Công nhận chùa Thiên Bửu là di tích cấp tỉnh

GNO - Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký quyết định công nhận ngôi chùa Thiên Bửu, tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Dự kiến, nhà chùa và đông đảo nhân dân địa phương trong vùng sẽ tổ chức đón bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 19-2-Giáp Ngọ. 

Chùa Thiên Bửu.JPG

Chùa Thiên Bửu vừa được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh

Theo hồ sơ khảo sát của Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa và qua những tài liệu lịch sử đã thu thập được cho thấy, ngôi chùa hiện nay có diện tích còn khoảng 4.000 m2, do cố Hòa thượng Tế Hiển, pháp danh Bửu Dương là người phát tâm xây dựng chùa vào khoảng những năm trước 1763.

Thuở ban đầu mái chùa lợp bằng cỏ tranh và ngài chứng minh đúc đại hồng chung (chuông) vào năm 1763, hiện chuông đang được sử dụng tại chùa Thanh Lương (xã Ninh Thân, Ninh Hòa).

Trong dịp giỗ Tổ Phước Tường ngày 20-2-Quý Tỵ vừa qua, HT.Thích Trí Tâm, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã về dự và phát biểu: “Chúng ta bùi ngùi nhớ lại gần 300 năm trước, Tổ Bửu Dương đã đến nơi đây, khai sơn ra ngôi chùa này, tổ đình của chi phái Thiên Liễu Quán - Ninh Hòa, truyền thừa từ đời này sang đời khác. Ngài suốt đời xả thân vì đạo pháp. Ngoài công đức hoằng hóa sâu rộng ngài còn lưu lại cho hậu thế một di tích quý hiếm có giá trị văn hóa và lịch sử của tỉnh Khánh Hòa…”.

Trước và trong năm 1930, chùa là nơi thanh niên trong vùng tụ tập để luyện võ nghệ, sinh hoạt văn hóa và tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước. Qua đó, góp phần quan trọng trong cuộc biểu tình giành chính quyền ngày 16-7-1930 của Đảng bộ và nhân dân Ninh Hòa...

Cũng trong thời kỳ kháng chiến chống quân Pháp, nhà sư Tâm Kính - Bảo Thành trụ trì chùa, vì đã có các hoạt động giúp đỡ Việt Minh nên ngài đã bị giặc Pháp bắt và ném xuống giếng ngay tại chùa…

Dựa trên các cơ sở  điều tra, thu thập dữ liệu tỷ mỷ và khoa học, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề nghị và đã được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định công nhận chùa Thiên Bửu là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.  

Gốc cây me hơn 8 mét.JPG

Gốc cây me cổ thụ tại chùa Thiên Bửu - Ảnh: Trần Công Thi

Toàn thể người dân trong vùng còn rất tự hào về cây me cổ trong khuôn viên chùa Thiên Bửu. Cây có chiều dài (chu vi) gốc cây me dài hơn 8 mét, chiều cao trên 20 mét, tán lá cây rất rộng, quả nhiều quanh năm.

Theo ĐĐ.Thích Nhuận Đăng, trụ trì chùa Thiên Bửu và ông Nguyễn Bích (gần 70 tuổi), trưởng ban hộ tự nhà chùa cho biết, các cụ qua mấy chục đời lưu truyền lại, rất có thể khi Tổ Bửu Dương khai sơn ra chùa đã có cây me, thậm chí do cây đã to nên ngài giữ lại. Nếu đúng vậy thì cây me sẽ có niên đại trước khi Tổ dựng chùa.

Trả lời phỏng vấn của GNO, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tỉnh không có chủ trương đề nghị tách việc công nhận cây me tại chùa Thiên Bửu là Cây Di sản Việt Nam. Cùng với bề dày lịch sử mấy trăm năm của ngôi chùa, việc công nhận ngôi chùa Thiên Bửu là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, trong đó có cây me là một bộ phần cấu thành của di tích”.

Trần Công Thi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày