gáy phi thời (J.119; JA.i.435f).
3 Chuyện tiền thân Con gà trống (J.383; JA.iii.265f).
4 Tạng Luật, Tiểu phẩm, chương Chia rẽ hội chúng, tụng phẩm thứ hai (Vin.ii.194ff).
5 Chuyện tiền thân Con gà trống (J.448; JA.iv.55ff).
6 Hoàng tử Devadatta là anh của công chúa Yasodharā, cậu của Rāhula.
7 Devadatta là con trai của vua Suppabuddha và hoàng hậu Pamitā (em gái của vua Suddhodana, cô ruột của Thái tử Siddhattha).
8 Kinh Pháp cú, kệ 1-2.