Tam quan chùa Viên Minh, trú xứ của Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ - Ảnh: C.M.K
Tìm gặp chư Tăng, được biết Đức Pháp chủ đang tọa thiền trong cốc bát giác phía sau chùa. Hàng ngày, ngài đều tụng kinh Tịnh độ, niệm danh hiệu Phật A Di Đà nhiều giờ đồng hồ liền không đứng dậy, có hôm ngồi suốt ngày đêm niệm Phật. Mỗi lần như vậy, Tăng chúng ở chùa không dám phiền động đến ngài, khách đến thăm cũng không dám bạch báo.
Chờ suốt cả buổi sáng, không thấy Đức Pháp chủ ra khỏi cốc, biết là chưa đủ duyên để được gặp ngài, người viết đành chào chư Tăng để ra về. Đại đức Thích Nguyên Quang, một trong những đệ tử của ngài, khuyên: “Hôm khác cứ đến, nếu có duyên thì sẽ gặp được thôi!”. Đi xa hàng chục cây số trong mưa rét, mà không được gặp Đức Pháp chủ, đành tự nhủ có lẽ chư Phật, chư Tổ thử thách sự kiên nhẫn của mình đây.
Vài ngày sau người viết trở lại chùa, lần này may mắn được diện kiến Đức Pháp chủ. Phải hôm trời rét đậm, gió bấc hun hút, Hòa thượng khoác chiếc áo dạ cũ không che hết được chiếc áo nâu sồng giản dị bên trong. Trông vị sư già như một lão nông. Trong dáng khô gầy, khắc khổ của một lão Tăng đã ở tuổi bách niên, nhưng đôi mắt vẫn lộ rõ vẻ tinh anh và nụ cười hiền hậu, thanh thoát, bước đi nhàn nhã khoan thai, một phong thái mà không dễ ai, ngót trăm tuổi còn giữ được. Thỉnh vấn Đức Pháp chủ, ngài trả lời rành rọt, khúc chiết từng câu, thể hiện sự minh mẫn như một người trung niên, càng làm người viết ngỡ ngàng trước trí tuệ lớn lao của một bậc cao tăng thạc đức. Nói câu nào, Đức Pháp chủ cũng cười rất tươi. Từ gương mặt đến giọng nói đều toát lên một vẻ từ bi, hỷ xả.
Ngài sinh năm 1917 tại xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 1926 xuất gia tại chùa Quán (Ninh Bình). Năm 1932 thọ giới Sa-di tại trường hạ chùa Đông Cao, tỉnh Nam Định. Năm 1934 bắt đầu tu học tại chùa Viên Minh, tỉnh Hà Tây. Năm 1937 thọ giới Tỳ-kheo do ngài Thích Quảng Tốn làm Hòa thượng đầu đàn. Từ năm 1953 đến 1958 tu học và hoằng pháp tại chùa Kim Đới - Hải Phòng. Từ tháng 10-1958 đến nay trụ trì chùa Viên Minh...
Ngài kể chuyện xuất gia từ khi mới 5 tuổi, trên đường tu học, dấu chân của ngài đã trải khắp các tổ đình vùng châu thổ sông Hồng. Trải qua những ngày quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng, làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ, ngài vẫn một lòng son sắt với cửa Phật. Người viết càng ngạc nhiên hơn, khi Hòa thượng cho biết ngài chưa từng học qua một trường lớp chính quy nào. Tất thảy vốn kiến thức có được đều nhờ kiên trì tự học. Hẳn ai cũng biết, ngài là vị giáo phẩm nổi tiếng uyên thâm về Phật học và Hán học.
Sự nghiệp phiên dịch kinh sách, trước tác của ngài nổi bật với các tác phẩm: Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát-nhã dư âm, Đại từ điển Phật học, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, biên tập Đại tạng kinh VN, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần… Ngài từng là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây; từng kinh qua Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Từ tháng 12-2007 đến nay: đảm trách ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Đến nay đã 80 năm ngài an trụ ở chùa Giáng nên được Phật tử mọi miền gọi là Tổ Giáng. Trong mắt người dân vùng này, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ với đức tính hay lam hay làm, cần cù và giản dị. Bởi vì suốt cuộc đời, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, Hòa thượng luôn cùng môn đệ xắn tay cày cấy nuôi thân, đến 80 tuổi mới thôi. Nay ở tuổi bách niên, ngài không còn ra đồng trồng lúa được nữa, nhưng hàng ngày vẫn làm vườn, dọn dẹp trong chùa.
Từ biệt Trưởng lão Hòa thượng, người viết nhìn theo dáng ngài bước đi khoan thai trên nền gạch đỏ, trong tấm khoác giản dị, giữa trời gió bấc. Gió lạnh đến thấu xương, khiến những tán cây cũng run lên bần bật, mà dáng của cụ vững chãi đến lạ lùng, như cây tùng cây bách thường trụ giữa tuyết sương mưa gió. Chợt nghĩ, không biết trên thế giới này có vị Pháp chủ nào lại giản dị mà uyên bác đến thế không. Điều đọng lại trong lòng mỗi người đến đây là sự cảm phục và tôn kính sâu sắc đối với Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đệ tam Pháp chủ GHPGVN, người 100 tuổi đời, vẫn ngày đêm mang giáo lý nhà Phật, đức hạnh cao dày của bậc chân tu giáo hóa chúng sinh.
“Tôi ngẫm thấy, “Tre già thì măng mọc”, nói như vậy cũng chỉ là vu khoát, cần nói thêm rằng: tre già phải được dùng vào việc có ích và măng mọc cũng cần có hàng có lối, cần được chăm sóc và bảo vệ thì mới thẳng mới đẹp mới có ích cho Đạo cho Đời. Theo tôi, nên đa dạng hơn nữa các hình thức giáo dục, đào tạo Tăng Ni, nhất là mô hình các tổ đình truyền thống. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò nhất thống của Quốc gia và Giáo hội. Thống nhất nên trên cơ sở sự đa dạng. Với Phật giáo thì hòa hợp Tăng là quan trọng nhất. Các ràng buộc hành chính, mệnh lệnh ngoài giáo pháp chỉ là nhất thời mà thôi. Đặc biệt nên kiên trì giữ gìn nền nếp các trường An cư kết hạ. Đó là nơi không chỉ học tập mà quan trọng là tu tập và thực hành nếp sống cộng đồng, dân chủ, có kỷ cương, “lục hòa” của Tăng, Ni chúng”. Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ |