Cúng dường cha mẹ

Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan Phật lịch 2568
Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan Phật lịch 2568
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Quả thật, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bao la như trời biển. Cha mẹ là thánh thần nơi chốn cao xanh, kính quý tột cùng nên không lạ gì khi tôn xưng cha mẹ là Phật, “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”.

Cha mẹ là Trời Phật

Sau khi Thành đạo, Đức Phật du phương hoằng hóa gần khắp xứ Ấn Độ, ngoài dạy đạo giác ngộ và giải thoát, Ngài luôn đề cao đạo hiếu, phụng dưỡng và kính thờ cha mẹ. Bấy giờ, xã hội Ấn Độ đa phần theo Bà-la-môn giáo, tin tưởng nhiệt thành vào đấng Phạm Thiên. Với các tín đồ đạo Bà-la-môn, Phạm Thiên là đấng tối tôn, toàn năng và sáng tạo. Đức Phật đã tôn vinh cha mẹ lên vị trí tột cùng, là Phạm Thiên, là đạo sư, xứng đáng được cúng dường.

“Phạm Thiên, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các Đạo sư thời xưa, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ-kheo, là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời”. (Kinh Tăng chi bộ, chương Ba pháp, phẩm 4. Sứ giả của trời, phần 31. Ngang bằng với Phạm Thiên).

Quả thật, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bao la như trời biển. Cha mẹ là thánh thần nơi chốn cao xanh, kính quý tột cùng nên không lạ gì khi tôn xưng cha mẹ là Phật, “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”. Việc phụng dưỡng cha mẹ cũng không đơn thuần là chăm sóc người thân mà là cúng dường. Đảnh lễ cha mẹ với tâm chí thành chí kính, tôn trọng hết mực, sau đó mới kính cẩn dâng cúng các thứ cần dùng.

“Mẹ cha gọi Phạm Thiên,

Bậc Ðạo sư thời trước

Xứng đáng được cúng dường

Vì thương đến con cháu.

Do vậy, bậc Hiền triết

Ðảnh lễ và tôn trọng

Dâng đồ ăn đồ uống

Vải mặc và giường nằm

Thoa bóp (cả thân mình)

Tắm rửa cả tay chân.

Với sở hành như vậy

Ðối với mẹ cha

Ðời này người Hiền khen

Ðời sau hưởng Thiên lạc” (Sđd).

Từ việc phụng dưỡng cha mẹ, Đức Phật đã tôn vinh hiếu tâm, hiếu hạnh thành cúng dường, nhờ đó mà thành tựu công đức lớn và quả báo tốt đẹp. “Có hai pháp dành cho người phàm phu, được công đức lớn, thành quả báo lớn, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi. Thế nào là hai pháp? Là cúng dường cha, mẹ. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy thường nhớ hiếu thuận, cúng dường cha mẹ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này”. (Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Thiện tri thức).

Trả ơn đủ cho cha mẹ

Dù tận tâm phụng dưỡng cha mẹ như cúng dường bậc Phạm Thiên, Đức Phật nói vẫn chưa làm đủ, chưa trả ơn đủ. Không phải con cái không tận tâm, chẳng sẵn lòng mà chính là công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ quá lớn. “Nếu một bên vai cõng mẹ, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy hết trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cha và mẹ. Hơn nữa, nếu có an trí cho cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha”. (Kinh Tăng chi bộ, chương Hai pháp, phẩm Tâm thăng bằng, phần Đất).

Chắc người đời không ai cúng dường cha mẹ, thể hiện tâm hiếu và hạnh hiếu đúng theo đoạn kinh trên. Mà giả như có làm được cũng chưa tròn chữ hiếu. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang tự hào đã báo hiếu trọn vẹn, đầy đủ. Mặt khác, chúng ta có thể cúng dường cha mẹ vừa ý trong hiện đời, nhưng khi chia tay nhau, âm dương đôi ngả, liệu cha mẹ mình có được thong dong? Sáu cõi mênh mang, đường trần mờ mịt, con hiền cháu thảo và ngay chính đương sự đều hằng mong sinh về cõi lành nhưng không phải muốn là được. Ngay đây, Đức Phật khéo nhắc rằng sự báo hiếu thực sự đầy đủ khi nào các bậc cha mẹ được thành tựu “Nay vui, đời sau vui”.

Vì thế, ngoài cúng dường vật chất và tình cảm thì con cháu cần cúng dường Pháp (Dhamma) cho cha mẹ. Lúc về già, cha mẹ nhờ con cái chăm sóc nhưng khi từ bỏ tất cả để ra đi, các bậc cha mẹ phải nương nhờ Pháp. Nghiệp sẽ dẫn dắt chúng ta, người thân không giúp được. Có đình đám cầu cúng to lớn đến mấy cũng trợ thêm phước duyên mà thôi, không quyết định được việc sẽ về đâu. Nghiệp dẫn ta đi nên cần tìm cách chuyển nghiệp. “Này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào thiện giới; đối với cha mẹ có lòng xan tham, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ cha và mẹ” (Sđd).

Nếu cha mẹ chúng ta đã an trú vào lòng tin Tam bảo, có giới hạnh, biết bố thí, buông bỏ si mê tà kiến thì chắc chắn sẽ sinh về cõi lành, tương lai tốt đẹp. Song hành với phụng dưỡng là trợ duyên cho cha mẹ đi chùa, tu niệm, tạo phước, vun bồi các hạnh lành chính là hiếu đạo trọn vẹn, giúp cha mẹ an vui ở hiện tại và đời sau.

Thờ cúng cha mẹ

Sau khi cha mẹ mất đi, con cháu tỏ lòng thành kính thông qua việc cầu nguyện và thờ cúng. Vẫn biết người mất sẽ theo nghiệp mà tái sinh vào cảnh giới tương ứng nhưng con cháu vẫn có thể hồi hướng phước đức cho họ. Hiếu đạo được thể hiện qua việc lo tang lễ, sau đó là thờ phụng và cúng kính. Việc thờ di ảnh cùng lư hương, bát nước và tổ chức cúng giỗ hàng năm nhằm hồi hướng phước báu cho cha mẹ và giúp con cháu nhớ về cội nguồn, niệm ân sinh thành dưỡng dục, đoàn kết và thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

Cầu siêu cho cha mẹ khi qua đời chính là hiếu sự, cúng dường cha mẹ. Đức Phật dạy: “Này Gia chủ, có năm trường hợp người con phải phụng dưỡng cha mẹ: Được nuôi dưỡng, con sẽ phụng dưỡng cha mẹ; con sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ; con sẽ giữ gìn gia đình và truyền thống; con bảo vệ tài sản thừa tự; con sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”. (Kinh Trường bộ, kinh 31. Giáo thọ Thi-ca-la-việt).

Sau tang lễ, con cháu còn chú trọng và thành tâm thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ cùng những người thân đã mất. Tài sản làm ra, người đệ tử Phật trích một phần để lo việc hiến cúng. “Này Gia chủ, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra, đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp. Với tài sản ấy, vị ấy tổ chức năm loại lễ hiến cúng; hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho các vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên” (Kinh Tăng chi bộ, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức). Rõ ràng, hiến cúng cho các vong linh quá khứ và hiến cúng chư thiên khá tương đồng với phong tục cúng giỗ và cúng thí thực của người Phật tử Việt Nam.

Hạnh hiếu ngang bằng trời

Không quá ngạc nhiên khi Đức Phật ca ngợi tâm hiếu và hạnh hiếu là phẩm tính của chư thiên, chính xác là Phạm Thiên. “Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên” (Kinh Tăng chi bộ, chương Ba pháp, phẩm 4. Sứ giả của trời, phần 31. Ngang bằng với Phạm Thiên). Vì trong loài người mấy ai làm tròn câu hiếu đạo. “Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỳ-kheo: Các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít đất trên đầu móng tay hay là quả đất lớn này? Bạch Thế Tôn, cái nhiều hơn là quả đất này, còn ít hơn là đất trên đầu móng tay. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sinh có hiếu kính với mẹ, với cha và nhiều hơn là các chúng sinh không hiếu kính với mẹ, với cha”. (Kinh Tương ưng bộ, chương 12, phẩm Bánh xe lược thuyết, phần Hiếu kính mẹ-Hiếu kính cha).

Thế nên “Hiếu dưỡng với mẹ cha/Là điềm lành tối thượng” (Kinh Tiểu bộ, kinh Điềm lành). Có hạnh phúc nào bằng khi mỗi ngày được cúng dường cha mẹ. Có xúc cảm nào sâu nặng bằng lúc đốt nén hương lòng tưởng nhớ đến người xưa. Có thể nói, khi tâm hiếu tìm về, lúc tỏ bày hạnh hiếu, dù cha mẹ hiện còn hay đã mất, nỗi lòng con cháu đều mênh mang hạnh phúc. Và đó cũng là kết quả tất nhiên dành cho những người con hiếu thảo: thành tựu phước báo lớn, hiện đời được an lạc, tiếng tốt đồn xa, đời sau sinh cõi trời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Đội lân miễn phí

GNO - Nó nhớ những ngày sống ở Nha Trang. Nhà nó tận sâu trong ngách nhưng Trung thu nào cũng tưng bừng rộn rã. Tiếng cắc tùng tùng len vào những căn nhà ổ chuột, mùi bánh nướng, bánh nếp sực nức được bày bán trên phố xộc vào mũi, nó phải phồng ngực lên mà hít.

Thông tin hàng ngày