Đi dạo mùa xuân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
GNO - Một năm, mỗi thời tiết có một thú vui riêng. Mùa xuân đi dạo chơi trên những triền cỏ xanh thơm, vì sao gọi là phương thảo mà không gọi thanh thảo? Cỏ mùa xuân, đất trời còn rất tươi mới, cỏ non sẽ mềm mịn, phảng phất mùi hương thời gian rất nhẹ, tinh khiết. 

Văn học cổ, trở lui về những ngày chưa có nhiều thứ hiện đại - rất tốn điện, phải luôn sạc pin - người ta thưởng thức thiên nhiên qua mấy câu thơ:

Xuân du phương thảo địa

Hạ thưởng lục hà trì

Thu ẩm hoàng hoa tửu

Đông ngâm bạch tuyết thi.

Một năm, mỗi thời tiết có một thú vui riêng. Mùa xuân đi dạo chơi trên những triền cỏ xanh thơm, vì sao gọi là phương thảo mà không gọi thanh thảo? Cỏ mùa xuân, đất trời còn rất tươi mới, cỏ non sẽ mềm mịn, phảng phất mùi hương thời gian rất nhẹ, tinh khiết. Không nói màu cỏ, vì màu sẽ phai, nói về một làn hương bâng khuâng dịu dàng, của những ngày tháng tuổi trẻ. Người xưa rất tinh tế khi diễn tả sắc xuân khó phai, khó quên. Mùa hạ ngắm hồ sen, và đúng là hồ sen có màu xanh lục. Mùa thu uống rượu bên những giậu cúc vàng, hay là rượu có ngâm hoa cúc? Chuyện này mình không biết rõ. Mùa đông ngắm tuyết trắng và ngâm thơ.

Cảnh giới tự do, chưa lệ thuộc đèn xanh đèn vàng, chúng ta thưởng thức một chút thi vị của cổ nhân. Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm (đệ tử ngài Nam Tuyền) một lần nọ đi dạo chơi trên núi. Trở về gặp Thủ tọa ngoài cổng, Thủ tọa hỏi: Hòa thượng đi đâu về? Ngài đáp: Du xuân đỉnh núi. Hỏi: Đi đến những nơi nào? Đáp: Vừa theo vết cỏ thơm đi, lại theo dấu hoa rụng về (Thủy tùng phương thảo khứ, hựu trục lạc hoa hồi). Thủ tọa mỉm cười: Có dáng dấp mùa xuân. Ngài đáp: Cũng giống sương thu đọng giọt sầu.

Câu chuyện có gì đặc biệt? Chỉ là nói qua nói lại chuyện đi đâu đó, mà được ghi lại trong thiền sử. Hòa thượng Tuyết Đậu về sau, khi đọc đến chuyện này, viết bài kệ khen, hai câu đầu nói:

Đại địa tuyệt tiêm ai

Hà nhân nhãn bất khai...

Đất trời không mảy bụi

Ai người mắt chẳng mở?...

Trời đất rộng tuyệt đối, đi trong đó mắt chúng ta nhắm hay mở. Có thể mở to, thâu hết, chụp hình, selfie, nhưng rốt cuộc không thấy gì... ngoài cái mạng mộc của mình. Thiền sư cảm nhận khí vị của sự sống, có sự xanh tươi cũng có nỗi sầu héo, lui gót về thiền phòng, gẫm ra tính Không của vạn hữu, vô thường đến và đi.

Có những cuộc đi dạo chơi mà mở ra phương trời cao rộng, dứt tuyệt khổ đau. Thái tử Tất-đạt-đa ba phen dạo ba cửa thành, thấy cảnh già bệnh chết. Chuyện này thì ai học Phật cũng biết, thuộc lòng như cháo, có gì đặc biệt đâu. Ấy vậy mà, chợt nhớ câu “Vừa theo vết cỏ thơm đi, lại theo hoa rụng về”. Có phải thái tử ban đầu mới ra xe đi, khung cảnh hân hoan vui vẻ, dân chúng tung hoa, rắc nhạc ven đường. Đi một hồi, thấy người già lụm cụm, da bọc xương, run như lá gần lìa cành. Thái tử ngạc nhiên hỏi Xa-nặc, được trả lời và được biết ai rồi cũng như vậy, kể cả thái tử.

Hồi nhỏ, khi đọc chuyện tích này, chúng ta chắc cũng ngạc nhiên, chẳng lẽ thái tử lại không hiểu biết gì về chuyện đời? Mình là chúng sanh, chuyện già bệnh chết thấy biết hoài, có thức tỉnh không? Thế là, vừa dạo đi theo cỏ thơm, lại theo hoa rụng về, thái tử hối Xa-nặc đánh xe về, thao thức băn khoăn. Lần thứ tư, gặp một thầy Sa-môn, chợt thấy giải đáp, cũng cho xe về không đi nữa. Đi đâu cho bằng đi tu. Và chúng ta được học rằng, nguyên nhân thái tử đi xuất gia là do bốn trận dạo chơi bốn cửa thành. Dễ hiểu và dễ thuộc bài. Đọc đến truyện ngài Trường Sa dạo núi mới thiệt là thấm thía. Ngài Tuyết Đậu hạ bút khen “Trường Sa vô tận ý”.

Ai cũng mong ước cuộc đời mãi mãi là mùa xuân, là những cuộc dạo chơi cười nói rộn ràng. Cũng có chuyến đi dạo, mở đầu tốt đẹp nhưng hồi kết gặp một khúc quanh không vui. Truyện Kiều, Nguyễn Du cho mở đầu bằng cuộc đi dạo mùa xuân của ba chị em nhà họ Vương.

Cảnh là:

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Người là:

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

Đi chơi như vậy, vui khỏi nói. Chiều trở về, chợt gặp mộ Đạm Tiên - Ôi là, “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Thúy Kiều nghe kể, khóc cho một trận, đề thơ khấn vái... Chưa tỉnh hồn, lại gặp thư sinh “Cỏ pha màu áo, nhuộm non da trời”. Anh chàng này, áo màu gì không mặc, mặc áo màu xanh, để cho trời đất thấy toàn màu xanh. Thế là tối về ngủ không được. Vậy mới có chuyện.

Khách trần dạo đi trong nhân gian, có những bước thong dong, có những bước tỉnh thức, có những bước u trầm. Hoàn toàn không xa lìa đời sống, không đứng ngoài thế cuộc, chỗ quay về có khác mà để lại dấu vết khác thường.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[VIDEO] Khai thị đầu năm: Đức Pháp chủ GHPGVN chia sẻ về cốt lõi lời Phật dạy

[VIDEO] Khai thị đầu năm: Đức Pháp chủ GHPGVN chia sẻ về cốt lõi lời Phật dạy

GNO - Sáng mùng 3 Tết Ất Tỵ, tại chùa Huê Nghiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM), Tăng Ni các tổ đình và hàng ngàn Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đảnh lễ, khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng. Dịp này, Hòa thượng Thích Lệ Trang thay mặt đại chúng thỉnh cầu Đức Pháp chủ có lời khai thị cho toàn thể...

Thông tin hàng ngày