Đặc sắc cho chữ ngày xuân giữa Thủ đô

GNO - Với cách bày trí không gian đậm nét truyền thống, Hội chữ Xuân Kỷ Hợi với “Phố ông Đồ” là một trong những hoạt động cộng đồng Tết cổ truyền tại Thủ đô.

Hội chữ diễn ra tại hồ Văn phía trước cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ cuối tháng Chạp đến giữa tháng Giêng âm lịch.

IMG_0130a.jpg

Sắc màu xuân trước Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Phố ông Đồ tái hiện lại quang cảnh Tết xưa cũ ở Hà Nội những năm cách đây trên dưới một thế kỷ về trước, như trong bài thơ nổi tiếng của cố thi nhân Vũ Đình Liên được sáng tác năm 1936 đăng trên tạp chí “Tinh hoa”, với những câu:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…”

 Và

“…Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
 Hoa tay thảo những nét
 Như phượng múa rồng bay”.

IMG_0255a.jpg
Hình ảnh đi sâu vào ký ức

Nhưng từ thời của Vũ Đình Liên, cách đây ngót 80 năm, nền Hán học đã mất dần vị thế do sự xâm nhập của nền văn hóa phương Tây. Vì vậy, hình ảnh những ông Đồ viết chữ bên hè phố đã đi vào sâu trong ký ức lịch sử đất kinh kỳ và cho đến vài năm trở lại đây, mới được tái hiện trở lại nhờ hoạt động “Hội chữ Xuân”.

Tại Hội chữ Xuân Kỷ Hợi, cùng với 60 gian lều và 60 ông đồ cho chữ, còn có khu vực tái hiện trường thi của các sĩ tử ngày xưa bao gồm nhà thập đạo, chòi canh hay lều chõng.

IMG_0213a.jpg

Một "Bà Đồ" tại Phố Ông Đồ xuân Kỷ Hợi, Hà Nội

Trước đó, từ tháng 12-2018, Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức các kỳ khảo tuyển chặt chẽ với 2 vòng thi để tuyển chọn những “ông Đồ” có trình độ, chuyên môn về thư pháp, bảo đảm các ông “Đồ cho” chữ không còn tình trạng viết sai, viết nhầm như ở các năm trước.

Quá trình khảo tuyển bao gồm 2 phần. Phần 1 là văn phạm, dành cho thư pháp Hán - Nôm với nội dung kiểm tra kiến thức chữ nghĩa Hán - Nôm cơ bản; đối với thư pháp Quốc ngữ, người dự tuyển phải giải nghĩa một đoạn văn bia Tiến sĩ theo chủ đề “Văn hiến”.

Phần thứ 2 là thực hành, Ban khảo tuyển đã tiến hành kiểm tra trình độ thư pháp của các “ông đồ”. Trong đó, xét hạch tính liên kết và lô-gic của nội dung, hình thức tác phẩm, kỹ năng viết, bố cục, đường nét, ấn chương… tạo nên một tác phẩm thư pháp với chính thể về hình thức và nội dung.

IMG_0176a.jpg

Các "Ông Đồ" có mặt ở Phố Ông Đồ năm nay phải qua kỳ khảo tuyển để tránh viết chữ sai

Hội chữ Xuân không chỉ có ý nghĩa phản ánh giá trị “Tôn trọng Hiền tài” của dân tộc mà còn có ý nghĩa khích lệ các thế hệ trẻ không ngừng nỗ lực học tập vươn lên, kế thừa truyền thống của cha ông và từng bước góp phần nâng cao trình độ của người viết thư pháp cũng như trình độ thẩm mỹ, hiểu biết của nghệ thuật công chúng Thủ đô.

Ngoài các hoạt động viết thư pháp, cho chữ, khách tham quan đến với hội chữ còn có cơ hội tìm hiểu những nét truyền thống của các làng nghề như làng làm giấy dó, tranh dân gian, gốm sứ, mây tre đan, cói, thêu dệt, cùng không gian ẩm thực dân gian truyền thống của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày