Không lẽ đó là cách chúng ta tôn vinh di sản của cha ông, là cách để tự hào về các công trình kiến trúc cổ của một thành phố ngàn năm văn hiến?
Đến với Hà Nội, để cảm nhận về bề dày lịch sử - văn hóa của thủ đô 1000 năm tuổi, du khách trong và ngoài nước không thể không ghé thăm các ngôi đền, chùa nồi tiếng đã tạo nên "thương hiệu" văn hóa của thành phố: chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn... mỗi di tích chứa đựng trong nó cả chiều dài lịch sử thiêng liêng.
Trong năm 2009, hàng loạt di tích lịch sử - văn hóa quý giá được cấp tập trùng tu, nhiều công trình đến giờ này vẫn đang gấp rút hoàn thành, chắc hẳn với mong muốn vừa giữ nguyên được giá trị, vừa có tấm áo đẹp đẽ hơn cho dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tiếc thay, đã có một khoảng cách quá xa từ mong muốn mang tính khoa học nghiêm cẩn ấy với kết quả nhãn tiền đầy khắc nghiệt. Trong suốt năm 2009, báo chí đã liên tục phản ánh việc trùng tu làm phá hỏng hàng loạt di tích quý, nhiều đến mức dư luận cảm thấy đó là chẳng qua là việc biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Báo chí lên tiếng một hồi, chẳng thấy thay đổi gì nên cũng... không nói nữa. Dư luận mà im lặng thì di tích chắc đã biết mình bị bỏ rơi, không người bảo vệ và đành phó mặc buông xuôi muốn đến đâu thì đến!
Cổng đền Quán Thánh sau trùng tu kém gần gũi hơn trước
Giờ đây, chỉ còn hơn 50 ngày nữa là đến đại lễ, mọi công việc trùng tu đang vào hồi kết, những cánh cổng sai lệch sắp chính thức được thừa nhận. Trở lại đình Kim Liên những ngày giữa tháng 8, giật mình nhận ra cổng đình Kim Liên không chỉ giống cổng chùa Láng, mà còn rất giống cổng của đền Voi Phục - cũng nằm trong hệ thống Thăng Long tứ trấn.
Người viết bài này đã làm một phép thử nho nhỏ, chụp ảnh hai cánh cổng trong cùng ngày 15/8/2010, gửi thử cho một vài người yêu di sản với câu hỏi "Đây là cổng đền/chùa/đình nào của Hà Nội?". Câu trả lời nhận được từ tất cả mọi người là "chịu".
Khi được giải thích là cổng của đình Kim Liên và đền Voi Phục thì câu hỏi ngược lại là "Sao giống nhau thế? Có một mẫu cổng chung cho Thăng Long tứ trấn hay sao?".
Vậy là vội vã trở lại với đền Quán Thánh và đền Bạch Mã cũng vừa được trùng tu, thấy còn may vì không nhìn thấy một "bản sao" nào nữa, dù đền Quán Thánh sau khi trùng tu cũng "thô" hơn, kém vẻ gần gũi thân thuộc hơn trước nhiều.
Cổng chùa Láng
...cổng đền Voi Phục
...và cổng đình Kim Liên, sao giống nhau đến thế?
Lại làm thêm một phép thử nữa, đến chụp ảnh "nguyên gốc" chùa Láng, thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hài hòa của cổng chùa. Bắt chước - bất luận xấu hay đẹp - cũng là đánh mất mình, là điều không thể chấp nhận đối với di tích, di tích đã xếp hạng thì nhất định phải giữ yếu tố gốc, đằng này những cánh cổng bắt chước lại xấu hơn hẳn.
Mặt khác, tại sao và vì lý do gì mà cổng đình Kim Liên phải giống cổng đền Voi Phục?
Nhấc điện thoại hỏi 2 chuyên gia về di sản, chỉ nghe tiếng thở dài. Điểm này thì các nhà văn hóa, các nhà khoa học đành chịu, chỉ những người có trách nhiệm về các dự án trùng tu này mới có thể trả lời được mà thôi.
Giá trị của di sản văn hóa nằm ở yếu tố gốc, đã mất đi thì vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được. Từ đây, người Hà Nội cũng như du khách thập phương đến với chùa Trấn Quốc, đền Kim Liên sẽ chẳng còn cơ hội chiêm ngưỡng những cánh cổng giá trị, đã đi vào tiềm thức của người Hà Nội nữa.
Dự án tu bổ, tôn tạo Thăng Long tứ trấn nằm trong danh sách vài chục công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nghĩa là tới đây, đền Kim Liên, đền Voi Phục cũng sẽ được gắn biển "Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long". Tu bổ, tôn tạo theo kiểu xóa cái cũ đi, làm cái mới tinh thay thế vào, biến một công trình "có tuổi" thành công trình "vài tháng tuổi", biến một công trình duy nhất thành sự sao chép thô sơ, không lẽ lại mừng đại lễ theo cách đó? Không lẽ đó là cách chúng ta tôn vinh di sản của cha ông, là cách để tự hào về các công trình kiến trúc cổ của một thành phố ngàn năm văn hiến?