Dấn thân hỗ trợ, chia sẻ với hàng ngàn gia đình nghèo trong đại dịch Covid-19

Bên trong hàng rào phong tỏa nhiều gia đình cần sự hỗ trợ
Bên trong hàng rào phong tỏa nhiều gia đình cần sự hỗ trợ
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đại dịch Covid-19 tấn công vào Việt Nam và đến TP.HCM như một trận “cuồng phong”. Cả nước chung tay đồng lòng với chính phủ, ngành y tế quyết tâm cùng TP.HCM chống dịch, nhưng... người nghèo vẫn là đối tượng cần giúp đỡ nhất.
Sư cô Thích nữ Huệ Đức trao quà đến những gia đình khó khăn

Sư cô Thích nữ Huệ Đức trao quà đến những gia đình khó khăn

Mỗi ngày đọc tin tức Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, số ca dương tính với Covid đến số vài trăm, Sư cô Thích nữ Huệ Đức, trụ trì chùa Quan Âm tu viện (quận Phú Nhuận, TP.HCM), đã lên kế hoạch cứu trợ cho dân lao động nghèo, vì họ đa số là người dân nhập cư vào TP.HCM sinh sống và làm việc kiếm ăn từng ngày.

Lúc đầu, Sư cô cử Ni chúng đang an cư tại chùa cùng nhau chuẩn bị các phần quà lương thực, nhu yếu phẩm đem đến các chốt phong tỏa tại các quận Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, quận 4 để tặng bà con tạm dùng qua những ngày cách ly.

Những tưởng, cách ly phong tỏa 14 ngày là có thể kiểm soát được đại dịch, nhưng sau nhiều lần thực hiện lệnh giãn cách xã hội, phong tỏa nhiều nơi nhưng đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại, số ca nhiễm bệnh mỗi ngày tăng nhanh, hơn 1.000 ca, 2.000 ca, trên 3.000 ca,… khiến tất cả các hoạt động tại TP.HCM dừng lại, các chủ doanh nghiệp khốn đốn, nhiều công ty phá sản, công nhân và dân lao động nghèo rơi vào cảnh túng quẩn, thiếu ăn do không có việc làm.

Các cuộc điện thoại, tin nhắn cầu cứu đói liên tục gửi đến

Các cuộc điện thoại, tin nhắn cầu cứu đói liên tục gửi đến

Các cuộc điện thoại, tin nhắn cầu cứu đói liên tục gửi đến Sư cô. Tin tức từ các bệnh viện dã chiến thu dung, các bệnh viện điều trị Covid tại TP.HCM và cả Bình Dương đều thiếu hụt đồ bảo hộ, khẩu trang N95, máy trợ thở, cồn sát khuẩn, bình giữ nhiệt,… Sư cô đã vận động các Phật tử, mạnh thường quân đóng góp vào quỹ viện trợ y tế và lương thực. Không những thế, Sư cô còn phát tâm đến Bệnh viện Chợ Rẫy hiến máu và kêu gọi Phật tử còn khỏe cùng hiến máu, vì hiện ngân hàng máu tại các bệnh viện đang cạn kiệt vì dịch bệnh Covid đang hoành hành.

Dẫu biết rằng vạn pháp trên thế gian đều do duyên mà sanh, do duyên mà diệt, vô thường, hư hoại. Nhưng với trái tim của người con mang dòng họ Thích, không cho phép Sư cô an cư, ở yên trong chùa tụng kinh cầu nguyện được, lại lo cho Sư bà tuổi cao, sợ Ni chúng bị nhiễm bệnh, Sư cô đã cho chư ni tránh tiếp xúc với nhau và tập trung vào các thời khóa tụng kinh cầu nguyện.

Hàng ngày, ni chúng lo phần cúng cơm cầu siêu cho chư hương linh tử vong vì dịch bệnh Covid. Còn Sư cô cùng với một sư cô đệ tử và vài em tình nguyện viên tập trung nhận hàng chục tấn gạo, rau củ quả đặt mua từ các tỉnh về.

Cùng các Phật tử chia sẻ khó khăn với hàng ngàn gia đình trong khu phong tỏa

Cùng các Phật tử chia sẻ khó khăn với hàng ngàn gia đình trong khu phong tỏa

Vì xe hàng không thể vào TP.HCM ban ngày, Sư cô và đội của mình phải thức đêm để nhận hàng, khuân hàng, cả đêm không ngủ, sáng sớm vội bắt tay vào đóng gói, phân quà để kịp chuyển đến người dân lao động nghèo những phần lương thực, khi rau củ quả còn tươi xanh.

Sư cô tự mình cùng vài em tình nguyện viên rong ruổi với các chuyến xe chở hàng cứu trợ đến tặng cho các hộ dân lao động nghèo, công nhân nghèo trong các khu cách ly phong tỏa tại các quận: Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân, Bình Chánh, Bình Điền, Thủ Đức, quận 7. Đến quận 10 gồm chung cư Ấn Quang, chung cư Ngô Gia Tự, chợ Nhật Tảo là tâm dịch lớn trong lòng TP.HCM, có rất nhiều F0 và người chết nên Sư cô cùng đoàn phát quà phải mặc đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn để phòng tránh lây nhiễm.

Khi đến tặng quà tại các phường 11, 14 ở quận 3, Sư cô không khỏi ngậm ngùi vì nơi đây là một quận trung tâm của TP.HCM, lại có quá nhiều người dân lao động nghèo sống trong các khu nhà trọ, các khu nhà ổ chuột trong các con hẻm nhỏ đến nỗi xe chở hàng không thể vào được, phải dùng xe cút kít đẩy quà vào trong hẻm, tự tay Sư cô xách những phần quà nặng trao cho bà con.

Thế mới thấy, TP.HCM là nơi dung dưỡng biết bao mảnh đời khốn khó, họ bám đất TP để mong kiếm ăn qua ngày. Nay TP.HCM “lâm bệnh”, cái khổ thiếu thốn và cái đói đang đến với họ rất gần.

Chia sẻ trong tình pháp lữ tại chùa Bình An

Chia sẻ trong tình pháp lữ tại chùa Bình An

Bố thí tài sản, thức ăn, sức khỏe, niềm tin và sự không sợ hãi là việc cần làm cho những ai đang hành Bồ-tát đạo, dấn thân hành trên con đường phụng sự chúng sanh. Nhưng với thân thể vật lý, có sẵn bệnh đau nhứt, nay phải làm việc quá sức, với những đêm không ngủ để chờ đợi những chuyến hàng, để sắp xếp từng phần quà, tự tay mang quà tặng bà con trong thời tiết mùa hạ, lúc nắng nóng, mồ hôi ướt đẫm trong bộ đồ bảo hộ, lúc gió dông, lúc mưa tầm tã.

Về chùa, lại vào thời khóa tụng kinh đọc tên cầu an cho các bệnh nhân F0 Covid-19, cầu siêu cho chư hương linh tử vong vì dịch bệnh Covid, danh sách hương linh mỗi ngày một dài mà đau xót đến tận đáy lòng. Sư cô thấy mình như không còn sức lực, nhưng nghĩ đến người nghèo, những tin nhắn kêu cứu đói, bệnh nhân F0 nhắn tin xin hỗ trợ thuốc để điều trị tại nhà…

Dù những nơi cần cứu trợ đều có F0, nguy cơ mình thành F0 rất cao, nhưng không vì thế Sư cô bỏ mặc họ để an nhàn cho bản thân mình. Cũng giống như một số chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử, các lực lượng tuyến đầu đã đang dấn thân phụng sự cho xã hội, và có những vị đã mãi mãi ra đi nhưng chắc chắn rằng các vị không hề hối tiếc về những việc mình đã và đang làm.

Sư cô lại cùng các em tình nguyện viên tiếp tục công việc, được ngày nào hay ngày đấy, chỉ mong có nhiều người phát tâm ủng hộ tài chánh để tặng nhiều quà cứu trợ người dân và bệnh nhân. Các nhóm từ thiện bây giờ còn rất ít, đa số bị nhiễm bệnh, một số thì lo lắng sợ bị lây nhiễm nên không làm nữa. Các mạnh thường quân thì ủng hộ nhiều nơi nên dần hết khả năng ủng hộ.

Không để người nghèo cô độc trong những khu phong tỏa, cách ly

Không để người nghèo cô độc trong những khu phong tỏa, cách ly

Trong mùa An cư kiết hạ hàng năm là dịp để chư Tăng Ni ở yên một chỗ, cấm túc an cư. Nhưng trong hoàn cảnh đại dịch như thế này, các mảnh đời khốn khó còn nhiều như thế đấy, Sư cô phải dấn thân vào những nơi nguy hiểm để mang đến chút lương thực giúp vơi đi phần nào khốn khó của người lao động nghèo.

Hơn lúc nào hết, Sư cô ước mong TP.HCM khỏe mạnh, nhộn nhịp người qua kẻ lại, mong thấy cảnh kẹt xe, mong nghe tiếng rao của cô bán đậu hủ nóng bên bờ kênh Nhiêu Lộc, mong các Phật tử tề tựu về chùa cùng nhau tu tập như trước, mà thấy sao lâu quá!

Dịch bệnh còn đó, thành phố phong tỏa hoàn toàn, người nghèo, bệnh nhân F0 vẫn đang kêu cứu, quỹ cứu trợ của chùa đã vơi dần, Sư cô Thích nữ Huệ Đức thiết tha kêu gọi sự phát tâm ủng hộ dù ít nhưng nhiều người chung tay thì “góp gió cũng thành bão” để có thêm nhiều quà, lương thực cứu trợ cho người lao động.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày