GN - Nhà nghiên cứu Phật học thuộc Đại học Stanford, Giáo sư Paul Harrison, đã viết khá nhiều về khởi thủy của Phật giáo trong công trình học thuật mới nhất của ông vừa được xuất bản.
Trong đó, học giả Paul Harrison đã đề cập tương đối chi tiết nguồn gốc ban sơ của Phật giáo và những dấu hiệu cho thấy sự phát triển của Bắc truyền Phật giáo, hệ tư tưởng đang có ảnh hưởng sâu rộng đối với phần lớn các cộng đồng Phật tử đang tu học trên khắp thế giới hiện nay.
Thật khó có cuốn sách nào hướng dẫn đến lối sống tích cực, tự giúp mình an lạc hơn trong thời đại ngày nay mà không đề cập đến lợi ích của thiền tập, lối sống chánh niệm và tỉnh thức - những sinh hoạt thường xuyên và phổ biến trong Phật giáo.
Và đây cũng chính là những phương thức thực tập gắn liền với truyền thống tu tập đã có từ lâu của Phật giáo.
Tuy vậy, theo học giả Paul Harrison, còn hơn những gì mà con người ta hình dung về thiền tập, đây là một truyền thống tu tập tâm linh có lịch sử đa dạng, trải qua hàng thế kỷ chuyển mình và truyền bá đến nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, hiện nay là lối sống hướng thượng của khoảng hơn 500 triệu người trên khắp hành tinh.
Công trình nghiên cứu của học giả Paul Harrison được đặt tên là “Setting out on the great way: Essay on early Mahayana Buddhism”. Trong đó, tác giả đã đưa hệ quy chiếu với cách nhìn mới nhất về quá khứ cũng như hiện tại để bao quát được lịch sử hình thành, phát triển của các truyền thống tu học khác nhau trong Phật giáo, lý giải tại sao tôn giáo này có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều cộng đồng cư dân khắp các châu lục.
Công trình cũng dành nhiều chương mục để nói về Phật giáo hệ Bắc truyền, vốn được phôi thai khoảng 400 năm sau ngày đạo Phật được khai sáng bởi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Theo nhiều học giả, Phật giáo hệ Bắc truyền có một mạng lưới các tư tưởng vị nhân sinh đa dạng, phong phú vốn hình thành trước đó từ Phật giáo nguyên thủy. Tuy vậy, vấn đề làm cho người ta quan tâm nhiều đến Phật giáo hệ Bắc truyền bởi lẽ triết lý này đều tập trung vào lời khuyến khích mang tính cộng đồng để cổ vũ cho hết thảy mọi người dấn thân vào thực tập nhằm tạo dựng con đường giác ngộ, giải thoát.
Bảo Thiên
(theo Stanford News)