Cúng thôi nôi

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Vợ chồng tôi có sinh đôi hai bé trai cũng sắp đến ngày thôi nôi. Xin hỏi, khi cúng thôi nôi cho hai bé song sinh thì lễ vật gồm những gì và có cần phải sắm lễ gấp đôi như khi cúng cho một bé không? Theo tôi thì việc cúng kính miễn sao lễ vật đầy đủ và bằng tất cả sự thành tâm để cảm tạ tổ tiên, trời đất và 12 bà mụ là được. Nhưng quan niệm của những người lớn tuổi trong gia đình và dòng tộc thì nhất định phải sắm gấp đôi lễ vật mới đủ lễ và an tâm. Hiện tôi không biết giải thích thế nào cho họ hiểu nên mong được quý Báo sẻ chia.

(ĐỨC PHAN, phanduc...@gmail.com)

Bạn Đức Phan thân mến,

Cúng thôi nôi (cúng 12 bà mụ) là tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời, mang dấu ấn văn hóa tâm linh của người Việt và một số nước khu vực Á Đông. Người xưa quan niệm, khi người mẹ mang thai có 12 vị nữ thần (bà mụ) tham gia vào việc tạo nặn hình hài thai nhi để tạo nên hình dạng con gái, con trai, xấu, đẹp, cao, thấp v.v… Sau khi bé được sinh ra, các bà mụ còn dạy cho bé tập nói, tập cười. Vì thế người xưa thường lý giải cho việc con cháu sinh ra có ngoại hình này kia là do “bà nặn”.

Khi bé tròn một tuổi, gia đình thường tổ chức cúng 12 bà mụ, trước là để báo cáo cho tổ tiên về thành viên mới, sau là tạ ơn sự chăm sóc của 12 bà mụ đối với các bé. Đồng thời thông qua lễ cúng này, cha mẹ còn gửi gắm niềm hy vọng, mong cầu tương lai tốt đẹp cho các bé.

Về lễ vật cúng 12 bà mụ, căn bản như sau: 12 chén chè, 12 dĩa xôi, 12 dĩa trầu cau, bình hoa, dĩa quả, bánh, trà, rượu, nhang, đèn. Một số vùng miền lễ vật còn có thêm đồ thế giải hạn (cầu cho bé bình an), gà luộc chéo cánh, heo quay (cúng Đức Ông), đồ giấy hài xanh và vàng thỏi (cầu cho bé có công danh, tài lộc). Dịp này gia đình cũng sắm hoa, trái, nhang, đèn, chè, xôi… dâng cúng tổ tiên.

Theo quan niệm dân gian, lễ vật dâng cúng 12 bà mụ nếu song sinh thì phải gấp đôi mới đầy đủ. Nếu được thì bày hai bàn cạnh nhau, mỗi bàn cúng 12 chén chè, 12 dĩa xôi, 12 dĩa trầu cau, bình hoa, dĩa quả, bánh, trà, rượu, nhang, đèn. Nếu cúng một một bàn thì xếp chung lễ vật (24 chén chè, 24 dĩa xôi, 24 dĩa trầu cau, bình hoa, dĩa quả, bánh, trà, rượu, nhang, đèn đều gấp đôi) sao cho đẹp đẽ và tôn nghiêm. Người Việt quan niệm cúng kính nói chung là lễ bạc lòng thành. Quan trọng là thành tâm, còn lễ phẩm thì căn bản là được.

Về tập tục là vậy, còn bản chất của vấn đề thì như mọi người đã biết, khoa học đã chứng minh, việc 12 bà mụ “nặn” nên hình hài của bé chỉ là tín ngưỡng dân gian. Tuy vậy, khi con chưa được sinh ra, không ai dám chắc tròn vuông đủ thiếu thế nào nên tất cả đều nhờ nương vào sự quan tâm của 12 bà mụ. Đạo Phật thì không có tín niệm về 12 bà mụ, mỗi người sinh ra mang một hình hài và tính cách khác nhau, đó là sự kế thừa của nghiệp nhân chính họ trong quá khứ. Đẹp xấu thiếu dư hay dở lúc sơ sinh đều do biệt nghiệp của bé quyết định và gia đình phải cộng nghiệp theo.

Khi đã biết rõ về bản chất của việc cúng 12 bà mụ rồi thì việc cúng hay không, cúng nhiều hay ít, cúng đủ hay thiếu đều không mấy quan trọng. Quan trọng nhất là sự an tâm và vui vẻ của cả gia đình. Hiện những người lớn tuổi trong gia đình muốn sắm lễ gấp đôi để tạ ơn 12 bà mụ đã chăm nom hai bé thì bạn nên làm theo cho họ an tâm. Tâm an thì vạn sự an, nhờ đó mà gia đạo của bạn được an khang, thịnh vượng.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khái quát về Mandala

Khái quát về Mandala

GNO - Mandala là tiếng Phạn, Hán ngữ phiên âm là Mạn đồ la, Mạn đà la, Mạn tra la và Hán ngữ dịch nghĩa là Đàn, Đàn tràng, Đạo tràng, Luân viên cụ túc, Tụ tập v.v…

Thông tin hàng ngày