Đầu năm lên chùa lễ Phật suy ngẫm về "tầm gửi và bồ đề"

Hàng vạn người dân Thủ đô đã đổ về Chùa Phúc Khánh dự lễ cầu an
Hàng vạn người dân Thủ đô đã đổ về Chùa Phúc Khánh dự lễ cầu an
Quanh năm tất bật mưu  sinh quay cuồng với mục đích kiếm tiền, đầu xuân  là lúc người ta nghỉ ngơi, buông xả hết mọi toan tính, lo âu để cõi lòng an lạc, thanh tịnh. Lần nào trước khi đi lễ chùa, tôi cũng cố dặn lòng phải bỏ lại hết mọi mưu cầu, phiền muộn, học cách “thõng tay vào chợ”, có như vậy lễ Phật mới thật sự có ý nghĩa, thế nhưng dường như chưa bao giờ làm được điều đó.

 Tại nhiều ngôi chùa, du khách vừa bước chân vào cổng là nhiều người tay cầm những bó hương chạy đến chèo kéo, ép mua vàng mã, hương nến. Nếu ai cũng thắp cả bó hương thì chùa khói mù mịt, khói ám vào hỏng hết các pho tượng quý và bảo vật trong chùa, mà không mua hương thì… thật phiền phức. Trước khi vào Hương Tích, thường phải lễ ở đền Trình, mỗi người phải làm 3 lá sớ để trình báo sơn thần, cô cậu, mẫu. Những lá sớ chỉ mỏng manh với vài chữ Hán, thế mà bị hét 60 nghìn đồng cho 3 lá sớ, biết là đắt một cách vô lý nhưng đã trót lấy sớ nên đành phải móc tiền ra trả. Nhưng vẫn chưa hết bực mình, đem sớ vào đền, gặp anh bạn biết chữ Hán xem cho, mới biết chỉ những lời thỉnh cầu viết trên đó đúng là chữ Hán, còn tên và địa chỉ của mình lại chẳng đúng, chỉ là những nét chữ viết cho có vẻ giống chữ Nho. Ở miếu Sơn Thần, lại bị chèo kéo, ép rút thẻ lá số. Tôi vốn chẳng bao giờ tin vào bói toán, tử vi, nhưng không muốn bị bám riết mãi, đành “tặc lưỡi” lấy một tờ. Vừa mở ra đọc, tôi giẫy nẫy: “Lá số này xấu lắm! Không lấy đâu”. Cô gái bán thẻ số mỉm cười đưa cho tôi chiếc khác: “Anh lấy tờ này nhé, tờ này em xem rồi, đẹp lắm”.

 Nhiều lần vào chùa gặp cảnh người đi lễ chen chúc, len mãi mà không thể vào tới bàn thờ Tam bảo, tôi đành đứng từ tít xa chắp tay. Cúi xuống vái, rồi ngẩng đầu lên mới nhận ra mình chỉ vái lưng vô vàn người khác, không biết Phật có “nhìn thấy” mình không nhỉ? Mà cũng chẳng hề hấn gì, miễn là tâm mình hướng về Đức Phật, còn hơn là có những người cũng chắp tay đấy, nhưng họ chỉ lễ tượng gỗ mà thôi. Mỗi pho tượng Phật đều gồm 2 phần: xác tượng và tâm Phật. Xác tượng chỉ do chất liệu tạc nên tượng: gỗ, đá, đồng… Chúng ta đi lễ chùa là lễ tâm Phật chứ không phải chỉ lễ “tượng gỗ”. Chớ tưởng vào chùa, chắp tay cầu lạy đã là lễ Phật. Nếu tâm mình không sáng, không biết tìm cho mình một ý nghĩa sống đẹp hơn, thì dẫu chắp tay cầu lạy đấy thì cũng chỉ là lạy chiếc lư hương đồng, lạy tượng gỗ mà thôi.

 Tôi hay đi chùa, nhưng rất vụng trong việc khấn vái, tôi chỉ thạo trong việc chụp ảnh các pho tượng, di vật Phật giáo để viết những bài báo giới thiệu di tích. Một lần đầu xuân đi chùa Trấn Quốc, khi tôi vừa chắp tay, vái được một vái, chưa ở miệng “ Nam mô A Di Đà Phật!”… thì mọi lời lẽ chuẩn bị từ trước đến lúc phải trình bày trước các Đức Phật trong đầu tôi bỗng nhiên lặn bặt tăm hết. Tôi không còn nhớ gì hết, không cầu khấn được một điều gì, mà cứ phải dỏng tai lên nghe một người phụ nữ chừng 30 tuổi, vận quần bò, áo phông, mười ngón tay móng đỏ chót đứng ngay bên cạnh thao thao một bài trôi chảy, đôi lúc lại xuýt xoa nghe càng hấp dẫn: “Nam mô A Di Đà Phật, con lạy chín phương trời, mười phương Phật. Con lạy Đức Ông nhân từ, con lạy Đức Thánh Mẫu hiền hậu, con lạy Đức Tam Bảo công minh, con lạy các chư vị gần xa… Con là…, trú quán tại… Con có nén hương, con gà và tấm lòng thành kính mong các đức ngài chứng giám, phù hộ cho con năm  nay làm ăn buôn bán phát đạt, lợi nhuận vài trăm triệu, không bị nhà nước truy thu thuế, cũng không bị quản lý thị trường bắt phạt… Con vô cùng đội ơn, con Nam mô A Di Đà Phật!". Trời ơi, giọng khấn của nàng mới ngọt ngào làm sao. Chẳng biết các Đức Phật, chư vị Bồ tát có giận nàng vì đã trót khấn quá to để cho cái thằng người trần mắt thịt như tôi nghe hết cả không? Khi nàng cúi xuống vái ba cái, tôi mới thở phào như trút được gánh nặng, để cất lời khấn: “Con lạy Đức Phật! Con lạy các ông tượng…". Thôi chết, lỡ lời. Mặt tôi đỏ bừng, ngẩng lên thấy Phật Di Lặc toe toét cười.

 Lúc này, tôi để ý khắp các ban thờ Phật, nhan nhản những mâm lễ có con gà, hoặc miếng thịt lợn… Trong đầu tôi miên man vô vàn câu hỏi. Các Đức Phật, chư vị Bồ tát chỉ quen ăn chay, liệu họ có dùng được những món ăn toàn mùi vị trần tục không nhỉ? Người ta đến chùa cầu xin đủ thứ, liệu các Đức Phật có đáp ứng nổi không? Người lương thiện cầu xin những điều tốt lành đã đành, nhiều người tham ô, phạm pháp cũng đến cầu xin được yên ổn, chẳng lẽ các Ngài cũng ưng thuận? Với những người dân lương thiện luôn mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn, không biết những thỉnh cầu có đến được với họ hay không, nhưng mọi người đều tin rằng sau khi trẩy hội, đi lễ đầu xuân trở về, tâm hồn họ như được thắp sáng hơn và ngày mai cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn. Vượt trên tất cả những yếu tố tâm linh, trẩy hội, lễ chùa đầu năm vẫn mãi là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam .

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ Đường 20 Quyết Thắng nhằm tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ

Quảng Bình: Lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ tại Đường 20 Quyết Thắng (H.Bố Trạch)

GNO - Tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tân Trạch (H.Bố Trạch, Quảng Bình), ngày 25-5, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình phối hợp Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh tổ chức Lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ Đường 20 Quyết Thắng, nhằm tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ảnh: Bảo Toàn/BGN

An cư và hậu an cư

GNO - Sao không tiến hành an cư bình thường như hàng năm mà phải lùi một tháng? Có phải năm nào có tháng nhuận thì đều phải điều chỉnh lùi thời điểm an cư?
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1301 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

An nhiên trong thế giới sôi động

GNO - Lo lắng, bất an, chịu nhiều áp lực khiến cuộc sống trở nên căng thẳng. Mỗi người mỗi kiểu, ai cũng có nỗi băn khoăn trắc ẩn của riêng mình. Nguồn gốc từ đâu và phải cân bằng lại như thế nào cho an ổn.

Thông tin hàng ngày