Đâu rồi tinh thần Thăng Long - Hà Nội?

Giác Ngộ - Vào thời điểm này năm trước, cả nước rộn ràng trong không khí Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/10/1010 – 10/10/2010). 

Nhiều người hy vọng rằng với sự đầu tư rất lớn như vậy, tinh thần dân tộc sẽ được phục hưng, nếp sống văn hóa kế thừa từ truyền thống sẽ được hồi sinh, phát huy một cách mạnh mẽ. Nhưng, thực tế dường như lại không như vậy. Sau Đại lễ, những điều đó không tươi sáng như mong đợi.

wthanglongimages.jpg

Tháp Rùa - Hồ Gươm - Ảnh minh họa

Bài học về lịch sử cũng như những giá trị về văn hóa Việt Nam đã và đang bị xâm lấn bởi văn hóa ngoại lai, trong nếp sống hàng ngày, đặc biệt là trong người trẻ, hỗn loạn trong kiến trúc xây dựng, tôn tạo, tu bổ chùa chiền, di tích.

Báo chí lên tiếng về hiện tượng những con sư tử, con lân “lạ” xuất hiện ở những ngôi chùa được xây dựng hàng trăm năm tuổi được quan niệm như là một cách “làm mới” di tích! Một trong những di tích được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua là chùa Một Cột (Liên Hoa đài, chùa Diên Hựu - Hà Nội). Trong quá trình phát triển, theo dòng thời gian thì ngôi chùa này bị xuống cấp. Các nhà khoa học, văn hóa đã vào cuộc và đã có những góp ý không nên vội vàng mà cần phải xem xét thật kỹ lưỡng trong quyết định trùng tu chùa. Không nên để rồi như một số công trình trùng tu khác, trong sớm mai, bỗng hô biến di tích hơn 1.000 năm tuổi trở thành công trình…1 tuổi! Đó là chưa kể đến những trường hợp làm biến dạng di tích một cách tùy tiện.

Văn hóa ứng xử của con người cũng khiến những ai quan tâm lo âu. Đã qua một phong trào cổ xúy tinh thần dân tộc, tưởng đâu sẽ làm sống lại những giá trị đã bị vùi lấp do thời gian và hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, nhưng dường như các giá trị sống, chất lượng đời sống không được phục hồi mà ngày càng xuống dốc. Án mạng tăng, giới trẻ bị lung lạc thiếu định hướng trong cách sống, ít kiên nhẫn và vô cảm trước nỗi đau của người khác…

Thiết nghĩ, bài học từ quá khứ cần phải được ôn, được nhắc, được khơi gợi thường xuyên để nó không mai một, không bị lãng quên trong đống thông tin thiếu chọn lọc từ cuộc sống. Tinh thần Thăng Long-Hà Nội và nếp sống muôn đời của tổ tiên là tinh thần nhân văn, nhân ái… Điều đó cần thiết được tôn vinh hàng ngày trong xã hội, chứ không phải chờ đến 1.000 năm mới làm rầm rộ một lần rồi thôi.

Hiện nay, đi ra đường hoặc đến nơi công sở không ít người luôn cảm thấy nơm nớp lo sợ vì có quá nhiều những “độc tố” từ lối sống đến cách suy nghĩ, hành xử. Những mối lo về bạo lực, về sự lệch lạc văn hóa, lối sống không lành mạnh của người trẻ nói riêng và con người hiện đại đã trở thành mối lo chung cần phải được uốn nắn theo tinh thần và nếp văn hóa của tổ tiên, trong đó có tinh thần Phật giáo.

Hơn nữa, việc giáo dục nền tảng lịch sử, văn hóa dân tộc cũng là nhằm vun bồi tình yêu đối với quê hương-đất nước-con người. Bởi, con người không thể thương quê cha, đất tổ, yêu đất nước, văn hóa dân tộc, cội nguồn tâm linh thật thiết tha khi họ chẳng biết gì về quá khứ, về lịch sử ngàn năm…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày