Đầu năm hướng về Tam bảo

GN - Đầu xuân mới, đối với người Phật tử sẽ không gì quan trọng hơn việc lên chùa lễ Phật. Tôi vẫn thường dẫn các cháu lên chùa vào những ngày Tết thay vì đến các điểm vui chơi. Chúng ta bây giờ đã bỏ qua một giai đoạn quan trọng trong đời người là “thai giáo”.

Thật diệu kỳ biết bao khi thai nhi ngày đêm được nghe hồng danh Đức Phật, được nghe kinh pháp để tẩy trừ bớt nghiệp chướng trong đời quá khứ. Một đứa trẻ vừa lớn lên, được mẹ cha thường dẫn lên chùa sẽ là vốn quý vô ngần.

Một đứa trẻ nếu không được giáo dục trên tinh thần từ bi-trí tuệ của đạo Phật, sẽ khó hoàn thiện mình trong tương lai. Câu “A Di Đà Phật” một phen vào tai ấy là mầm giống quan trọng nhất trong đời. Hạt giống ấy sẽ có một ngày tách vỏ hướng về ánh hào quang của Phật như một mầm xuân giữa trời đất.

chua Phuoc Vien.jpg

Đi chùa ngày đầu năm - Ảnh minh họa

Chùa chính là mái hiên vĩnh cửu che chắn mỗi phận đời trong thăm thẳm tháng ngày. Đầu năm được gặp Phật, lễ Phật, được gặp quý thầy lại còn được nghe giảng pháp thì không phước báo nào hơn.

Nhiều gia đình ở ngay bên chùa song Phật pháp vẫn là một “món” gì đó rất xa lạ. Chính là do phước duyên của họ ở tiền kiếp quá mỏng, hay nói khác đi là do nghiệp lực che mờ. Con thỏ nếu phải đeo kính màu thì củ cải nào cũng là cà rốt. Tin hay không tin có thế giới Tây phương Cực lạc đang chào đón bất cứ ai sanh về, chính là thể hiện người ấy đời trước gieo thiện căn cạn hay sâu.

Nếu niềm tin của chúng ta còn cạn, thì năng đến chùa nghe pháp nhiều thêm, năng niệm Phật và lạy Phật. Lúc ta lạy Phật mà tâm chỉ xoay vòng câu “A Di Đà Phật” và đầu không xen tạp niệm, thật khó cách tu nào thù thắng hơn.

Lễ Phật ở chùa (hay lễ Phật tại gia) là nét văn hóa tâm linh. Lạy Phật để xả bỏ cái ngã chất ngất của mình. Lên chùa không phải để cầu xin. Bởi Phật sẽ không cho chúng ta thứ gì ngoài phương tiện cứu cánh đệ nhất. Chúng ta cầu xin Phật mà không rốt ráo làm theo lời Phật dạy cũng khó được như nguyện. Khi một ai giơ tay lên cầu xin Phật thì Ngài sẽ cười và cầm bàn tay của người đó quay về phía họ: “Phật là con sao còn cầu Ta”. Trong mỗi người đều có Phật tánh đồng thời cũng có ma tánh, quỷ tánh và vân vân tánh, tạm gọi là “giặc cỏ”.

Chúng ta hãy dùng câu Phật hiệu kết lại thành phiến để phủ lên, lâu ngày loài “giặc cỏ” sẽ què quặt và chết, tâm sẽ hiện ra Phật tánh sáng ngời.

Lạy Phật - niệm Phật, bởi từ lâu ta cứ tưởng mình thông minh, tài giỏi lắm; từ lâu cứ tưởng mình hơn người, nắm trọn tri thức nhân loại, mà thực chất toàn là vọng tưởng. Lạy Phật để thấy mình sao quá u mê. Nay từ trong lầm lạc được Phật chỉ ra con đường sáng, thật muôn lần đội ơn sâu dày. Ở Vạn Phật Thánh Thành, ai muốn trở thành đệ tử của Hòa thượng Tuyên Hóa, thì trước hết phải lễ Phật đủ một vạn lạy, cũng là muốn cho cái ngã của người đó sụp xuống.

Nếu ngã [tâm] vẫn sân hận, vẫn ganh ghét hơn thua, vẫn gồng mình lên trước những trái khoáy, vẫn chạy theo Ta-bà thị phi nhơn ngã thì dẫu tu đến đầu bạc răng long Phật cũng không thể ban cho ta Vô Lượng Thọ để tự tại phiêu du trong dòng thời gian bất tuyệt. Và mỗi mùa xuân đến, khác gì ta bước gần hơn cái hố sâu thăm thẳm mong chi được giải thoát, vãng sanh.

Mùa xuân, hoa cỏ đua nhau khoe sắc. Con người cũng khoác lên mình những bộ cánh đẹp nhất, góp phần tô điểm cuộc đời thêm tươi đẹp. Một vị Hòa thượng đã khuyên rằng: Chúng ta có thể dùng những thành quả lao động chân chính dâng lên chư Phật. Nhưng quý giá nhất vẫn là cúng dường Tam bảo công phu tu tập của mình.

Hãy quên đi năm cũ với bao phiền muộn. Những bước chân đầu tiên của năm mới hướng về Tam bảo là ta rút ngắn thêm con đường hướng về nước Phật. Tiếng chuông chùa vẫy gọi, Tâm Kinh đang vẫy gọi những ai mở kho tàng tự tánh vốn dung chứa tất cả những gì có trong vũ trụ.

Hướng về Tam bảo chính là nhận diện đúng nhất giá trị kiếp người giữa hư không tận pháp giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày