Cúng thí cô hồn: Giá trị văn hóa và giá trị thực

NSGN - LTS: Phật giáo sơ kỳ không đặt nặng vào các hình thức cúng tế, lễ nghi mà nhấn mạnh vào việc tu tập, hành trì, hướng đến mục tiêu giác ngộ và giải thoát. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, để hòa nhập vào những nền văn hóa khác nhau, để hướng dẫn nhiều nhóm đối tượng khác nhau, nhiều hình thức lễ nghi đã xuất hiện trong Phật giáo, và một trong số chúng chính là nghi lễ Cúng thí cô hồn.

Cúng thí cô hồn từ lâu đã là một nghi lễ đặc thù của Phật giáo Bắc truyền, được nhiều tôn túc Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng hoằng dương, phiên dịch, chú giải. Gần đây, nội dung về nghi lễ này đã được Hòa thượng Trí Quang giới thiệu, lý giải và đánh giá trong tác phẩm: Để hiểu đàn chẩn tế1.

Cùng quan tâm về lãnh vực này, ĐĐ.Thích Hạnh Chơn đã gửi về Nguyệt san Giác Ngộ bài viết: Cúng thí cô hồn- Giá trị văn hóa và giá trị thực. Trên tinh thần tôn trọng sự sai khác trong quan điểm về nghi lễ, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết vừa nêu, với mong muốn nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ độc giả, để vấn đề được sáng tỏ hơn. NSGN.

 --------------------

Đã từ lâu nghi thức “cúng thí cô hồn” hay còn gọi là “chẩn tế cô hồn” đã trở thành một phần của nghi lễ và văn hóa Phật giáo. Sự tồn tại lâu dài của nghi thức này cho thấy nó có một giá trị văn hóa nhất định trong đời sống của người Phật tử Bắc tông Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt tu tập và truyền bá Chánh pháp, liệu nó có đúng với giáo lý Đức Phật và có đem lại giá trị thiết thực về đời sống tâm linh cho những người thực hiện và tham gia thực hiện nghi thức ấy không?

Để trả lời câu hỏi đó, cần thiết phải nhìn nhận, thảo luận và đánh giá toàn diện giá trị thiết thực của quá trình thực hiện nghi thức ấy. Đây là vấn đề tế nhị và dễ va chạm vào “tín ngưỡng” đã tồn tại bấy lâu ở Việt Nam nói riêng và các nước Phật giáo Bắc tông nói chung. Ở đây, mục đích bài viết chỉ nhằm làm rõ hai giá trị: giá trị văn hóa và giá trị thực qua nghi thức này. Bài viết sẽ căn cứ trên những lời dạy căn bản của Đức Phật để thảo luận vấn đề nêu trên.

cungthithuc1.jpg


Nghi thức cúng thí

Khái niệm “cúng thí cô hồn” và xuất xứ nghi thức

Từ “chẩn tế” có nghĩa là đem tiền của ra cứu tế hay giúp đỡ người đang cần. Nó cũng được giải thích là phát chẩn (gồm thức ăn, vật thực) giúp người đói. Từ “cô hồn” được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Theo Tự điển Hán Việt thì cô hồn có nghĩa là hồn ma cô độc. Theo bản kinh Phật thuyết Đà-la-ni cứu bạt ngạ quỷ diệm khẩu thì cô hồn tức là loài quỷ đói.

Theo quan niệm nhân gian thì cô hồn là những người bị chết “bất đắc kỳ tử” (tức là chết bất ngờ như tai nạn, chết trẻ…), chưa tái sinh và không có người cúng thức ăn cho. Như vậy, “chẩn tế cô hồn” nghĩa là phát thức ăn cho ngạ quỷ hay cô hồn. Vì có thực hiện nghi thức tán tụng, trì chú để bố thí thực phẩm cho cô hồn, nên bài viết sử dụng cụm từ “cúng thí cô hồn.”

“Cúng thí cô hồn” có xuất xứ từ bản kinh Phật thuyết Đà-la-ni cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ thuộc Đại tạng kinh, bộ Mật giáo, số 1.313. Theo kinh này, ngài A-nan-đà khi ngồi một mình nơi vắng vẻ trong đêm thấy một quỷ đói tên là Diệm Khẩu. Quỷ này hình thù gớm ghiếc, thân thể khô gầy, trong miệng lửa cháy, cổ họng nhỏ như kim, đầu tóc rối bù, móng dài nanh nhọn, rất đáng kinh sợ2. Quỷ Diệm Khẩu đoán biết và nói với ngài A-nan-đà rằng: Ba ngày nữa ngài sẽ chết và đọa làm ngạ quỷ. Ngài A-nan-đà nghe quỷ nói liền hoảng sợ và hỏi lại quỷ phương cách thoát khỏi kiếp nạn. Quỷ bảo ngài A-nan-đà phải bố thí thực phẩm cho vô số ngạ quỷ, các vị tiên và cúng dường Tam bảo. Nhờ phước báu này, các quỷ đói thoát khổ cảnh ngạ quỷ và ngài cũng sẽ thoát nạn. Sau đó ngài A-nan-đà về gặp Đức Phật, kể lại câu chuyện trên và xin Đức Phật chỉ phương cách giải quyết vấn nạn này.

Đức Phật dạy ngài A-nan-đà phương thức giải quyết vấn nạn bằng cách nói một số thần chú (đà-la-ni) và danh hiệu các Đức Phật3 và bảo rằng nếu ai trì tụng các thần chú và niệm danh hiệu các Đức Phật này thì có thể biến thức ăn nhiều đủ để cung cấp cho vô số quỷ đói. Đức Phật còn lấy dẫn chứng là đời trước Phật đã từng làm rồi và khuyên Ngài A-nan-đà thực hành theo sẽ được kết quả thù thắng như: phước đức viên mãn, sắc tướng hoàn hảo, ăn uống no đủ, sanh lên cõi trời, thọ mạng lâu dài…. Nói chung, bài kinh trình bày rất nhiều kết quả thù thắng nếu trì các thần chú và niệm danh hiệu các Đức Phật.

Mặc dù cho rằng Đức Phật dạy cách bố thí cô hồn (ngạ quỷ) cho ngài A-nan-đà nhưng chỉ có Phật giáo Đại thừa đề cập và thực hành nghi thức cúng thí. Hơn nữa, tín ngưỡng “cúng thí cô hồn” cũng chỉ được ghi nhận xuất phát ở Trung Quốc vào đời Đường (thế kỷ thứ VIII).

Ngài Bất Không Kim Cương đã soạn dịch các bản kinh Mật giáo4 làm nền tảng cho nghi thức cúng thí cô hồn sau này. Theo yêu cầu của triều đình, ngài Bất Không đứng ra tổ chức các trai đàn cầu siêu. Mục đích là nhằm siêu độ cho những chiến sĩ và thường dân đã chết trong cuộc chiến tranh lúc bấy giờ. Sang đời Tống, ngài Bất Động dựa vào các kinh văn trên và tham cứu thêm các kinh điển Mật tông khác soạn ra nghi thức cúng cô hồn gồm nghi Du già diệm khẩuMông Sơn thí thực. Nghi Mông Sơn thí thực còn được gọi là tiểu thí thực. Vì ở Mông Sơn (tỉnh Tứ Xuyên) nên ngài Bất Động lấy tên địa danh và pháp thí đặt thành tên nghi thức5. Nghi thức này được chỉnh sửa nhiều lần vào các triều đại sau đó.

Ở Việt Nam từ thời đại nhà Lý, các sách ghi chép rằng tín ngưỡng này đã được thực hành và được tiếp tục duy trì cho đến ngày nay6. Căn cứ vào các tài liệu hiện có vừa nêu thì cho đến thế kỷ thứ VIII, tức hơn 13 thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, thì nghi thức cúng thí cô hồn mới được thực hiện ở Trung Quốc và đến thế kỷ XI nghi thức này mới được thực hiện ở Việt Nam. Trong khi đó, Phật giáo được cho là truyền vào Việt Nam chậm nhất là thế kỷ thứ II và Thiền học cũng được truyền dạy tại Việt Nam chậm nhất vào thế kỷ thứ III với sự đóng góp to lớn của Thiền sư Khương Tăng Hội. Như vậy, Phật giáo Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Phật giáo Trung Quốc khá sâu rộng ngay cả thời kỳ Phật giáo được gọi là hưng thịnh nhất (thời Lý và Trần). 

Về giá trị văn hóa

Có thể nói rằng nghi thức “cúng thí cô hồn” có giá trị văn hóa nhất định trong đời sống của người Phật tử Việt Nam theo truyền thống Bắc tông.

Về mặt tín ngưỡng, nghi thức ấy đáp ứng nhu cầu “cúng tế, cầu nguyện” của một số tín đồ Phật giáo và những người chưa là tín đồ nhưng có niềm tin đạo Phật. Đầu tiên, các vua chúa lập đàn cúng thí để cầu nguyện cho các chiến sĩ, đồng bào chết vì chiến tranh, tai nạn. Đồng thời, đây cũng là một trong những cách thức nhằm để cầu nguyện cho ngôi vị được lâu dài, cầu cho quốc thái dân an. Về sau, những người có điều kiện trong xã hội cũng bắt chước làm theo nhằm cầu nguyện cho gia đình bình yên hạnh phúc, không bị cô hồn quấy phá (theo niềm tin). Còn các chùa thực hiện nghi thức “cúng thí cô hồn” vào những dịp lễ lớn của Phật giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử.

Về mặt văn hóa, nó thể hiện một nét đẹp về cách thức “bày biện” đàn tràng và đóng góp vào nền âm nhạc tôn giáo các cung bậc âm điệu thanh thoát thức tỉnh lòng người. Cách thức thiết trí đàn tràng tạo không gian nơi thực hiện nghi thức cúng thí được trang nghiêm hơn và thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng Phật giáo. Các điệu tán tụng và âm thanh nhạc cụ hòa nhau trong lúc thực hiện nghi lễ tạo thành âm nhạc đặc trưng của Phật giáo. Tùy theo vùng miền khác nhau, các âm điệu tán tụng cũng có phần khác nhưng nó vẫn giữ được chất tôn giáo của nó. Do đó, âm nhạc Phật giáo không bị lẫn lộn và không thể dùng để tiêu khiển như các loại âm nhạc thế tục.

cungthithuc2.jpg


Lễ phẩm thí thực

Về mặt đạo đức xã hội, “cúng thí cô hồn” là cơ hội tốt cho tất cả những người tham dự “pháp hội” phát tâm bố thí, hướng thiện và thể hiện lòng từ bi với người đã chết và cả với người còn sống. Đối với người chết, những người thực hiện và tham dự cúng thí thể hiện tâm từ bằng cách hướng tâm đến ngạ quỷ và mong muốn chúng no đủ, siêu thoát. Đối với người sống, nghi lễ cúng thí như là phương pháp trị liệu tạm thời nhằm xoa dịu nỗi đau của những người có người thân vừa mới chết hay chết ‘bất thường.’ Nghi lễ cúng thí như là một cách thể hiện tình người, giữa người sống và người chết trong cộng đồng Phật tử.

Thông qua việc thực hiện nghi thức cúng thí, Chánh pháp có được truyền bá đến quần chúng không? Người tham dự và ngạ quỷ có thể hiểu Chánh pháp để tu tập chuyển hóa không? Phần tiếp theo sẽ thảo luận.

Về giá trị thực

Khi đọc nội dung bản kinh nói về xuất xứ việc bố thí ngạ quỷ, người có hiểu biết về Phật pháp sẽ không khỏi có những thắc mắc về giá trị thực của bản kinh. Thứ nhất, nội dung bản kinh được cho là Đức Phật thuyết nhưng trong tạng Pali không tìm thấy kinh nào có nội dung tương đương, mặc dù vấn đề ngạ quỷ vẫn có đề cập. Do đó, độ xác tín của bản kinh cần phải xem lại.

Thứ hai, Ngài A-nan-đà trong khi ngồi thiền gặp quỷ Diệm Khẩu hình hài xấu xí như mô tả ở trên. Nếu đây là cách mô tả thực thì khó lòng thuyết phục các học giả vì chỉ có kinh Đại thừa mới đề cập ngạ quỷ có thân thể vật chất như con người và động vật. Ngạ quỷ không có thân vật chất thì làm sao có tướng như mô tả ở trên? Còn nếu cách mô tả trên mang tính biểu tượng để chỉ cho tâm tham lam, bỏn xẻn của loài ngạ quỷ thì có thể chấp nhận được. Vì rằng, xét về tâm thì tất cả chúng sanh thỉnh thoảng phát khởi những tâm tham, sân như thế khi đủ các duyên điều kiện.

Thứ ba, quỷ biết và báo cho A-nan-đà thời gian ngài sẽ chết và đọa làm ngạ quỷ, đồng thời chỉ cách cho ngài thoát nạn. Chi tiết này rất khó chấp nhận. Người Phật tử ai cũng biết rằng ngài A-nan-đà là thị giả của Đức Phật. Khó có thể tin rằng Đấng Thế Tôn không biết gì về nghiệp duyên của người đệ tử thân cận của mình huống chi là chuyện sắp đọa lạc ngạ quỷ. Hơn nữa, theo giáo lý nhân quả được Đức Phật giảng dạy trong rất nhiều bài kinh thì người đọa vào ngạ quỷ là do làm mười điều ác (xem bài kinh ở dưới). Khó có thể tin rằng A-nan-đà làm mười điều ác trong khi ngài là một vị Tỳ-kheo và là thị giả luôn theo chăm sóc Đức Phật. Giả thuyết này phi nhân quả theo lời dạy chính thống của Đức Phật.

Thứ tư, Đức Phật chấp nhận những lời quỷ nói là đúng nên chỉ dạy A-nan-đà phương pháp thoát nạn bằng cách đọc các câu thần chú và danh hiệu các Đức Phật ‘huyền thoại.’ Nội dung này cũng khó có thể chấp nhận vì Đức Phật là thầy của trời người nên không thể nào Đức Phật làm theo lời quỷ dạy. Không có bản kinh nào ghi chép khi Đức Phật còn tại thế, Ngài và Tăng đoàn trì tụng thần chú hay cúng dường bất cứ Đức Phật nào khác.

Thứ năm, cho rằng nhờ trì chú và niệm danh hiệu các Đức Phật để bố thí thức ăn cho ngạ quỷ thì ngạ quỷ được bố thí cũng như người bố thí sẽ được phước báu thù thắng, sanh lên cõi trời cũng là trái với nhân quả như đã nói. Hơn nữa, cho rằng Đức Phật đã từng làm việc này trong kiếp quá khứ của Ngài và khuyến khích đệ tử thực hành việc trì chú là không thỏa đáng vì không có bản kinh nào trong tạng Pali ghi chép vấn đề này. Vô hình trung, nó mâu thuẫn với lời dạy của Đức Phật về việc khuyến khích Phật tử tại gia giữ năm giới và làm mười điều thiện - nhân của hạnh phúc ở cõi trời và người. Do vậy, bản kinh trên có giá trị ‘tín ngưỡng’ hơn là giá trị thực.

Một vấn đề lớn khác là người đã chết có nhận được sự cúng dường của người đang sống hay không? Vấn đề này được đề cập trong kinh Tăng chi, chương Mười pháp, III, 177, phẩm Jànussoni qua câu chuyện được cho là cuộc đối thoại giữa Đức Phật và Bà-la-môn Jànussoni.

Câu chuyện kể rằng: Vị Bà-la-môn Jànussoni hỏi Đức Phật rằng ông và các bạn đồng tu của ông thường làm lễ cúng cho những người chết nhưng không biết việc làm ấy lợi ích như thế nào và người chết có thọ hưởng được không? Đức Phật đáp rằng việc cúng dường có lợi ích nếu người chết đó có “tương xứng xứ.” Cụm từ này nghĩa là người ấy sau khi chết nếu tái sanh ở cảnh giới tương xứng thì có thể thọ nhận được sự cúng dường. Đức Phật giải thích là nếu người nào khi sống làm mười điều ác (sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời vô ích, có tham ái, có sân, có tà kiến) thì khi chết đọa vào cảnh giới địa ngục.

Đối với chúng sanh ở địa ngục, thức ăn do con người cúng là không tương xứng nên không hưởng được.

Tượng tự, những người làm mười điều ác sau khi chết đọa vào loài súc sanh thì cũng không nhận được sự cúng dường. Những người làm thiện sau khi chết tái sanh làm người hay chư thiên cũng không nhận được sự cúng dường. Duy chỉ có những người nào do làm mười điều ác sau khi chết tái sanh cảnh ngạ quỷ mới có thể nhận được sự cúng dường của người sống. Như vậy, theo kinh này thì chỉ có ngạ quỷ mới có thể nhận được phẩm vật cúng dường của người sống.

Nếu căn cứ vào nội dung bài kinh vừa nêu, ngạ quỷ hay cô hồn có thể nhận được phẩm vật cúng thí. Rất tiếc, vấn đề ngạ quỷ nhận phẩm vật bố thí như thế nào bài kinh không miêu tả. Có người cho rằng ngạ quỷ thọ hưởng mùi hương của thực phẩm nhưng thọ bằng giác quan nào thì cũng không thấy miêu tả. Do đó, giả thuyết ngạ quỷ hay cô hồn nhận được vật thí qua thái độ của tâm thức là có thể chấp nhận nhất. Nghĩa là họ liên tưởng rằng họ được người khác quan tâm, chăm sóc và do đó tâm họ cảm thấy được an ủi, thỏa mãn. Nếu cho giả thuyết này đúng thì lợi ích chỉ là thỏa mãn tâm một lần như người đang đói được một bữa no nê.

Theo niềm tin, việc thực hiện trai đàn chẩn tế (với nghi thức trì chú, thỉnh mời cô hồn) sẽ giúp cô hồn hưởng được phẩm vật và siêu thoát. Điều này cũng chỉ mang giá trị tín ngưỡng vì nó không dựa trên nhân quả. Theo giáo lý nhân quả, việc ngạ quỷ thoát khổ và tái sanh cõi trời người không thể do người khác làm thay mà phải do chính bản thân ngạ quỷ chuyển hóa. Khi ngạ quỷ nhận ra những nguyên nhân đưa đến đọa lạc bao gồm tham, sân, si thì chính bản thân họ phải tu tập chuyển hóa tâm. Nhờ đó, họ mới thoát khổ. Cũng như người còn sống muốn thoát khổ cũng phải thực tập chuyển hóa tam độc. Không có Đức Phật nào hay sự mầu nhiệm nào có thể làm thay đổi khổ đau của con người nếu chính người ấy không thực tập chuyển hóa.

cungthithuc4.jpg

Lịch sử Phật giáo cho thấy rằng Đức Phật và Tăng đoàn thời Đức Phật cũng như Tăng đoàn Phật giáo nguyên thủy chưa từng thực hành nghi thức cúng thí này. Dù vậy, theo Ngạ quỷ sự thuộc Tiểu bộ kinh7, Phật và Tăng đoàn không cúng thí cô hồn nhưng Đức Phật và Thánh Tăng giúp rất nhiều ngạ quỷ thoát khỏi cảnh khổ và tái sanh cõi lành8. Ngạ quỷ thoát khổ là do được chỉ dạy và được tu tập chứ không phải do năng lực thần chú.

Người học Phật đều biết rằng mục đích của đạo Phật là hướng dẫn chúng sanh (bao gồm ngạ quỷ) tu tập để thoát khỏi cảnh khổ, chứng đắc Niết-bàn. Giá trị thực của đạo Phật là con đường chuyển hóa tâm. Khi thực hiện cúng thí cô hồn, những người thực hiện thường tin là nhờ thần lực của chư Phật và sự mầu nhiệm của thần chú mà ngạ quỷ được no đủ và tái sanh cõi lành. Ngoài niềm tin, không ai dám khẳng định có thể làm cho ngạ quỷ hiểu Chánh pháp để tu tập chuyển hóa.

Đối với người sống, ngoài việc cầu nguyện cho bản thân, gia đình, xã hội, quốc gia được bình yên hạnh phúc, hiếm ai hiểu và thực hành Chánh pháp đúng tinh thần Phật dạy; ngoại trừ những ai nghiên cứu và thực hành Phật giáo. Do đó, việc “cúng thí cô hồn” đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng hơn là sự tu tập chuyển hóa.

Kết luận

Từ khi Phật giáo tín ngưỡng phát triển thì vấn đề cúng kiếng cầu nguyện trở nên phổ biến rộng rãi. Đối với quần chúng thì việc cầu nguyện trở thành nhu cầu không thể thiếu. Đáp ứng nhu cầu đó nên nhiều nghi thức cúng bái được biên soạn, trong đó, nghi thức chẩn tế cô hồn là phổ biến nhất.

Con người có đời sống tình cảm nên cần sự an ủi, cầu nguyện. Nghi lễ Phật giáo phần nào đáp ứng nhu cầu ấy. Tuy nhiên, việc quan trọng của đạo Phật vẫn phải là làm sao cho mỗi người hiểu được Chánh pháp để hành trì chuyển hóa bản thân, đạt được hạnh phúc. Cầu nguyện cho người sống hay người chết là phương tiện chứ không phải là mục đích của đạo Phật.

Theo niềm tin, Đức Phật và Thánh chúng giúp cho ngạ quỷ thoát khổ bằng cách truyền thông với chúng và hướng chúng về nẻo thiện nhờ vào công đức tu tập của các bậc Thánh. Ngày nay, việc truyền thông và cứu giúp ngạ quỷ dựa vào thần lực của chư Phật và sự mầu nhiệm của thần chú. Nhiều người tin rằng đàn tràng được tổ chức càng lớn, tán tụng càng lâu thì hiệu quả càng cao.

Tóm lại, nghi thức ‘cúng thí cô hồn’ được thực hiện với niềm tin sẽ đạt các mục đích cơ bản sau: Thứ nhất là để bố thí cho quỷ đói no đủ. Thứ hai là để cầu bình an cho gia chủ. Thứ ba là cầu ngạ quỷ siêu thoát để khỏi quậy phá và thường ủng hộ gia chủ. Tất cả đều phản ảnh giá trị tín ngưỡng hơn là giá trị thực.

 Thích Hạnh Chơn

____________________

(1) Để hiểu đàn chẩn tế, Tỷ-kheo Trí Quang soạn tập, NXB.TP. Hồ Chí Minh, 2013.

(2) Sự miêu tả hình dáng quỷ đói như trên mang tính biểu tượng, siêu hình, trừu tượng và thậm chí tưởng tượng hơn là hiện thực vì chưa ai từng thấy quỷ đói và cũng không ai dám chắc quỷ đói có thân hình hay không? Quỷ có tên gọi có lẽ do tác giả đặt chăng?

(3) Các Đức Phật: Đa Bảo Như Lai, Diệu Sắc Thân Như Lai, Quảng Bác Thân Như Lai, Ly Bố Úy Như Lai.

(4) Kinh Phật thuyết cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ đà-la-ni (ĐTK số 1.313), Thí chư ngạ quỷ ẩm thực cập thủy pháp (ĐTK số 1.315), kinh Du già tập yếu cứu A-nan đà-la-ni khẩu quỹ nghi (ĐTK số 1.318), Du già tập yếu diễm khẩu thí thực khởi giáo A-nan-đà duyên do (ĐTK số 1.319).

(5) Theo Từ điển Phật Quang; HT.Bích Liên, Mông Sơn thí thực khoa nghi, Hà Nội: NXB.Tôn Giáo, 2010, tr.5

(6) Đời vua Lý Thánh Tông, Thiền sư Huệ Sinh (? - 1064) soạn tác phẩm Pháp sự trai nghi được cho là dùng trong các trai đàn cúng cô hồn.

(7) Ngạ quỷ sự kể chuyện về ngạ quỷ mang tính tín ngưỡng hơn là chân lý Phật giáo.

(8) Xem Ngạ quỷ s, tập 2, Tiểu b kinh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày