GN - Hai năm, ba năm, mười năm… thời gian cứ đến rồi đi, đất trời vẫn lặp lại sáng chiều, cũng cảnh đó người đây. Nhưng không phải vậy. Hình tướng vạn vật đổi thay ít nhiều như tóc đã bạc thêm, cỏ cây càng già úa tàn phai, người cũng thay dạng đổi hình. Cũng như xuân kia xuân này có gì đâu mà so sánh. Khi ta vui cảnh vật cũng quây quần nô đùa ấm áp, khi ta ảo não thì có ngậm đường vào miệng vẫn thấy đắng ngắt đến buồn phiền. Tất cả từ trong lòng cảm nhận mà ra, là thấy được từ nỗi sâu xa thầm kín khác nhau theo cường độ nhịp đập cuộc sống riêng của mỗi người.
Cây xà cừ trước sân nhà trước đây mẹ thường ngồi trông nghe đàn chim sẻ núi bay về ríu rít mỗi chiều, chúng bỏ đi khi có kẻ rình bắn, nay đã trở về. Chúng hót chuyền từ cành nọ sang cành kia gọi nhau sum vầy thăm hỏi sớt chia miếng ăn cho đàn con nhỏ để đêm về ngon giấc yên lành. Chúng chẳng quen xuân, chỉ biết có bốn mùa mọc chồi thay lá cũng vẫn là nơi tụ hội. Chúng cũng chẳng lo gì chuyện sống chết theo luật thừa trừ, mọi chuyện thị phi cũng để cho tàn rụng dưới cội cây già biến thành tro gởi cùng mây gió cũng như muôn ngàn xuân đã qua thôi. Nuối nhớ làm gì, ví như Vương Duy suy tư một cách đến độ dửng dưng “tiếc chi cánh hoa bay” (Bất dụng tích hoa phi - Tống xuân từ) dù hoa ấy có đẹp biết chừng nào!
Mẹ mỉm cười sướng vui khi thấy mấy đứa con còn lại trở về thăm quây quần bên mẹ. Câu chuyện thiếu thời kể hoài nhau nghe không hết “ngày xửa ngày xưa”. Ngày xuân ở lại trên từng làn hương thơm bàn thờ Phật, tổ tiên. Tiếng pháo giao thừa nhường lại cho từng làn xe hú rít trên đường vắng, tiếng tí tách nổ lửa nồi bánh chưng bốc nồng mùi lá chuối.
Đời rất thực. Thực hiện tại. Đố mấy ai tìm được thuở ông sơ của mình với giấy trắng mực đen, với văn từ tranh họa? Thì cũng như xuân, chỉ biết ngoảnh lại mà nhìn, vấn vương làm gì để mà so sánh. Xuân với mẹ cười tươi, với đàn anh mẫu mực - em cháu thuận hòa, với láng giềng đùm bọc yêu thương.
Nếu có đọc bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu nhà Đường để thấy người xưa cỡi hạc về nơi đâu (Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ). Thật tình chẳng biết, chỉ thấy người xưa đâu tá chiều hôm (Nhật ngộ hương quan hà xứ thị) mới biết xuân chỉ là nhớ, là dịp ôn cố tri tân mà ngẫm suy lại mình.
Mẹ thương đàn con cụ thể hóa trong câu ngạn ngữ “nước mắt bao giờ cũng chảy xuống”. Thương mẹ tôi, tuổi già hơn 80 lọm cọm phải bới bưng miếng cơm đem sang nhà cho cô con gái duy nhất. Giận mình không can ngăn được vì mẹ cứ gọi đó là niềm vui! Vẫn biết xuân của mẹ là thương con nhưng sao tội tình đến thế, mẹ ơi!
Mùa xuân này Mẹ cười thật tươi dưới hiên nhà bên cây xà cừ. Đàn chim sẻ đã trở về, nghĩa là chúng không phải lũ hoang đàng phù phiếm. Chúng ca hát nhảy múa làm mẹ vui, vỗ về ru đưa nỗi buồn trông nhớ vào cõi đã qua.
Mẹ ơi. Lại một mùa xuân. Mùa xuân làm con sợ dẫu biết một ngày mà đời người không ai tránh khỏi. Làm sao khắc in được nụ cười của mẹ mãi trong tim này!