GN - Sinh con ra, người mẹ nào cũng mong con lành lặn, khỏe mạnh cả thân thể lẫn tâm hồn, nhưng có những người mẹ đã phải đón nhận tin dữ khi con mình bị bệnh hiểm nghèo hoặc phải sa vào con đường nghiện ngập... Lúc đó, người mẹ lại xả thân cứu con, chở che cho con bằng trái tim bao dung và tình thương bao la, khôn tả!
Chở che đời con...
Nhớ cách đây tròn 10 năm, nhân mùa Vu lan Báo hiếu, với tuyến bài “Chở che đời con”, báo Tuổi Trẻ đã kể những câu chuyện về tình mẹ cao vòi vọi, trong đó có chuyện của bà Huỳnh Thị Kim Hoa và người con trai tên Lân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Anh bị nghiện, cái tin ấy làm bà Hoa chết đứng, nhưng rồi bà cũng chấp nhận để tự tay giúp Lân cai nghiện bằng cách xiềng chân con lại. Bằng cách đó không được, bà cắn răng đưa con vào Trường cai nghiện Phú Văn.
Ngỡ khoảng đời đau khổ của hai mẹ con đã chấm dứt khi Lân trở về sau 2 năm ở trường, nhất là khi anh chịu cưới vợ, sanh được cậu con trai bụ bẫm, nào ngờ, anh tái nghiện. Bà Hoa một lần nữa đưa con đi trại cai nghiện cho đến khi nghe hung tin Lân bị nhiễm HIV. Hay tin, bà như rơi vào vực thẳm, còn Lân thì đòi tự tử vì không chấp nhận được.
Người mẹ ấy đã một lần nữa không buông tay con - tất cả vì con, bà buộc mình phải đứng lên và che chở cho con, cho dù con đường phía trước chỉ thấy vực sâu. Lân giờ chỉ còn là một cái xác tiều tụy. Người ta bảo bà về chuẩn bị lo hậu sự cho con, nhưng bà không chịu đầu hàng số phận. Ngày nào bà cũng cọc cạch đạp xe chở con đi uống thuốc điều trị. Nghe ai chỉ ở đâu có thầy hay, người mẹ - lúc ấy - đã bước qua tuổi 50 cũng lặng lẽ chở con đi tìm. Bà âm thầm giấu con căn bệnh hẹp van tim của bà đã vào giai đoạn 3.
Cho đến khi người ta chỉ cho bà tìm đến một cơ sở hỗ trợ thuốc đặc trị thuộc Ủy ban Phòng chống AIDS của TP.HCM, Lân mới dần dần hồi sinh. Bà Hoa cũng như người chết đi sống lại. Sợ Lân mặc cảm, buồn, ban ngày đi đâu bà Hoa cũng chở Lân theo. Tối, bà lại chở con đi chùa nghe thuyết pháp. Bà tin rằng con bà sẽ tìm thấy ánh sáng ở phía cuối con đường hầm mà bà vẫn ngày ngày đồng hành với con đi về phía ánh sáng ấy. Rồi con bà trở thành một giáo dục viên đồng đẳng, lãnh những đồng lương đầu tiên. Từ đó bà mới có nụ cười, cười ra nước mắt. Lân tình nguyện đi khắp các ngõ ngách thành phố chăm sóc những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối như mình.
Để có được sự chuyển biến ấy, theo Lân là nhờ tình thương của mẹ: “Có lúc tôi muốn buông xuôi tất cả vì những cơn nghiện ập đến, vì tuyệt vọng về căn bệnh trong người mình. Nhưng lúc ấy, tiếng trở mình của mẹ tôi trong đêm, những giọt nước mắt của mẹ đã níu tôi trở lại. Tôi như đang đứng giữa đôi bờ tối sáng. Tình thương bao la của mẹ như ánh sáng bao trùm lên tôi. Tình thương của mẹ đã kéo tôi về với cuộc sống, cho dù không biết nó còn bao lâu”.
Anh Lân trong vòng tay mẹ - Ảnh: TTO
Một câu chuyện khác cũng tương tự như vậy, về người mẹ có tên Nguyễn Thị H. (ngụ ở Q.1, TP.HCM) đã giúp con trai mình cai nghiện thành công. Bà H. làm công việc rửa chén thuê được nhận định là “gầy gò mà kiên cường” nhớ lại thời điểm năm 2010, khi bà phát hiện con bị nghiện: “Ngoài giờ đi làm, tôi để ý thấy nó rất làm biếng, về nhà chỉ ngủ, mỗi lần vô nhà vệ sinh rất lâu. Một lần, tôi tức quá mới kê cục gạch nhón chân nhìn coi nó làm gì trong đó. Vừa ghé mắt nhìn, tôi loạng choạng muốn té xỉu khi thấy nó đang cầm ống kim tiêm lụi vô tay. Lúc nó mở cửa bước ra, tôi tra hỏi một hồi thì nó khai: “Nói thiệt với mẹ, con nghiện lâu rồi!”.
Cũng từ đó, hành trình cùng con cai nghiện của bà H. là chuỗi dài với những lúc tưởng đã cạn hết niềm tin, hy vọng, nhưng cuối cùng bà cũng cùng con vượt qua từng chặng đường từ cai ở nhà đến vào ra trung tâm, đưa về quê nội ở Tiền Giang. Và cuối cùng, nụ cười cũng trở lại trên khuôn mặt người mẹ: “Nhờ trời thương, cuối cùng thằng M. đã cai được. Nó xin đi học lái xe, ra trường, xin được việc làm, lấy được vợ. Giờ nó chí thú làm ăn để kiếm tiền sửa nhà, chuẩn bị đón đứa con đầu lòng”, bà H. kể.
Rồi bà chia sẻ: “Tôi không học cao, không hiểu nhiều, không có kiến thức về cai nghiện. Bằng linh cảm của một người mẹ, tôi chỉ biết có một thứ rất ghê gớm đang giành giật, hủy hoại cuộc đời con mình, đẩy nó ra xa vòng tay mình. Bằng mọi cách, tôi phải cứu con. Tiền bạc tôi không nhiều. Thứ nhiều nhất mà tôi có chỉ là tình thương. Người ta thường nói “đừng tin con nghiện trình bày”, nhưng ngay cả khi cả cuộc đời này quay lưng lại với nó, khi không còn ai tin nó nữa, tôi vẫn cứu con tôi. Bởi tôi tin sẽ có ngày tình thương khiến nó nghĩ lại và có thêm quyết tâm làm lại cuộc đời”.
Theo bà, đừng bao giờ bỏ rơi con, em, người thân của mình khi họ tuyệt vọng, cùng đường nhất. Và phải thật kiên nhẫn. Không có trường trại nào chặt chẽ bằng sự giám sát, rào giữ của người thân, nên dù hiện con bà đang có một cuộc sống mới nhưng cuộc chiến của bà H. vẫn chưa kết thúc vì bà hiểu, con bà dù lớn vẫn cần bà với tình thương là phương thuốc.
Nụ cười đẫm nước mắt của mẹ
Ngày 17-4 vừa qua, trang điện tử aFamily đã chia sẻ một câu chuyện, bắt đầu bằng ánh nhìn trìu mến của người mẹ - thấy con vui vẻ cười đùa ba tuần sau khi trải qua cuộc ghép gan sinh tử, người mẹ nghẹn ngào, không giấu nỗi những giọt nước mắt hạnh phúc.
Theo đó, chiều cùng ngày, người mẹ nghe tin Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM thông báo, ba tuần sau cuộc phẫu thuật phức tạp, ca ghép gan thứ 11 tại đây đã thành công tốt đẹp, một bệnh nhi 10 tuổi bị xơ gan nặng vì hậu quả của căn bệnh teo đường mật bẩm sinh đã được cứu sống.
Bệnh nhi được ghép gan là bé Dương Gia Khiêm (10 tuổi, quê Bạc Liêu), còn người cho không ai khác chính là mẹ em, chị Phạm Thủy Tiên (40 tuổi). Trải qua nhiều năm mắc căn bệnh teo đường mật bẩm sinh, bệnh nhi bị diễn tiến xơ gan nặng, mắt và da vàng vọt, cơ thể ốm yếu, đặc biệt phần lá lách phù lên rất to. Đỉnh điểm của căn bệnh là việc bé liên tục ói ra máu những ngày trước phẫu thuật.
Mẹ con chị Tiên sau phẫu thuật thành công - Ảnh: Afamily
Khi mọi chuyện đã qua, bé Khiêm đã khỏe, chị Tiên mới bình tĩnh chia sẻ: “Trước khi mổ, tôi với mấy anh chị em trong nhà hội họp bàn bạc rất lâu, chữa cũng chữa suốt 10 năm rồi, giờ tình trạng bé vậy thì phải liều mình mà theo. Còn không, đồng nghĩa với việc sẽ mất con vĩnh viễn”.
Theo đó, bé Khiêm là con thứ trong gia đình có ba anh em trai nhưng Khiêm phải mang căn bệnh ngặt nghèo, trong khi anh lớn và em út của Khiêm hoàn toàn bình thường. Kể từ ngày sinh Khiêm, chưa bao giờ chị Tiên ngưng lo lắng cho con khi 10 năm ròng rã ra vào bệnh viện như cơm bữa. Đến năm 2 tuổi, Khiêm chính thức vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 chữa bệnh. “Cứ mỗi tháng tôi lại đưa bé xuống bệnh viện một lần. Đất đai cũng bán nhiều để lo cho bệnh của con. Sợ con buồn nên tôi cố gắng không nói cho nó biết bệnh tình càng lâu càng tốt”, người mẹ trẻ hồi tưởng.
Nhưng rồi mọi chuyện cũng vỡ lở khi Khiêm bắt đầu tuổi đi học. Nhiều phụ huynh biết chuyện em bị xơ gan, sợ con mình bị lây nên tìm cách cho con xa lánh cậu bé. Mỗi lần nghe con trở về nhà nói bị bạn bè trêu chọc, người làm mẹ như chị Tiên đứt từng đoạn ruột. Bởi vậy khi nghe tin con có thể được cứu, người mẹ không ngần ngại hiến gan của mình, dù biết sau đó sức khỏe có thể bị tổn thương.
Đối với người mẹ ấy, không có niềm hạnh phúc nào bằng việc con khỏe lại. Chị bộc bạch: “Mấy tháng trước, nó cứ đi học rồi ói ra máu, ói rất nhiều. Bệnh dữ quá nên thi học kỳ có 6 điểm, chứ ba năm liền nó là học sinh giỏi. Không còn cách nào khác, hai vợ chồng phải liều mình đưa con đi phẫu thuật, dù biết chi phí không hề nhỏ. Giờ đây con đã sống, cả nhà ai cũng vui. Thôi thì viện phí, nợ nần cứ từ từ tính”.
Đời hạnh phúc khi có mẹ
Vài câu chuyện được chắt chiu trên đây đã nói lên điều đó. Những đứa con bệnh tật hoặc lỡ dại vào con đường lầm lỗi, nếu không có bàn tay và sự hiến tặng đầy yêu thương của mẹ thì chắc chắn khó vượt qua. Có thể kết quả sẽ không như mong đợi - như câu chuyện của Lân, phần bệnh tật đeo mang anh là suốt đời nhưng người mẹ ấy đã cứu được tâm hồn con.
Đọc những câu chuyện trên, tin rằng ai cũng như tôi lúc này - nghĩ về mẹ và liên tưởng - nếu chẳng may mình rơi vào tình huống ấy, dại dột sa chân vào ngã rẽ đau thương ấy, khi gần như tất cả mọi người quay lưng, tránh xa thì mẹ vẫn không bao giờ bỏ rơi. Hạnh phúc khi có mẹ, còn mẹ là hạnh phúc lớn nhất đời người, vì thế có người đã nói: Còn mẹ là còn tất cả, hãy trân trọng khi ai đó còn mẹ, sống tốt ngay cả khi không còn mẹ nữa...
Và, mẹ đã sinh chúng ta ra một lần trên đời, đã đủ đau đớn lắm rồi, trừ bệnh tật không thể cưỡng, thì giữ mình khỏe mạnh nhất có thể (cả thân lẫn tâm) để mẹ không phải nặng lòng tìm cách “cứu” con, phải đau đớn “sinh” mình thêm lần nữa!
Chúc Thiệu
2 câu chuyện xúc động Câu chuyện thứ nhất Trang The Mirror (Anh quốc) đã đăng một câu chuyện gây xúc động về tình cảm thiêng liêng của bậc sinh thành dành cho con cái mình. Câu chuyện sở dĩ lan tỏa một sự xúc động mạnh mẽ là vì người cha khốn khổ ấy chỉ có thể “lựa chọn” trao tặng một phần thân thể cho một trong hai con đều mắc bệnh về thận của mình mà thôi. Đó là tình huống “lực bất tòng tâm” mà người cha Antony Levin, 47 tuổi đối diện khi đứa con gái đầu lòng Jade 18 tuổi và con trai Keegan 13 tuổi đều cần được ghép thận. Người cha này sau những dằn vặt khổ đau, cuối cùng đã chọn trao quả thận cho con gái Jade của mình, vì bệnh tình của cô trầm trọng và cấp bách hơn trong điều trị để cứu chữa so với người em trai mình. Như một phép mầu từ yêu thương huyết quản giàu đức hy sinh, cô con gái Jade đã hồi phục tốt đẹp sau phẫu thuật nhận quả thận từ cha mình. Và Keegan được đưa vào danh sách chờ được ghép thận sau đó. Câu chuyện thứ hai “Cha mẹ có thể cho đi tất cả, kể cả thân mạng để con mình được sống. Con trai của John Barnes (Michigan) đã làm điều ngược lại”. Đó là lời dẫn đầu cho câu chuyện về người con trai hiếu thảo hiến gan cho cha mình đăng trên CNN năm ngoái.
Barnes bị chai gan và cần được ghép gan thì mới có thể tiếp tục sống. Tên ông nằm trong danh sách 17.000 bệnh nhân đang chờ được hiến tặng gan. Số người chờ nhận gan được hiến luôn nhiều hơn rất nhiều so với số người hiến tặng. Và ông ghét suy nghĩ rằng ai đó sẽ chết để ông được xin lá gan cho mình. Dù được bác sĩ tư vấn rằng, một phần gan khỏe mạnh được ghép vào có thể tái khởi hoạt chức năng bình thường của gan và nếu có ai đó, vẫn đang khỏe mạnh có thể hiến tặng một phần gan của mình thì cả người cho và người nhận đều sẽ khỏe mạnh sau đó. Và người trong gia đình là người có khả năng tương thích cao nhất cho sự ghép gan thành công. Ông có bốn người con nhưng nhất quyết không nói điều này với con mình vì lo sợ cho sức khỏe của con. Xúc động thay, cậu con trai út 23 tuổi Brian Barnes đã lẳng lặng đi kiểm tra cho sự hiến tặng gan, không cho cha hay biết. Điều thật sự gây cảm động là anh cần phải giảm cân để có được cơ hội tốt nhất hiến tặng thành công. Và anh đã giảm hơn 11kg chỉ trong vòng 6 tuần. “Tôi đã thật sự kinh hoàng. Tôi luôn lo nghĩ về sức khỏe của nó. Tôi mất cả năm trời để tự hỏi ai đó đang còn sống sẽ chết đi để mình có được lá gan khỏe mạnh mà sống sót trên đời này và bây giờ tôi biết rằng người đó là đứa con trai bé bỏng của mình. Đêm đó, tôi rơi vào nhiều cung bậc cảm xúc khó tả, và rất nhiều nước mắt đã rơi”, ông chia sẻ khi biết người âm thầm tặng một phần lá gan cho mình chính là cậu con trai út. Người con trai hiếu thảo nói: “Tôi chỉ có thể đứng bên cạnh cha, và không phải là một người hiến tặng với gánh nặng trên đôi vai mình, không phải chỉ để giúp đỡ trong tình cảnh hiểm nghèo. Cha mãi hiện diện ở đó, vì tôi - và đây có lẽ là điều nhỏ nhoi nhất mà tôi có thể làm được”. “Vết sẹo của con trai nhắc nhớ tôi về điều con trai đã trao tặng cho mình và vết sẹo to hơn nhiều của tôi nhắc tôi rằng con trai đã cứu sống mình. Đây là điều là chúng tôi sẽ sẻ chia cho nhau, mãi mãi”, người cha xúc động. Và điều kỳ diệu - chính từ sự hiếu thảo, yêu thương thực hữu đã mang lại sự bình phục và mạnh lành cho cả hai cha con. Huệ Trần tổng hợp |