Để nhận biết hiện tượng giả sư khất thực phi pháp

Để nhận biết hiện tượng giả sư khất thực phi pháp
GN - Sau chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM về chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự của thành phố, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã bày tỏ quyết tâm dẹp nạn ăn xin, giả bệnh xin ăn, giả trang tu sĩ khất thực phi pháp… trên địa bàn TP.

Dưới góc nhìn của vị giáo phẩm trách nhiệm quản lý Tăng sự, HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng ban Tăng sự T.Ư, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM cho rằng để giải quyết dứt điểm nạn giả danh tu sĩ Phật giáo khất thực, Giáo hội cần cẩn trọng trong khâu xác minh và cần có sự hỗ trợ liên ngành.

Tăng Ni cần ý thức giữ gìn oai nghi của xuất gia

TP.HCM là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất của cả nước, nơi này cũng tập trung Tăng Ni trẻ các tỉnh, thành đến tu học mỗi năm càng đông. Hình ảnh tu sĩ Phật giáo cũng đã rất quen thuộc trong đời sống xã hội tại thành phố đông đúc này.

Tuy nhiên, những hình ảnh này đã bị lợi dụng để trục lợi mà điển hình là giả trang tu sĩ khất thực phi pháp, bán nhang, quyên góp… Chỉ cần vài trăm ngàn đồng mua một bộ y phục tu sĩ, bình bát, người ta có thể “hành nghề” khất thực trên đường phố, hàng quán, khu chợ, các khu công nghiệp… ngày càng nhiều. Họ cũng bỏ công “nghiên cứu” cách vấn y, đi từng bước như thế nào, bưng bình bát ra sao… để cốt làm sao cho giống một tu sĩ thực sự để khơi gợi, đánh động lòng kính trọng, lừa bịp sự tín tâm của mọi người đối với người tu.

AVG.JPG

Cảnh người trong pháp phục hệ phái Khất sĩ đứng giữa nắng ở ngã tư đường TP.HCM

Chỉ với vài trăm nghìn đồng mua pháp phục tu sĩ hiện được tràn lan, cao tóc...,
ai cũng có thể giả danh tu sĩ Phật giáo một cách dễ dàng (trong ảnh là một người giả sư
kiên nhẫn đứng giữa nắng gắt tại điểm dừng đèn đỏ ở ngã tư Thủ Đức) - Ảnh: Vũ Giang

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hiện tượng người xuất gia thật sự nhưng không ý thức được oai nghi tế hạnh cần thiết, thể hiện hành vi phản cảm không phù hợp với người tu khi tham gia mạng xã hội, hoặc ngay cả trong đời sống. Người viết đã trực tiếp chứng kiến, một buổi trưa, có một sư cô trẻ bước vào một nhà hàng bán gà rán. Mọi con mắt đổ dồn về phía sư cô với bao sự tò mò “có lẽ là người giả trang tu sĩ vào ăn gà rán?”. Tuy nhiên, sư cô đã gọi một… que kem, hồn nhiên ngồi ăn ngon lành, trả tiền, rồi ra về. Trong một hội nghị của Phân ban Ni giới T.Ư, một đại biểu là giảng sư ở Học viện PGVN tại TP.HCM đã bày tỏ sự đau lòng khi chứng kiến Tăng Ni trẻ không ý thức giữ gìn giới hạnh. Họ rủ nhau đi ăn nhà hàng, tụm ba tụm năm nói chuyện “nhắng nhít” to tiếng, còn xưng huynh - muội giữa bao con mắt người đời.

Trước đây, trong một lần trả lời phỏng vấn của Giác Ngộ, HT.Thích Giác Quang, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai đã khẳng định, tại tỉnh Đồng Nai cũng có tu sĩ thật đi khất thực để lấy tiền xây dựng chùa.

HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng ban Tăng sự T.Ư, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM dẫn lời HT.Thích Giác Hà, Phó ban Trị sự PG TP.HCM, trụ trì tịnh xá Trung Tâm (quận 6) kể câu chuyện gặp một người giả sư ôm bình bát khất thực phi pháp vào 15 giờ chiều tại một quầy bánh ở Chợ Lớn. Hòa thượng thấy người giả sư nên đến gần nói: “Giờ này chiều rồi mà khất thực gì nữa” thì người đó quay lại hăm dọa “ông muốn chết hay muốn sống?!”, Hòa thượng sợ quá, bèn lánh đi chỗ khác.

Giả danh tu sĩ Phật giáo, lợi dụng hình ảnh chiếc áo người tu khất thực phi pháp để trục lợi cá nhân ngày càng đa dạng và đã trở thành vấn nạn của Phật giáo. Hay những hiện tượng, hành vi tương tự trong vô ý thức của người xuất gia, qua cái nhìn của người đời, bị đẩy vào tình huống bị đồng hóa, dẫn đến thật giả lẫn lộn. Nếu người không có sự am hiểu nhất định thì sẽ khó phân biệt đâu là tu sĩ thật sự, đâu là giả mạo.

Nói về điều đó, HT.Thích Minh Thông cho rằng, hiện nay người xuất gia thật sự tu tập, tuân thủ theo nội quy của Giáo hội, ngành Tăng sự, nên không còn ai đi khất thực nữa. Những hình ảnh mà chúng ta thường thấy người ôm bình bát khất thực đi lẻ tẻ trên đường, ngoài chợ… là người đời giả trang tu sĩ khất thực phi pháp. Họ lợi dụng hình ảnh truyền thống khất thực của Phật giáo để cải trang tu sĩ nhằm trục lợi cá nhân. Riêng những hình ảnh Tăng Ni trẻ không ý thức, có hành vi đánh mất oai nghi, tế hạnh, đạo đức cao thượng của người xuất gia chân chính giữa chốn đông người, giữa xã hội như thế đã là nỗi đau, sự nặng lòng của chư tôn đức Giáo hội, của bổn sư.

“Do hoàn cảnh xã hội bây giờ tác động, có thể nói là con số nhiều Tăng Ni chứ không còn ít nữa, họ không ý thức gìn giữ oai nghi, đi đến những nơi không nên đến, chạy theo lối sống nghiêng về vật chất, đua đòi, bị đời sống xã hội hiện đại làm cho tha hóa... khó giữ đời sống người tu. Đó là sự đau lòng của Phật giáo. Không phải là không có cách nhưng chúng ta cần có quá trình, thời gian. Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội đã có suy nghĩ, trăn trở, ưu tư rất nhiều nhưng do hoàn cảnh của Giáo hội không có điều kiện, không có cơ sở, môi trường để đào tạo họ, giúp họ giam mình trong đời sống nội tự… để rèn giũa, vun bồi đạo đức. Chỉ mong rằng, với sự giáo dục của vị bổn sư, Tăng Ni trẻ ra ngoài học tập, hoạt động xã hội cần nâng cao ý thức mình là người xuất gia mà phải giữ gìn oai nghi của một người tu Phật”- HT.Thích Minh Thông chia sẻ nỗi thao thức.

Người đi khất thực đơn lẻ, phi thời thì là giả danh tu sĩ

Với HT.Thích Minh Thông, một người xuất gia thật sự trên bước đường du hóa, hành đạo thì sẽ hiện ra từ oai nghi, từ tướng mạo, từ bước đi… toát lên dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng, khiêm cung. Nói về hạnh khất thực chân chính thì Đức Phật dạy, hàng Tỳ-kheo lấy khất thực để sống, đó là một trong tứ thánh chủng, là nét đẹp trong đời sống của hàng Tỳ-kheo. Một là đi khất thực để sống; hai, mặc y cắt rập từng miếng; ba là sống đời sống đơn giản; bốn là nếu bệnh dùng thuốc đơn giản để chữa trị.

ANH SA.JPG

Một người giả sư nhận tiền của người đi đường ở tỉnh lộ 10 - Ảnh: Vũ Giang

Một Tỳ-kheo khất thực tức là sống nhờ cái sự ăn xin trên xin giáo pháp của Đức Phật để nuôi Giới - thân - huệ mạng, dưới xin đàn-na thí chủ để nuôi cái thân tạm bợ này. Tỳ-kheo khất thực để dẹp bỏ ngã mạn; một vị Tỳ-kheo thì không có tài sản, vật chất mà chỉ có tài sản trí tuệ mà thôi.

Cũng theo HT.Thích Minh Thông, trước tình hình nạn giả trang tu sĩ khất thực tại TP.HCM, Giáo hội vẫn xác định Phật giáo có truyền thống khất thực của Hệ phái PG Nguyên thủy cũng như Hệ phái PG Khất sĩ là truyền thống đẹp. Trong kinh, Đức Phật có nói, 3 đời Phật khất thực để sống. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh xã hội hiện tại, từ nhiều năm trước Giáo hội đã yêu cầu các hệ phái ngưng lại, không nên đi khất thực. Tăng Ni không được phép đi khất thực nhằm tránh bị lạm dụng hình ảnh này để trục lợi, làm mất đi hình ảnh của Giáo hội, Tăng Ni về nhiều phương diện (nếu các hệ phái có tổ chức đi khất thực trong các dịp lễ thì phải xin phép chính quyền địa phương, đi trong khuôn viên chùa, hoặc khu vực được cho phép, đi trong thời gian nhất định).

Trong công tác tuyên truyền tại các buổi thuyết giảng, lớp giáo lý, học luật… các vị giảng sư thuộc BTS PG TP cũng đã khẳng định, tại TP.HCM hễ thấy hình tướng tu sĩ đi khất thực lẻ tẻ ngoài đường, khu dân cư, chợ… đều là giả. Qua đó, nâng cao sự nhận biết, ý thức của người dân về việc cúng dường, có cúng dường hãy đến các chùa.

Công tác xác minh cần… thận trọng

Hiện nay, hình ảnh tu sĩ khất thực đã bị lợi dụng, bị biến thành “nghề” để kiếm tiền. Do đó, vừa qua TƯGH cũng ra Công văn số 380 /CV.HĐTS về việc tổ chức Ban Công tác kiểm Tăng nhằm thực hiện việc chấn chỉnh tệ nạn giả danh hình thức tu sĩ Phật giáo, khất thực phi pháp tại các khu du lịch, các bến xe và các điểm buôn bán... Theo sự chỉ đạo này, Ban Kiểm Tăng thuộc BTS PG quận huyện cũng đã được thành lập, BTS PG TP đã nhiều lần họp bàn nhưng ý kiến nhiều vị cho rằng, một mình Phật giáo thì không làm nổi mà cần có sự hỗ trợ từ các ban, ngành khác của xã hội.

HT.Thích Minh Thông cho rằng, nhiều năm trước đây, Phật giáo TP cũng đã từng thực hiện công tác này nhưng chủ yếu là làm đơn phương, thiếu sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành các cấp nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, chư tôn đức thuộc Ban Kiểm Tăng cần có quyết tâm cao, có trách nhiệm trong khâu xác minh lý lịch về “nhân thân Phật giáo” của đối tượng (người bị nghi là giả danh tu sĩ Phật giáo khất thực), khâu này rất quan trọng.

Bởi lẽ, về mặt pháp lý, một tu sĩ thật sự thì phải có thời gian thử thách và qua 2 lần đăng đàn thọ giới (Đại giới đàn do Giáo hội tổ chức), mới được Giáo hội công nhận là thành viên tu sĩ. Khi đó, Tăng Ni được cấp giấy chứng nhận Tăng Ni do TƯGH cấp (có giá trị tương tự như giấy Chứng minh nhân dân khi xác nhận tư cách công dân). Tuy nhiên, hiện nay Giáo hội cũng công nhận tu sĩ thọ giới phương trượng. Người thọ giới phương trượng thì không được Giáo hội cấp giấy chứng nhận Tăng Ni.

HT.Thích Minh Thông cho rằng, số Tăng Ni thọ giới phương trượng ít chứ không nhiều (chưa tới 10 % trên tổng số Tăng Ni trên cả nước, theo thống kê đầu năm 2016, cả nước có 49.493 Tăng Ni ). Số Tăng Ni thọ phương trượng là ngoại lệ, những người già, lớn tuổi nhưng có tâm nguyện tu học, hoặc những người không đủ các điều kiện mà Ban Tổ chức Giới đàn đưa ra theo Nội quy của Tăng sự, không đủ điều kiện để thọ Tỳ-kheo chính thức tại Giới đàn… nhưng họ cũng được công nhận là một Tỳ-kheo để tu.

Do đó, khi thực hiện công tác kiểm Tăng thì cần phải thận trọng trong khâu xác minh, nếu một người không có giấy chứng nhận Tăng Ni thì đừng vội cho đó là giả sư. Người kiểm tăng cần chú ý đến “lý lịch Phật giáo” của họ, phải xác minh tại BTS PG địa phương, tại chùa nơi họ đăng ký cư trú, xem họ là đệ tử của ai, ai là bổn sư… từ đó mới đưa ra kết luận. Đối tượng là người tu thật sự hay giả sư, qua xác minh như thế, thì sẽ biết ngay.

Người khất thực nhận tiền là dấu hiệu xác định giả sư

Trước thông tin lãnh đạo TP.HCM về việc chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự của TP, HT.Thích Minh Thông tỏ ra hoan hỷ. “Tôi rất tán thành sự chỉ đạo của ông Bí Thư Thành ủy, để TP.HCM thật sự là thành phố văn minh thì cần dẹp nạn ăn xin, giả danh tu sĩ khất thực phi pháp, giả bệnh ăn xin, giả bệnh bán vé số…

Với nạn giả danh tu sĩ Phật giáo khất thực phi pháp, Giáo hội rất nặng lòng nhưng chưa có cơ hội để dẹp dứt điểm vấn nạn này. Nếu nhà nước, chính quyền TP có sự hỗ trợ, giúp đỡ Phật giáo dẹp sạch vấn nạn này thì Phật giáo rất hoan nghênh.

Trước đây, đa số các đơn vị Phật giáo thực hiện công tác này là làm đơn phương, còn rất nhiều khó khăn. Thời gian tới, nếu chính quyền, ban, ngành các cấp hỗ trợ, cùng với Ban Kiểm tăng của Giáo hội giải quyết dứt điểm nạn giả danh tu sĩ khất thực phi pháp thì đây là điều đáng mừng”.

h2.JPG

Giả danh tu sĩ Phật giáo, lợi dụng hình ảnh chiếc áo nhà tu để trục lợi cá nhân ngày càng đa dạng và trở thành vấn nạn lâu nay

Theo HT.Thích Minh Thông, để một người bình thường phân biệt được đâu là tu sĩ thật sự, đâu là người lợi dụng giả trang tu sĩ khất thực phi pháp, có thể nhìn qua cách thức họ đi khất thực.

Một tu sĩ thật sự đi khất thực sẽ không nhận cúng dường tiền, chỉ nhận thức ăn; cách thức đi khất thực là đi từng bước, không bỏ một nhà nào (không phân biệt nhà giàu hay nghèo), mỗi nhà được phép đứng nửa phút nếu người ta không cho thì tiếp tục đi; không nhìn quá 3 mét; đi khất thực vào buổi sáng, không quá giờ ngọ (không quá 12 giờ trưa - PV), đi khất thực thường nhóm từ 4 vị trở lên, không yêu cầu người khác cúng cho mình thứ gì.

Người giả trang tu sĩ khất thực phi pháp: Chỉ nhận tiền, không nhận thức ăn; đi khất thực lẻ tẻ; vào các hàng quán, mắt láo liêng nhìn ngó vào hàng quán, nhà dân; hình dáng y phục lôi thôi, ngó trước ngó lui; đi khất thực mọi lúc trong ngày…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày