Đại bản doanh Bồ Đề

Tương truyền, ngay cạnh một bến bên bờ Tả sông Hồng có hai cây bồ đề lớn, cao tới mấy chục mét, bóng tỏa rợp cả bên này. Vì thế, từ thời Lý, Bồ Đề đã trở thành tên gọi chính thức của bến sông.

Đại bản doanh Bồ Đề ảnh 1

Hình ảnh vua Lê Thái Tổ trả lại gươm thần được tái hiện trên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Nhật Nam

Còn cách bờ Hữu không xa, ngay bên hồ Hoàn Kiếm có tháp Báo Thiên cao ngất nên các thầy phong thủy cho rằng hai cây Bồ Đề và tháp Báo Thiên đối xứng nhau thì dù thăng trầm, Thăng Long ngàn đời vẫn là mảnh đất thiêng.

Qua các triều đại phong kiến và cho đến đầu thế kỷ XIX, đất Bồ Đề được đổi tên thành Lâm Hạ Ái Mộ và Lâm Hạ Phú Hựu, sau đó lại đổi thành Phú Viên, nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên.

Tháng Giêng năm Đinh Mùi (1427), Lê Lợi - Nguyễn Trãi quyết định chuyển đại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn từ Tây Phù Liệt (nay thuộc xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) lên bến Bồ Đề để tiện cho việc chỉ huy chiến dịch vây thành Đông Quan. Lê Lợi cho dựng lầu nhiều tầng và hằng ngày, ông lên tầng cao nhất quan sát địch. Tầng dưới, Nguyễn Trãi soạn thảo thư từ, chiếu biểu cho Lê Lợi để dụ Vương Thông ra hàng. Nhân dân các làng xã xung quanh nghe tiếng nghĩa quân Lam Sơn đã nô nức tòng quân và phục vụ chiến đấu. Có câu đồng  dao:

Nhong nhong ngựa Ông đã về

Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa Ông ăn

Chính tại đại bản doanh Bồ Đề, Nguyễn Trãi đã viết hàng chục bức thư dụ hàng các tướng giặc đang cố thủ ở thành Đông Quan và các thành khác như Diêu Điêu, Cổ Lộng… Quan trọng nhất, khó khăn nhất là dụ hàng Vương Thông. Đó chính là kế sách “mưu phạt tâm công”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn. Những bức thư dụ hàng đầy tính chiến đấu nhưng cũng thấm đậm tinh thần nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, sau này được tập hợp trong sách “Quân trung từ mệnh tập”. Ông còn soạn bài văn cho Hội thề ở phía Nam thành Đông Quan khi giặc Minh do Vương Thông thống lĩnh từ trong thành ra hàng vào ngày 22-11-1427.  

 Lần đầu tiên trong lịch sử, trên mảnh đất Bồ Đề, Nguyễn Trãi là người đầu tiên viết bản giao ước - một loại hiệp ước cho quân địch tự xưng là thiên triều hùng mạnh đã đầu hàng quân dân Đại Việt không điều kiện, hẹn đến tháng Chạp năm Đinh Mùi sẽ rút quân về nước. Cũng tại đại bản doanh này, theo sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, khi Lê Lợi cho mở khoa thi đầu tiên với đề bài “Hiểu dụ thành Đông Quan”. Trong khoa thi, Đào Công Soạn, người xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, đỗ đầu.

Tự hào với truyền thống  anh dũng của quê hương đất nước, nhân dân Bồ Đề còn lưu truyền câu ca:

Giặc sang thì giặc phải về

Giặc đến Bồ Đề thì giặc phải tan

Lễ đăng quang và quốc hiệu Đại Việt

Tháng 3-1428, tại dinh Bồ Đề, Lê Lợi hội họp tướng lĩnh, định công ban thưởng, đồng thời tiến hành tổ chức lại bộ máy nhà nước để vào thành. Rằm tháng Tư năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi và một số quần thần từ doanh trại Bồ Đề dời sang thành Đông Quan làm lễ đăng quang tại điện Kính Thiên, ban “Cáo bình Ngô”, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, lấy lại quốc hiệu Đại Việt, đổi tên thành Đông Quan là Đông Kinh. Ông chia cả nước thành 5 đạo, đứng đầu mỗi đạo là Hành khiển. Ở ngôi chỉ được 6 năm (1428- 1433), nhưng từ nơi “đế đô của muôn đời” mà Lý Công Uẩn đã sáng suốt lựa chọn, Lê Lợi xây dựng nền móng của triều đại mới, mở ra bước phát triển hưng thịnh cho đất nước. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên đã ca ngợi Lê Thái Tổ: “Vua hăng hái dấy nghĩa quân đánh dẹp giặc Minh. Sau 10 năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp”.

Năm 1882, khi thực dân Pháp chiếm được thành Hà Nội, nhiều công trình văn hóa quanh Hồ Gươm bị Pháp phá bỏ như chùa Báo Ân, một phần của đền Bà Kiệu và đình làng Phúc Tô để xây bốt Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm). Cho đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử cũng chưa hiểu vì sao Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải lại hưng công để xây tượng vua Lê bên bờ Hồ Gươm.

Ông Hà Đình Đức, người có nhiều năm nghiên cứu rùa Hồ Gươm đã đề nghị Hà Nội lấy ngày Lê Lợi đăng quang (Rằm tháng Tư) hằng năm làm ngày hội để người dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung tưởng nhớ vua Lê và những bề tôi hiền.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày