Có vô cảm quá không?

GNO - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao chuyện người lớn “ném đá” cậu bé Đỗ Nhật Nam, người đang sở hữu hai kỷ lục: dịch giả nhỏ tuổi nhất có sách xuất bản và người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất, vì cậu đã có những phát biểu đi ngược lại “chuẩn mực” mà những-người-lớn đóng khung là “có tuổi thơ, hồn nhiên, trong sáng…”.

Và, mấy ngày qua tôi đã tự hỏi câu hỏi ấy, rồi tự trả lời là “có”, bởi cái lý, cái tình đưa ra để viện dẫn cho hành động “ném đá” một cậu bé ở tuổi 11 quá ư cứng nhắc, mang tính “đóng khung” áp đặt - như nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục đã bộc bạch suy nghĩ của mình trên mặt báo cũng như các diễn đàn mạng.

Nhat Nam.jpg

Đỗ Nhật Nam - người sở hữu hai kỷ lục ở tuổi 11 - Ảnh: Hoàng Điệp

Cậu bé đã nói gì để rồi phải nhận nhiều “đá” từ những người lớn như thế? Thì ra, cậu nói rằng không thích truyện tranh, thích đọc sách văn học, sách chính trị-xã hội, điều mà nhiều người lớn cho là “đánh mất tuổi thơ”, không giống như con em mình. Mọi lý lẽ cay cú đổ dồn về phía Nam cùng những phán xét, buộc tội với một cái tâm chứa đầy sự bực bội của người lớn về những phát biểu của một cậu bé dám nói thật những điều mình nghĩ chứ không bị “mớm” hoặc thuộc lòng những ước mơ mà người lớn đã nhồi nặn trong đầu.

Khi sự khác biệt là một điều cấm kỵ, đó là khi con người không thể hòa mình vào biển lớn, luôn luôn dị ứng với những biểu hiện khác mình một cách cực đoan, với biểu hiện phán kháng, phản ứng có tính chất muốn triệt tiêu ngay sự khác biệt, hoặc “cào bằng” như một đặc tính văn hóa được lập trình bởi lối sống cộng sinh trong cộng đồng, bỏ qua vai trò cá nhân. Từ đó, dễ dàng trù dập những hạt nhân mới lạ, bị xem là mối nguy cho những “con gà” được ấp, nuôi và thuần dưỡng trong những “trang trại”, hay theo ví von của ai đó là “những viên gạch giống nhau trong lò”.

Biểu hiện này có tính chất hệ thống mà trong hầu hết các tổ chức tập thể của người Á Đông, nhất là Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn như một thứ dịch bệnh mà người ta thừa biết, song để chuyển hóa tận gốc thì khó mà được. Sẽ không khó để phát hiện một người mới, giỏi, nhiệt tình dần dần bị “bóp chết” trong một cơ chế “lợi ích nhóm” đòi hỏi anh phải cộng sinh bằng cách không được trội hơn, và nếu hơn về trình độ lẫn sự nhiệt tình so với số đông thì liền sẽ loại trừ. Thậm chí, nếu anh là một người có đạo đức hơn, biết từ chối trước những xấu xa, tham ô, tham nhũng trong một tổ chức thì sẽ phải bị “nhóm lợi ích” tiêu diệt bằng nhiều cách na ná nhau được gọi tên là vô cảm, loại trừ một cách không thương tiếc.

Từ chuyện của Nhật Nam, người ta nghĩ đến việc ứng xử trong cộng đồng nói chung như thế, với những quan ngại mà như tờ báo điện tử VnExpress bày tỏ là “nhân tài không thể xuất hiện ở Việt Nam” vì lẽ ở môi trường “cào bằng”, không tôn trọng sự khác biệt cũng như sẵn sàng “ném đá” tới tấp, sẵn sàng triệt hạ những mầm mống trội hơn, xếp vào diện “có nguy cơ” với lợi ích của mình, hơn mình như đã biểu hiện len lõi trong cuộc sống.

Tất nhiên, không cần phải lấy kính hiển vi, hay kính lúp để soi rọi thì người ta cũng thấy, đó là sự đố kỵ, là một kiểu biểu hiện của tham-sân-si một cách thô nhất của con người.

Không phải tự nhiên mà người ta “dặn dò” nhau, theo kiểu “truyền thừa kinh nghiệm” của người trước cho người sau rằng, ở Việt Nam, hay làm cho các công ty của người Việt chớ dại mà giỏi hơn “sếp”, chớ có mà tranh luận lung tung, dẫu mình đúng hay phát hiện những điều hay thiệt là hay. Vì, có thể anh sẽ bị “ăn cắp” ý tưởng bởi “bệnh thành tích”, tham lam, hoặc bị “trù dập” vì không biết “khiêm tốn”. Do vậy mà người ta hay nói với nhau cái luật bất thành văn là “người nào đó giỏi là họ sẽ phải chịu nhiều… thiệt thòi, bị dòm ngó, bị những xu nịnh đời thường đẩy đưa, vùi dập cho đến khi không ngóc đầu lên nổi hoặc bị đồng hóa y chang vậy”.

Trong cuộc chiến mang tính “đối đầu”, ngó thì như là âm thầm nhưng kỳ thực “đau đầu nhức óc” và rất đỗi bạo động, ở trong tim, trong óc, trong tâm con người ấy người con Phật nhận ra nhiều điều, cũng nhận diện “cơ hội” để mình tu tập chứ không phải chán nản hoặc chống lại theo thói thường: chỉ trích, bạo động, lập thành phe thứ hai mang tên “chánh nghĩa” để tiêu diệt “phe kia”…

Tất nhiên, đối với người học Phật, thực tình học Phật để giải thoát thì không có lý nào lại để những tạp nham ấy chi phối và càng không thể là người đứng về “phe” số đông, đi ganh đua từng chút, sẵn sàng bị “hiệu ứng đám đông” làm mình mất bình tĩnh mà cầm đá (sẵn có ở trong lòng, thứ đá mang tên tham-sân-si) ra ném tới tấp vào những người giỏi hơn mình, hay hơn mình, độc và lạ hơn mình về những mặt nào đó trong cuộc sống. Đơn giản vì người con Phật đã được học hạnh tùy hỷ - biết vui với niềm vui, với những thành tựu cũng như những việc làm thiện lành của người. Hạnh đó xuất phát từ việc quán chiếu, thấy rõ nhân-quả mỗi người mỗi khác, do những biệt nghiệp tạo tác.

Cũng trên cơ sở hiểu rõ nhân quả như vậy, người con Phật sẽ không bắt ai phải giống mình, phải là “bản sao” như mình, bằng không thì chỉ trích và loại trừ bằng cái tâm kỳ thị, phân biệt hoặc “ném đá” như cái cách mà người lớn đã làm với Nhật Nam.

Đành rằng, xã hội có những chuẩn mực riêng, môn quy Phật giáo cũng có những nguyên tắc đạo đức, đường hướng riêng để đi tới những giá trị cao đẹp, nhưng không phải vì thế mà người con Phật có tư tưởng loại những tư tưởng không giống mình. Chính vì thế mà Phật giáo chưa bao giờ có chiến tranh tôn giáo và có đấu tranh thì cũng không ngoài tôn chỉ từ bi - trí tuệ.

Từ câu chuyện “ném đá” Nhật Nam được xem là hành vi vô cảm của một số đông người, suy nghiệm ra sự vô cảm trong việc ứng xử giữa người với người trong thói quen “cào bằng”, loại bỏ - vốn không phải là tinh thần Phật giáo, để thấy là mình có may mắn được học Phật, hành theo Phật nên có cơ hội quán chiếu mà không vượt qua giới hạn thương yêu, hiểu biết, không đứng vào hàng ngũ của sự vô cảm mà tiếp tay cho cái ác nơi người khác, tưới tẩm cho hạt giống bất thiện trong mình trổ bông, kết trái.

Cuối cùng, như một lời chúc, ân cần gửi tới Đỗ Nhật Nam, một người bạn nhỏ có nhiều sự khác biệt với số đông, rằng, em hãy hồn nhiên, trong sáng, vững chãi mà bước tới trong niềm tin yêu của những người yêu thương em vì sự khác biệt của chính em. Tất nhiên, mong em vững cả tâm lẫn trí để tài đức vẹn toàn mà giúp đời, giúp người trong tương lai, nhé!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày