Có hai loại giới Bồ-tát?

Truyền giới Bồ-tát trong Đại giới đàn Huệ Hưng tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Anh Quốc
Truyền giới Bồ-tát trong Đại giới đàn Huệ Hưng tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Anh Quốc
0:00 / 0:00
0:00

GN- Hỏi: Tôi có người bạn đạo cùng thọ giới Bồ-tát nhưng khi chia sẻ việc tu tập, giữ giới thì dường như bạn ấy giữ giới Bồ-tát không giống với tôi. Đơn cử như bạn ấy giữ giới ít hơn, nhất là vẫn sinh hoạt vợ chồng bình thường và mỗi tháng chỉ ăn chay ít nhất là 6 ngày, nhiều hơn thì càng tốt chứ không ăn chay trường. Trong khi tôi thọ giới Bồ-tát thì “trường trai, tuyệt dục”. Vấn đề này là thế nào? Phải chăng có hai loại giới Bồ-tát? Nếu có nhiều loại giới thì nên chăng, trước khi truyền giới Bồ-tát cho Phật tử, Ban Tổ chức Đại giới đàn cần thông tin cụ thể về nội dung, bộ loại để Phật tử lượng sức mà phát tâm thọ trì.

(THUẬN THIÊN, thuanthien…@gmail.com)

Bạn Thuận Thiên thân mến!

Về giới Bồ-tát, không chỉ có hai loại mà có nhiều loại giới pháp của luật Phạm võng, luật Anh lạc, luật Du-già sư địa, luật Thắng man, luật Ưu-bà-tắc giới kinh (Tại gia Bồ-tát giới kinh)… Tùy theo từng quốc độ, xứ sở thuận hợp với loại giới pháp nào thì bộ luật ấy được ứng dụng thực hành. Ở nước ta, hàng Phật tử theo Phật giáo Bắc truyền thường thọ trì giới Bồ-tát theo Phạm võng Bồ-tát giới kinhƯu-bà-tắc giới kinh.

Dĩ nhiên, nội dung của hai bộ giới kinh này có những điểm tương đồng và dị biệt, tùy vào căn cơ và điều kiện mà người thọ giới chọn lựa rồi phát tâm thọ trì. Trong những điểm khác biệt thì có hai giới điều cần lưu ý đó là vấn đề ‘trường trai, tuyệt dục”.

Về giới Bồ-tát theo Phạm võng Bồ-tát giới kinh, có 58 giới điều (10 giới trọng, 48 giới khinh),giới pháp này được truyền trao chung cho các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và thiện nam tín nữ cư sĩ phát tâm thọ trì. Do vậy, giới tử (hàng Phật tử xuất gia và tại gia) khi phát tâm thọ trì giới kinh này cần giữ giới không hành dâm (giới thứ 3 của 10 giới trọng) và giới không ăn thịt (giới thứ 3 của 48 giới khinh), nghĩa là tuân thủ luật nghi “trường trai, tuyệt dục”.

Về giới Bồ-tát theo Ưu-bà-tắc giới kinh, có 34 giới điều (6 trọng pháp, 28 khinh pháp), giới pháp này chỉ trao truyền cho riêng hàng cư sĩ Phật tử nên còn gọi Tại gia Bồ-tát giới kinh. Người Phật tử thọ giới Bồ-tát theo giới kinh này giữ giới không tà dâm (giới thứ 4 của 6 trọng pháp) và không bắt buộc phải ăn chay trường, chỉ giữ trai giới mỗi tháng 6 ngày. Thiết nghĩ, hàng Phật tử sống trong cuộc đời nhiều gia duyên ràng buộc nên thọ giới để tu sửa bản thân và phụng sự chúng sinh mà không khắc kỷ “trường trai, tuyệt dục” thì phù hợp với hoàn cảnh và khả thi hơn.

Tuy nhiên, theo chú giải về Phạm võng Bồ-tát giới kinh, vì thọ chung với người xuất gia nên hàng Phật tử tại gia thọ trì giới không hành dâm (giới thứ 3 của 10 giới trọng) theo nghĩa không tà dâm (giống với giới thứ 4 của 6 trọng pháp trong Ưu-bà-tắc giới kinh). Nghĩa là cư sĩ Phật tử thọ giới Bồ-tát theo Phạm võng Bồ-tát giới cũng vẫn được phép lập gia đình, sinh hoạt vợ chồng bình thường (Kinh Phạm võng Bồ-tát giới, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1992, trang 67).

Như vậy, theo như chú giải thì người Phật tử tại gia dù thọ giới Bồ-tát theo Phạm võng Bồ-tát giới kinh hay Ưu-bà-tắc giới kinh cũng đều không phải “tuyệt dục”. Mặt khác, dù không “trường trai” nhưng các Phật tử thọ Bồ-tát giới theo Ưu-bà-tắc giới kinh cũng thực hành ăn chay, nhất là trai giới mỗi tháng 6 ngày (khinh pháp thứ 7 - Chủ yếu là trai giớivà cúng dường Tam bảo).

Xét kỹ, hàng Phật tử tại gia thọ giới Bồ-tát theo Phạm võng Bồ-tát giới kinh hay Ưu-bà-tắc giới kinh tuy khác biệt nhau về số lượng giới điều và nội dung của một số giới nhưng về đại thể vẫn tương đồng. Khác biệt lớn nhất chính là ăn chay trường (Phạm võng Bồ-tát giới kinh) và ăn chay kỳ (Ưu-bà-tắc giới kinh) mà thôi. Nếu Phật tử tại gia thọ giới Bồ-tát theo Ưu-bà-tắc giới kinh phát tâm ăn chay nhiều hơn thì sẽ thu ngắn sự khác biệt.

Do có sự khác nhau giữa các giới kinh, thiết nghĩ Ban Tổ chức Giới đàn khi trao truyền giới Bồ-tát cho Phật tử tại gia thọ nhận cần có những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để Phật tử tại gia tự lượng sức mà phát tâm thọ trì.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày