Sen và bùn

Sen và bùn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Từ lâu, hoa sen nở trên bùn đã trở thành biểu tượng của sự vượt lên trên đau khổ. Theo sau các cuộc tấn công kỳ thị người châu Á, các nhà lãnh đạo tinh thần hy vọng ý nghĩa trên có thể giúp chữa lành chấn thương do bạo lực chủng tộc ở Hoa Kỳ.

Đây là một trong những biểu tượng tôn giáo lâu đời nhất: sen nở trên bùn.

Duncan Ryuken Williams, một nhà sư truyền thống Tào Động Nhật Bản, nhắc lại bài học cổ xưa: Bùn biểu thị cho đau khổ và vô minh chế ngự chúng ta. Và mục đích của Phật giáo là vượt lên trên đau khổ và vô minh.

Nhưng có một ẩn dụ thậm chí còn sâu sắc hơn: Trong nước tinh khiết, sen sẽ không mọc lên. Chính ở trong bùn, chất dinh dưỡng mới được tạo thành.

“Và vì vậy, sự giải thoát của chúng ta thực ra không phải là vượt qua hay tự rời xa mình khỏi những tổn thương hay đau khổ, mà là thừa nhận cách chúng ta có thể biến đổi bản thân, cộng đồng, quốc gia, thế giới khỏi tất cả những nỗi đau đó,” nhà sư nói.

Đây là biểu tượng trọng tâm của buổi lễ tưởng niệm quốc gia tại Los Angeles, được tổ chức bởi 49 nhà sư Phật giáo, tu sĩ và các nhà lãnh đạo cư sĩ nhằm chữa lành chấn thương trong bối cảnh bạo lực chống châu Á gần đây trên khắp nước Mỹ.

Họ cùng nhau đến đây đúng 49 ngày sau khi một tay súng giết chết 8 người, trong đó có 6 phụ nữ châu Á tại các cửa hàng spa ở khu vực Atlanta, để đánh dấu thời điểm mà nhiều Phật tử tin rằng người quá cố chuyển sang đời sống khác. Họ gặp nhau tại một nơi đầy đau thương, một ngôi chùa ở Little Tokyo gần đây đã bị phá hoại trong một cuộc tấn công đốt phá.

Tiến sĩ Williams, Chủ tịch Trường Tôn giáo của Đại học Nam California, người đã giúp tổ chức buổi lễ, cho biết: “Chúng ta tham dự ngày hôm nay để giúp chuyển hóa cộng nghiệp do phân biệt chủng tộc tại quốc gia này, bởi vì số phận và tự do của chúng ta đan xen với nhau”.

Ông nói: “Cho dù ngọn núi đau khổ có cao và những giọt nước mắt đau đớn trút đầy đại dương sâu thẳm nhất, con đường của chúng ta buộc chúng ta phải vươn lên như một bông sen trên mặt nước bùn”.

Thời kinh của Tăng đoàn trong buổi lễ tưởng niệm

Thời kinh của Tăng đoàn trong buổi lễ tưởng niệm

Tăng đoàn đã cùng nhau tụng kinh và thực hiện các nghi lễ nhằm hàn gắn những gì đã đổ vỡ. Khoảng 350 ngôi chùa Phật giáo và hàng trăm người đã tham gia qua livestream (phim truyền thông trực tiếp trên mạng), từ Hawaii đến Nebraska đến Bắc Carolina.

Đó là một khoảnh khắc vô cùng hy hữu. Tăng đoàn đại diện cho một khối rộng lớn các dòng truyền thừa Phật giáo và các dân tộc, bao gồm các truyền thống Trung Quốc, Khmer, Hàn Quốc và Việt Nam, hòa hợp với nhau như một cộng đồng tâm linh. Một nhà sư người Mỹ gốc Mexico đang hành đạo tại một ngôi chùa Phật giáo của cộng đồng người Thái ở Bắc Hollywood đã chia sẻ thông điệp bằng tiếng Tây Ban Nha. Khoảng hai phần ba Phật tử Hoa Kỳ là người Mỹ gốc Á, và nhiều ngôi chùa ngày càng thu hút tín đồ đa sắc tộc.

Trong lịch sử 2.500 năm của Phật giáo, những buổi lễ có số lượng người tham gia đa dạng với nhiều truyền thống như vậy là rất hiếm. Các Phật tử Lào bên cạnh các Phật tử Nhật Bản, trái với thực tế lâu nay, họ không thực hành nghi lễ cùng nhau. Rất nhiều người đến từ các trung tâm Thiền người Mỹ gốc Phi hoặc da trắng cùng với các cộng đồng Phật tử nhập cư.

Sư cô Kính Nghiêm, 38 tuổi, một Ni sư người Mỹ gốc Việt, đến từ tu viện Lộc Uyển gần Escondido, California cho biết triết lý Phật giáo giúp ích cho nhân sinh trong thời điểm sợ hãi này.

“Chúng ta hãy mở lòng. Đau khổ của bạn cũng là đau khổ của tôi, và đau khổ của tôi không khác gì đau khổ của bạn”, Ni sư nói trước buổi lễ. “Nếu chúng ta trải lòng với nhau, chúng ta đang ở trong Niết-bàn”.

Các vị lãnh đạo thắp nến trước bia tưởng niệm, tôn vinh tổ tiên. Tưởng niệm Yong Ae Yue, 63 tuổi, một người mẹ là Phật tử Hàn Quốc bị giết ở Atlanta; Tưởng niệm Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi, một người nhập cư từ Thái Lan đã bị hành hung đến chết khi đang đi dạo ở San Francisco; Tưởng niệm những người nhập cư Trung Quốc khai thác than bị bắn chết ở Wyoming năm 1885. Tưởng niệm tất cả những người thiệt mạng do hận thù chủng tộc hoặc tôn giáo.

***

Họ lấy một hoa sen bằng gốm, bị nứt và vỡ. Thay vì loại bỏ nó, họ dùng cọ mỏng lấp đầy các vết gãy bằng lá vàng mịn nhuyễn, phỏng theo nghệ thuật kintsugi của Nhật Bản.

“Sửa chữa là việc cần phải làm, nên làm”, Tiến sĩ Williams giải thích, “Bạn không thể giải thoát nếu chúng ta không thừa nhận chúng ta là ai trong tất cả những tổn thương của chúng ta, trong tất cả sự bất toàn của chúng ta, trong tất cả những đứt gãy của chúng ta”.

Nghi lễ cuối cùng là một nghi lễ bảo vệ, được tìm thấy trong truyền thống Phật giáo Đông Nam Á. Tăng đoàn lấy sợi chỉ dài, tượng trưng cho những ý nguyện thiêng liêng nối từ tôn tượng Đức Phật trên bàn thờ. Họ kết nối mọi sự với nhau và sau đó buộc vào những chiếc đèn lồng đã bị vỡ và bị đốt, tất cả hòa thành một.

Tiến sĩ Williams giải thích rằng việc chữa lành thực sự vượt ra ngoài luật pháp. Ông nói rằng chấn thương có trong tất cả chúng ta, trong sâu thẳm tâm hồn của chúng ta, một số do di truyền và một số là do chính chúng ta.

“Nó không phải là để chuộc tội, mà chính là cố gắng chịu trách nhiệm nào đó, đặt căn bản trên sự tỉnh thức rằng chúng ta liên kết với nhau, chúng ta gắn bó với nhau và số phận của chúng ta đan cài vào nhau, bởi vì đó là cách thức nghiệp hoạt động”, ông nói.

Ông nói, mỗi chúng ta đều giống như một tấm gương quý giá, một viên ngọc sáng bóng, được cắt gọt bằng sự giáo dục và lối sống.

Có mặt với nhau và tiến về phía trước, chúng ta sẽ đạt được trọng tâm của tất cả những gì Phật giáo đề cập đến.

“Đạo Phật là gì?”, Tiến sĩ Williams hỏi và trả lời, giải thích. “Trí tuệ cộng với từ bi bằng giải thoát”.

Trí tuệ: nhìn rõ mọi pháp.

Từ bi: cùng nhau đau khổ, cùng cảm nhận khó khăn của nhau.

Và sau đó, tự do hay giải thoát.

“Sự giải thoát của chúng ta không thể thực hiện một mình”.

(Tưởng niệm một số người Mỹ gốc châu Á bị thảm sát vì nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày