Có pháp đốt cháy và pháp không đốt cháy

Tu là đoạn việc ác, siêng làm việc lành - Ảnh minh họa
Tu là đoạn việc ác, siêng làm việc lành - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngọn lửa bốc cháy thiêu rụi củi rác là hình ảnh thân thuộc của đời sống thôn dã. Ngọn lửa này đã được Thế Tôn dùng làm ảnh dụ trong rất nhiều pháp thoại của Ngài. Pháp thoại dưới dây, ngọn lửa dữ đã thiêu đốt thân tâm, đốt cháy thiện căn công đức của người thường tạo ba nghiệp thân khẩu ý bất thiện.

Nhân quả - nghiệp báo luôn chính xác và công bằng. Nghiệp do mình tạo ra rồi lại quấn lấy chính mình như tổ kén. Không ai có quyền và có khả năng chi phối đời sống chúng ta ở trong hiện tại và tương lai ngoài nghiệp lực của chúng ta. Nếu làm ác thì bị ác nghiệp thiêu đốt. Nếu tạo ba nghiệp thân khẩu ý thiện lành thì lửa ác không đốt cháy được.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Có pháp đốt cháy và pháp không đốt cháy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà giảng nói. Thế nào là pháp đốt cháy? Nếu người nam hay người nữ nào, hành pháp ác bất thiện, phạm giới; thân thành tựu ác hạnh; khẩu, ý thành tựu ác hạnh; người ấy về sau, khi khốn khổ bởi tật bệnh, nằm liệt trên giường, chịu nhiều đau đớn. Lúc bấy giờ, tất cả những việc làm ác trước kia người ấy đều nhớ lại hết. Cũng như bóng núi lớn che ánh mặt trời Tây; cũng vậy, chúng sanh trước kia đã tạo ra mọi điều ác, những pháp ác bất thiện do thân, khẩu, ý nghiệp, đến lúc lâm chung, tất cả đều hiện ra, tâm sanh hối hận: ‘Than ôi! Than ôi! Vì trước kia không tu thiện, chỉ làm ác, nên sẽ đọa vào đường dữ, chịu nhiều khổ đau’. Sau khi nhớ lại rồi, tâm bị đốt cháy, tâm sanh hối hận. Khi sanh tâm hối hận nên không được chết với tâm thiện; đời sau tâm bất thiện cũng tiếp nối sanh. Đó gọi là pháp đốt cháy.

Thế nào gọi là pháp không đốt cháy? Nếu người nam hay người nữ nào thọ trì tịnh giới, tu pháp chân thật, thân thành tựu nghiệp thiện; khẩu, ý thành tựu nghiệp thiện; khi lâm chung tuy thân gặp phải khổ nạn, nằm liệt trên giường bệnh, thân thể chịu nhiều đau đớn, nhưng tâm người ấy nhớ lại pháp thiện trước kia đã tu; thân, khẩu và ý đã thành tựu thiện hạnh. Lúc bấy giờ, duyên vào những pháp thiện, người ấy nghĩ rằng: ‘Thân, khẩu, ý ta đã tạo ra thiện hạnh như vậy, không làm các điều ác, sẽ sanh về đường thiện, không đọa vào đường ác, tâm không có gì hối hận’. Do tâm không biến hối, nên mạng chung với thiện tâm, qua đời sau thiện vẫn tiếp tục. Đó gọi là pháp không đốt cháy (…).

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1244 [trích])

Nhân quả như bóng theo hình, nghiệp báo cũng vậy theo ta như hình với bóng. Không ai chạy trốn được nghiệp cho dù lên núi cao hay xuống biển sâu. Vì thế hãy tu nhân tích đức, gắng sống thiện lành, tích cực chuyển hóa ba nghiệp cho nhẹ nhàng. Nghiệp càng nặng thì ta càng đi xuống, nghiệp càng nhẹ thì ta càng đi lên; xuống là khổ đau, lên là hạnh phúc; xuống là đọa lạc trong các đường ác, lên là thăng hoa phước báo các cõi trời.

Ai rồi cũng già bệnh và phải đối diện với cái chết. Hãy nghĩ đến giai đoạn cuối nghiệt ngã này để hiểu rõ hơn về thân phận con người, về một thực trạng thống khổ, cô đơn, tuyệt vọng nhất của kiếp người. Tại thời điểm đó, ai sẽ giúp ta, ai cứu lấy ta? Không ai cả! Chỉ có nghiệp của ta hiện hữu, điều động, chi phối, dẫn dắt. Nghiệp dắt ta đi đâu trong sáu nẻo luân hồi, mỗi người hãy xem lại đời sống của mình sẽ tự khắc nhận biết. Thế nên người khôn ngoan, có trí thì ngay bây giờ hãy chuyển hóa ba nghiệp về hướng thiện lành.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày