Trước khi bắt đầu chương trình buổi sáng, toàn thể đại biểu tụng kinh cầu nguyện hòa bình thế giới theo nghi thức của truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa.
![]() |
Lãnh đạo Phật giáo các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới dự phiên khai mạc Hội thảo quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại TP.HCM |
Trong phiên toàn thể sáng nay, Hội thảo tiếp tục nghe phát biểu và thông điệp của các vị đại diện Chính phủ, chư vị Tăng thống, Tăng vương, Chủ tịch, lãnh đạo các Giáo hội Tăng-già, tổ chức Phật giáo trên thế giới tham dự Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 dưới sự điều hành của Hòa thượng Chao Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tăng-già Phật giáo thế giới, Phó Chủ tịch Liên hữu Phật giáo thế giới.
Đại diện cho Ấn Độ, ông Ramdas Athawale, Bộ trưởng Bộ Công lý Xã hội và Trao quyền đã công bố thông điệp gửi đến Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025. Tiếp theo là các thông điệp từ Hiệp hội Phật giáo Hàn Quốc, Phật giáo các quốc gia Hungary, Áo, Brazil, Na-uy, Indonesia, Nga, Tây Ban Nha,... lần lượt được công bố.
![]() |
Ông Ramdas Athawale, Bộ trưởng Bộ Công lý Xã hội và Trao quyền công bố thông điệp của Nhà nước Ấn Độ gửi đến Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 |
Sau khi kết thúc phiên toàn thể, 5 diễn đàn của Hội thảo quốc tế với hai ban tiếng Anh và tiếng Việt đồng loạt tiến hành thảo luận phiên thứ 1.
Hội thảo quốc tế có 5 diễn đàn tương ứng với 5 chủ đề phụ (1) Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; (2) Chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải; (3) Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; (4) Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai từ bi và bền vững; (5) Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.
![]() |
Diễn đàn 1 với chủ đề “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới” thảo luận dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Dhammaratana, Phó Chủ tịch ICDV |
Tại Diễn đàn 1 với chủ đề “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới”, Hội thảo được nghe 5 tham luận tiếng Anh và 5 tham luận tiếng Việt, trong đó Hòa thượng Tiến sĩ Gallelle Sumanasiri, Tổng Thư ký Hội đồng Chuyên trách về Phát triển và Phật sự Sri Lanka trình bày tham luận chủ đề “Đức tin và lòng từ bi, bình an bên trong và hòa bình bên ngoài”.
![]() |
Hòa thượng Tiến sĩ Gallelle Sumanasiri, Tổng Thư ký Hội đồng Chuyên trách về Phát triển và Phật sự Sri Lanka, diễn giả chính của Diễn đàn 1 chủ đề “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới” |
Theo diễn giả Gallelle Sumanasiri, “Con người là một sinh vật lý trí, để đối mặt với những thách thức của cuộc sống, con người đã sáng tạo ra nhiều dạng thức cộng đồng và tôn giáo là một trong số đó. Đối mặt và vượt qua nỗi khổ niềm đau để đạt được hạnh phúc là một trong những thách thức luôn hiện diện trong đời sống con người. Để giải quyết vấn đề đó, Phật giáo như một hệ thống tư tưởng luôn đặt con người là chủ thể và ý thức được sức mạnh của ý chí và nỗ lực của con người có thể giúp họ vượt qua đau khổ, đạt được hạnh phúc, hòa bình lâu dài mà không cần sự hỗ trợ của các thế lực siêu hình”.
![]() |
Diễn đàn 2 với chủ đề “Chữa lành bằng chánh niệm, con đường hòa giải” |
Tại Diễn đàn 2 với chủ đề “Chữa lành bằng chánh niệm, con đường hòa giải”, Hội thảo được nghe 5 tham luận tiếng Anh và 5 tham luận tiếng Việt, trong đó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hùng Hậu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận chủ đề “Bao dung, tha thứ – nền tảng của hòa bình lâu dài và phát triển bền vững”.
Với chủ đề xoay quanh nội dung tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm, hướng đến hòa giải, diễn giả đã bày tỏ quan niệm, “Trong đời sống, không chỉ bao dung với con người, với giới tự nhiên, mà còn phải bao dung đối với muôn loài, vạn pháp như câu nói đã nhắc đến ở phần đầu của Tuệ Trung Thượng sĩ với quan điểm cho rằng tâm bao dung, bao chứa vạn pháp, muôn loài, tức đạt đến tâm Phật, đạt đến giác ngộ, giải thoát: ‘Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm’”.
![]() |
Tại Diễn đàn 3, Tiến sĩ Efendi Hansen Ng, Phó Chủ tịch Đại học Phật giáo Mahayana Indonesia cho biết "sự tham gia của Phật giáo là biểu hiện của từ bi, sự bình đẳng và trách nhiệm chung với nhân loại" |
Tại Diễn đàn 3 với chủ đề “Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người”, Hội thảo được nghe 5 tham luận tiếng Anh và 5 tham luận tiếng Việt, trong đó Tiến sĩ Efendi Hansen Ng, Phó Chủ tịch Đại học Phật giáo Mahayana Indonesia đã phát biểu ý kiến của mình với tham luận “Đoàn kết và hòa hợp vì phẩm chất đạo đức của con người: góc nhìn Phật giáo về hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.
Theo diễn giả, trách nhiệm chung “khi nhân loại đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu phức tạp - từ môi trường sinh thái bị đe dọa đến chủ nghĩa cực đoan về mặt nhận thức - đối thoại vẫn là một phương thức để vun đắp sự đồng cảm, xây dựng tình đoàn kết và giữ vững sự phát triển trong các nguyên tắc đạo đức chung. Trong tinh thần này, sự tham gia của Phật giáo vào các nỗ lực đoàn kết, hòa hợp không chỉ đơn thuần là sự mở rộng của ngoại giao tôn giáo mà còn là biểu hiện của những lời dạy cốt lõi về lòng từ bi, sự bình đẳng và trách nhiệm chung”.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tổng trình bày tham luận tại Diễn đàn 4 của Hội thảo |
Tại Diễn đàn 4 với chủ đề “Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai từ bi và bền vững”, Hội thảo được nghe 5 tham luận tiếng Anh và 5 tham luận tiếng Việt, trong đó Tiến sĩ Nguyễn Văn Tổng,Trường Đại học Đồng Nai trình bày tham luận: “Tư tưởng ‘từ bi’ và luật ‘nhân quả’ trong định hướng giáo dục, ngăn chặn bạo lực học đường ở Việt Nam thời hội nhập”.
“Tư tưởng, đạo đức Phật giáo dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn đề cao vị trí trung tâm của con người. Song hành với đó là lòng ‘từ bi’, luật ‘nhân duyên’, ‘nghiệp báo’, ‘luân hồi’ luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong suốt cả chiều dài lịch sử cùng bao nỗi thăng trầm, suy thịnh. Và trong thời đại hôm nay, Phật giáo vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong định hướng giáo dục đạo đức, lối sống con người Việt Nam.”, diễn giả bày tỏ quan điểm của mình.
![]() |
Hòa thượng Tiến sĩ Jinwol Lee, Thành viên ICDV bày tỏ quan điểm "xây dựng một nền văn hóa hòa bình, lòng từ bi và chữa lành bao gồm việc nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng tốt trong các tương tác của chúng ta với người khác" tại Diễn đàn 5 của Hội thảo |
Tại Diễn đàn 5 với chủ đề “Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu”, Hội thảo được nghe 5 tham luận tiếng Anh và 5 tham luận tiếng Việt, trong đó Hòa thượng Tiến sĩ Jinwol Lee, Thành viên ICDV, Canada trình bày tham luận “Phật đạo cho sự thúc đẩy đoàn kết và hòa hợp cho thế giới: Tham gia phong trào Liên tôn toàn cầu như Uri để kiến tạo nền văn hóa hòa bình, công lý và hàn gắn cho trái đất và muôn loài”.
Trên nền tảng những giá trị Phật pháp, qua bài tham luận diễn giả đã nêu lên lập luận, “xây dựng một nền văn hóa hòa bình, lòng từ bi và chữa lành bao gồm việc nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng tốt trong các tương tác của chúng ta với người khác. Điều này không chỉ đòi hỏi những nỗ lực của cá nhân mà còn đòi hỏi những thay đổi mang tính hệ thống để tạo ra những xã hội công bằng và hòa nhập hơn. Bằng cách thúc đẩy các chính sách và hoạt động ưu tiên phúc lợi của tất cả mọi người, chúng ta có thể tạo ra một thế giới mà lòng từ bi là trọng tâm của những nỗ lực chung”.
Hơn 4 giờ làm việc nghiêm túc và khoa học, phiên thứ 1 của Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại TP.HCM kết thúc với sự đúc kết nhiều giá trị tri thức.
Sau giờ nghỉ trưa, Hội thảo sẽ tiếp tục làm việc 2 phiên còn lại vào 13 giờ chiều nay.
Một số hình ảnh ghi nhận:
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |