“Đây là những gì tôi đã nghe…”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khi chúng ta tụ tập quanh Đức Phật và nghe Ngài giảng dạy, cảm giác sẽ như thế nào? Theo lời Pascale F.Engelmajer, để tưởng tượng được như thế, chúng ta chỉ cần đọc các bài kinh.

Các kinh Phật phổ biến sớm nhất trong tất cả các truyền thống Phật giáo có thể bắt nguồn từ thế kỷ thứ IV hoặc thứ V trước Tây lịch. Sau khi Đức Phật nhập diệt, tại Đại hội kiết tập ở Rajagaha, một thị trấn miền Bắc Ấn Độ, 500 vị Thánh tăng đã tụ họp và chia sẻ giáo lý của Ngài. Người ta nói rằng ở đó, Ananda (A-nan), thị giả thân cận nhất của Đức Phật, đã trùng tuyên nhiều bài kinh do Ngài thuyết giảng, vì Tôn giả đã trải qua hơn 25 năm sống với Đức Phật và có một trí nhớ không thể sai lầm.

Trong nhiều thế kỷ sau đó, giáo lý của Đức Phật chỉ được truyền miệng, từ các nhóm chư Tăng này đến nhóm chư Tăng khác. Truyền thống Sri Lanka quả quyết rằng kinh điển chỉ được viết ra vào thế kỷ đầu tiên trước Tây lịch, do lo ngại rằng không có đủ Tăng sĩ vào thời điểm đó để đảm bảo sự lưu truyền của giáo lý.

Kinh tạng, là một trong ba tạng (Kinh, Luật, Luận) thuộc kinh điển Pali, có thể được coi là giáo lý nền tảng của Đức Phật. Đó là một tập kinh rất đa dạng và phong phú bao gồm thơ ca và triết học, thần thoại và lịch sử, lời khuyên thực tế và hài hước, những tích truyện và những câu nói súc tích.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là tính cách truyền khẩu của Kinh tạng (hay nói chung là kinh điển), đặc biệt là vì chúng ta hiện đang sống trong một thế giới phụ thuộc vào việc truyền thông với chỉ 140 ký tự. Như học giả Sarah Shaw đã chỉ ra, khi chúng ta nghe những bài kinh được tụng rõ tiếng, những bài kinh đã trải qua nhiều thế kỷ, thì nhịp điệu lặp đi lặp lại ngữ nghĩa và cấu trúc theo các chủ đề được định vị, thể hiện một trong những chân lý cơ bản của Phật giáo: sự nảy sinh, duy trì và vượt qua tất cả mọi thứ.

Tụng kinh có phẩm chất của thiền định, không giống như các bài thiền có hướng dẫn ngày nay, dẫn dắt chúng ta qua các khía cạnh của giáo lý. Trong lịch sử, và cho đến tận ngày nay, việc đọc thuộc lòng và nhớ các bài kinh được xem như là một phương pháp tu hành, mặc dù chỉ có một số rất nhỏ người thuộc lòng toàn bộ kinh điển và đạt danh hiệu tipitakacarya.

Nhiều kinh bắt đầu bằng cụm từ “Đây là những gì tôi đã nghe” và nêu rõ kinh được thuyết ở đâu, khi nào và với ai. Với một nỗ lực nhỏ của trí tưởng tượng, chúng ta có thể hình dung khung cảnh trong vườn Kỳ-đà, hay vườn Cấp-cô-độc, ở thành phố Savatthi, khi bài kinh ngắn đầu tiên ví như Sư tử hống được thuyết giảng, hoặc ở đất nước Kuru, ở thành phố Kammasadadhamma, khi Đức Phật dạy kinh Tứ niệm xứ, bài giảng cơ bản về thiết lập chánh niệm, ngày nay vẫn được sử dụng cho thiền chánh niệm.

Trong hầu hết các trường hợp, Đức Phật là người giảng dạy, nhưng trong những trường hợp hiếm hoi, cũng có những vị khác giảng dạy, chẳng hạn như đệ tử thân cận của Ngài, Sariputta (Xá-lợi-phất) hoặc Tỳ-kheo-ni Dhammadinna, hoặc ngay cả chư thiên và phạm thiên, những vị thánh thường xuất hiện trong các kinh.

Trong Kinh tạng, chúng ta gặp Đức Phật qua nhiều diện mạo. Ngài là “Phật”, hóa thân của một lý tưởng. Ngài là một đứa trẻ sơ sinh phi thường, biết đi và nói khi mới sinh và được chào đón bởi các vị trời và thánh. Ngài là một hoàng tử từ bỏ ham muốn và tài sản trần tục để theo đời sống tâm linh. Ngài là đấng giác ngộ, tỏa sáng với thành tựu chuyển hóa cuộc đời và gây ngạc nhiên cho những ai gặp Ngài trên đường.

Ngài là người thầy tuyệt vời, đã giác ngộ những vị vua, chẳng hạn như Pasenadi; những kẻ giết người, như Angulimala; và cả những gái làng chơi, chẳng hạn như Ambapali. Và Ngài là “người bạn tốt” (kalyanamitta: thiện tri thức), người đã than thở với Tăng đoàn “dường như trống vắng với ta khi Sariputta và Moggallana (Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, hai đệ tử chính của Ngài) đã nhập Niết-bàn.” Hay khác nữa, trong kinh Địa Tạng, Đức Phật vừa là một siêu nhân dùng thần thông và du hành đến các cõi trời, vừa là một người bình thường cũng chịu đau lưng và đau bụng.

Kinh tạng mở ra cánh cửa dẫn vào một thế giới cổ đại, và trong khi nhiều mô tả mang tính công thức cứ y như thế, những chi tiết về lối sống cổ xưa vẫn tỏa sáng. Đọc kinh, hoặc hay hơn là tụng thành tiếng, chúng ta đắm mình trong thế giới xã hội, tôn giáo và triết học mà ở đó Phật giáo xuất hiện. Thật thú vị, đây là một thế giới mà Đức Phật và những môn đồ bằng cách nào đó đã thách thức lẫn chấp nhận khó khăn.

Một phạm vi đặc biệt mà Phật giáo dấn thân vào là hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ cổ đại. Trong kinh Agganna (Khởi thế nhân bổn), Đức Phật đặt câu hỏi về vị trí của những người Bà-la-môn và tình trạng thanh tịnh nghi lễ trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Trong một đoạn văn khá hài hước, Ngài bông đùa những người Bà-la-môn tự cho họ trong sạch vì được sinh ra từ đầu của thần Brahma (một mô tả được tìm thấy trong Purusa Sukta của Rig Veda, một kinh Vệ-đà cổ đại).

Trên thực tế, Đức Phật đùa rằng, những người Bà-la-môn được sinh ra như mọi người khác từ tử cung của phụ nữ. Khi chỉ ra thực tế sinh học này, được coi là gây ô uế trong truyền thống Bà-la-môn, Ngài nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều có tạp chất và do đó không thể quả quyết bất kỳ sự tinh khiết theo nghi lễ nào, đặc biệt cho những người dựa trên giai cấp của họ.

Thay vào đó, Ngài dạy rằng, tinh khiết hay không tinh khiết là do con người. Khi chúng sinh hành động với ý định tốt về mặt đạo đức, thì tinh khiết. Khi họ hành động với ý định xấu về mặt đạo đức, họ không tinh khiết. Đức Phật kết luận, một người đạt được Niết-bàn, thì chỉ hành động với ý định tốt về mặt đạo đức, đó là người tốt nhất giữa các vị trời và người.

Mặc dù kinh này đôi khi được sử dụng như bằng chứng cho thấy Đức Phật bác bỏ hệ thống giai cấp của Ấn Độ, nhưng toàn bộ Kinh tạng cho thấy rằng, trên thực tế, Ngài không liên quan đến việc thách thức hệ thống phân cấp xã hội Ấn Độ, mà chỉ quan tâm đến khuôn khổ tôn giáo Bà-la-môn và đạo đức.

Thậm chí có thể lập luận rằng lý thuyết Phật giáo về nghiệp có thể được sử dụng để biện minh cho hiện trạng xã hội, chính trị và kinh tế, vì nghiệp ngụ ý rằng mọi người nhận lãnh hoàn cảnh hiện tại của họ dựa trên những hành động trong quá khứ. Tuy nhiên, cuối cùng, Đức Phật chỉ đơn thuần thay thế một thứ bậc tôn giáo dựa trên sự sinh ra ở giai cấp nào, bằng một thứ bậc dựa trên tình trạng xả ly, mặc dù về mặt lý thuyết, bất cứ ai cũng có thể xả ly, sống đời xuất gia.

Một phạm vi khác mà Phật giáo thách thức là địa vị và vai trò của phụ nữ. Một mặt, Đức Phật của Kinh tạng ủng hộ việc phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và tích cực vào đời sống tôn giáo. Mặt khác, các kinh cũng để lộ một thái độ tiêu cực lâu dài đối với phụ nữ.

Trong bối cảnh Ấn Độ cổ đại, vai trò của phụ nữ bị giới hạn ở việc làm vợ và làm mẹ, cho nên Tăng đoàn, tức cộng đồng tu sĩ Phật giáo, bắt đầu như một định chế chỉ dành cho nam giới, và thực sự phụ nữ chỉ hiện diện rất ít trong các bài kinh.

Khi phụ nữ cần thể hiện vai trò, thì hầu hết đều là vợ và mẹ. Ví dụ, trong kinh Uggaha, Đức Phật khuyên các con gái của Uggaha làm tròn bổn phận làm vợ một cách tốt nhất có thể - một lời khuyên không phù hợp từ một vị Tăng. Trong nhiều bài kinh, Ngài nói với Visakha (*), một trong những môn đồ nổi tiếng nhất của Ngài, rằng phụ nữ đạt được tái sinh trong cõi trời của các vị thần xinh đẹp, bằng cách làm tròn bổn phận làm vợ.

Khi bà Mahapajapati, người dì và nhũ mẫu của Đức Phật, đề nghị Ngài cho phép phụ nữ xuất gia, trở thành Tỳ-kheo-ni, ban đầu Ngài đã từ chối. Nhưng cuối cùng Ngài cũng chấp thuận khi Ananda khẩn khoản xin cho trường hợp của Mahapajapati, chỉ ra rằng chính Đức Phật đã tuyên bố rằng phụ nữ cũng có năng lực tâm linh như nam giới để đạt được Niết-bàn và do đó, họ nên được phép sống đời xuất gia. Trước việc Đức Phật tiếp tục từ chối, Ananda cuối cùng đã thuyết phục được tình cảm của Ngài bằng cách nhắc Ngài rằng, sau khi mẹ Ngài qua đời khi Ngài còn sơ sinh, Mahapajapati đã nuôi dưỡng, bú mớm Ngài, và vì lý do này, bà nên được phép xuất gia.

Bài kinh không tiết lộ cuộc tranh luận đi đến kết quả vào ngày nào, nhưng Mahapajapati và những người theo bà được phép trở thành nữ tu sĩ, thiết lập một dòng tu nữ tồn tại cho đến ngày nay trong dòng thừa Dharmagupta (Pháp Tạng bộ) Trung Hoa. Mặc dù dòng tu Tỳ-kheo-ni Theravada đã biến mất vào thế kỷ thứ XIII, những nỗ lực đương thời nhằm thiết lập lại các dòng tu nữ đầy đủ của Theravada (và Tây Tạng) đang dần bắt đầu có kết quả.

Hơn 17.000 bài kinh của Kinh tạng được chia thành 5 tập Nikaya được sắp xếp theo độ dài và nội dung. Digha Nikaya (Kinh Trường bộ) chỉ có ba mươi bốn bài kinh, nhưng là những kinh dài nhất trong kinh điển. Majjhima Nikaya (Kinh Trung bộ) có 152 bài kinh cỡ vừa. Phần thứ ba, Anguttara Nikaya (Kinh Tăng chi bộ), sắp xếp hơn 2.300 bài kinh theo số lượng, dựa trên các bộ giáo lý, chẳng hạn như Tứ Diệu đế và Bát Chánh đạo. Tập thứ tư, Samyutta Nikaya (Tương ưng bộ), chứa hơn 2.800 bài kinh nhóm theo các chủ đề và thể loại chung.

Cuối cùng, Khuddaka Nikaya (Kinh Tiểu bộ) bao gồm các loại khác nhau của kinh, một số trong đó là rất cổ, chẳng hạn như Dhammapada (Kinh Pháp cú) nổi tiếng, và những kinh khác được soạn sau này, chẳng hạn như Buddhavamsa (Kinh Tiểu A-hàm) và Cariya Pitaka (Kinh Sở hạnh tạng). Khuddaka Nikaya (Kinh Tiểu bộ) cũng bao gồm các Jataka, tức là những chuyện tiền thân của Đức Phật. Hai phẩm quan trọng của Khuddaka Nikaya là Therigatha và Theragatha (Trưởng lão Tăng kệTrưởng lão Ni kệ), tức là những bài kệ của các vị Trưởng lão Tăng và Trưởng lão Ni đã đạt được Niết-bàn trong thời Đức Phật.

Thông tin này có vẻ tẻ nhạt, vì các sinh viên của tôi đôi khi càu nhàu, nhưng nó làm sáng tỏ chiều sâu và chiều rộng chính xác của toàn bộ tạng kinh. Tri thức này cũng hướng sự chú ý của chúng ta đến kỳ tích phi thường trong việc tập hợp và bảo tồn những giáo lý này trong hơn hai mươi thế kỷ.

Hãy thử tụng các bài kinh rõ tiếng, chậm rãi và thành kính. Trước khi bắt đầu, hãy tưởng tượng bạn đang ngồi dưới bóng cây, một người đàn ông hoặc một phụ nữ khoác y màu nâu vàng nhạt, đối diện với bạn. Vị ấy nói với bạn, “Đây là những gì tôi đã nghe. Khi đó là mùa mưa. Đại chúng đang ở tịnh xá Migaramata (*), trong thành phố Savatthi, và bậc Toàn giác, viên mãn về trí tuệ và đạo đức, vị thầy của trời và người, Thế Tôn, Đức Phật, đang dạy giáo pháp cho chúng ta, giáo pháp toàn hảo đoạn đầu, toàn hảo đoạn giữa, và toàn hảo đoạn cuối”.

Pascale F.Engelmajer - Cao Huy Hóa dịch

-----------------------------------------------------

Ghi chú (của người dịch):

(*) Visakha (Pali: Visākhā; Phạn: Viśākhā), còn được gọi là Migāramāta, là một phụ nữ quý tộc giàu có sống dưới thời Đức Phật. Bà được biết đến như là một nữ đệ tử cư sĩ của Đức Phật có hảo tâm rộng rãi nhất. Visakha thành lập tịnh xá Migāramātupāsāda (có nghĩa là "Cung điện của Migaramata") ở Savatthi, được coi là một trong hai tịnh xá quan trọng nhất vào thời Đức Phật; tịnh xá kia là Jetavana (Kỳ Viên) của ngài Anathapindika (Cấp-cô-độc).

Nguyên tác: The Sutta Pitaka, đăng trên tạp chí Lion’s Roar, 15-8-2022. Tác giả: Pascale F. Engelmajer, nữ phó giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Carroll ở Wisconsin (Mỹ) và là tác giả của tác phẩm “365 Ways to Live Mindfully” (365 cách sống chánh niệm) sắp xuất bản.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày