Di tích chùa Giác Hải: Dấu ấn thời gian

GN - Chùa Giác Hải tọa lạc tại số 1017/3, đường Hồng Bàng, phường 12, quận 6, TP.HCM, với diện tích 2.510m2, là nơi sinh hoạt tâm linh cho bà con quanh vùng cũng như Phật tử gần xa. Đây cũng được xem là một trong những ngôi chùa có mặt sớm nhất ở vùng đất Sài Gòn-Gia Định với nhiều giá trị văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

giac hai  (11).jpg
Mặt tiền chùa Giác Hải - Ảnh: Vũ Giang

Gạch nối từ quá khứ đến hiện tại

Theo lời HT.Thích Thiện Phước, Chứng minh BTS PG Q.6, trụ trì chùa Giác Hải, chùa do bà Trần Thị Liễu ở làng Tân Hòa Đông (Phú Lâm) phát tâm xây dựng vào năm 1887, sau đó bà đến tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình) thỉnh cầu Thiền sư Hoằng Ân cử người đến trụ trì; ngài đã đặt tên chùa là Giác Hải và cử đệ tử là HT.Thích Từ Phong đến trông coi và hướng dẫn Phật tử tu tập bái sám.

HT.Thích Từ Phong là một trong những vị cao tăng cùng thời với quý Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh - những người đã đứng ra vận động thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp (1923) để tiến tới thành lập Hội Phật giáo toàn quốc nhằm mục đích chấn hưng Phật giáo. Ngài còn làm Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1931) trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn (Q.1), là Chứng minh Đạo sư cho Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1934), đến năm 1938 thì viên tịch.

Sau khi HT.Thích Từ Phong viên tịch, chùa trải qua các đời trụ trì: HT.Thích Khách Trí, HT.Thích Ký Nhiễu, HT.Thích Chơn Mỹ và hiện nay là HT.Thích Thiện Phước.

Theo bằng khoán đất của chùa năm 1935, chùa có diện tích 10.280m2 nhưng hiện nay diện tích chùa bị thu hẹp nhiều, lại bị chia cắt làm hai bởi con đường bê-tông nội bộ.

giac hai  (6).jpg

giac hai  (1).jpg
Chân dung HT.Thích Từ Phong đang thờ tại khách đường chùa Giác Hải & bằng xếp hạng di tích

Quần thể chùa tập trung trên khu đất 1.940,6m2 gồm chánh điện, giảng đường, đông đường, nhà thờ cốt cùng nằm trên một trục dọc chính giữa; bên trái là vườn cảnh, vườn tháp, nhà bếp, nhà kho, còn bên phải là điện Quan Thánh, Quan Âm, Linh Sơn thánh mẫu, Bà Chúa Xứ và nhà chúng.

Theo Khảo tả di tích do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thì chùa đã trải qua 2 lần trùng tu lớn vào các năm 1912 và 1998.

Ở lần trùng tu đầu, chùa được xây theo kiểu nhà trệt ba gian, tường gạch, cột gạch, mái ngói và các cửa chính, cửa sổ theo dạng vòm, các kiểu cột ở đông đường được thiết kế kiểu thức cột cổ điển Hy Lạp - La Mã.

Nhưng đến lần thứ hai, chánh điện được sửa thành một trệt, một lầu; các hạng mục giảng đường, đông đường cũng được xây dựng mới theo phong cách phương Tây hiện đại thay thế các đà gỗ chịu lực bằng bê-tông cốt thép, dán gạch men dọc phần dưới của tường…

Tuy vậy, cách bài trí và những pho tượng thờ hầu như vẫn được giữ nguyên hiện trạng ban đầu, chỉ có thêm một vài tượng mới do Phật tử phát tâm hiến cúng, nhưng không phá đi sự trang nghiêm cổ kính vốn có của một ngôi cổ tự.

Những giá trị kiến trúc mỹ thuật

Chùa bị ảnh hưởng bởi hai cuộc chiến tranh, cũng như sự tàn phá của thiên nhiên và sự xâm hại bởi bàn tay con người, nên kiến trúc nghệ thuật theo đó cũng thay đổi, không còn nguyên vẹn như thuở ban sơ, ngoại trừ cách bài trí và thờ phụng vẫn còn giữ lại những giá trị cổ xưa như đã nói.

Cách bài trí và thờ phụng của chùa Giác Hải hầu hết giống với một số ngôi chùa cổ hiện nay ở TP.HCM. Đại điện được chia thành nhiều bậc, bậc cao nhất thờ Tây phương Tam thánh (Đức Phật Di Đà, Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí); bậc kế thờ Phật Thích Ca và nhị vị Tôn giả A-nan, Ca-diếp; bậc kế nữa thờ nhị vị La-hán Hàng long và Phục hổ; bậc tiếp theo có tượng ngũ hiền bằng gỗ sơn son thếp vàng ngồi trên linh thú, gồm: Đức Phật Thích Ca; chư Bồ-tát: Đại Trí Văn Thù, Đại Hạnh Phổ Hiền, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Dưới cùng là tượng Đức Phật nhập Niết-bàn. Đối diện với điện Tam bảo là bàn thờ Hộ pháp trấn giữ già-lam ở trên cao; dưới thờ Ngọc hoàng Thượng đế và Nam Tào - Bắc Đẩu; sau lưng bàn Hộ pháp là bàn thờ Đức Tiêu Diện đại sĩ.

giac hai  (4).jpg


Bên trong chánh điện chùa Giác Hải - Ảnh: Q.H

Dọc hai bên Đại hùng bảo điện là 5 dãy bàn thờ đối diện nhau. Bên trái, nhìn từ trong ra, bàn đầu tiên thờ Quan Đế và hai vị La-hán; bàn thứ 2 thờ Bồ-tát Địa Tạng và 2 vị La-hán; bàn thứ 3 thờ Đệ ngũ Diêm vương và hai vị Phán quan; bàn thứ 4 thờ bốn vị La-hán - khoảng giữa bàn thứ 4 và thứ 5 là đại hồng chung - và bàn thứ 5 thờ Phật A Di Đà.

Phía bên phải, từ trong nhìn ra, bàn đầu tiên thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma và hai vị La-hán; bàn thứ 2 thờ Bồ-tát Chuẩn Đề và hai vị La-hán; bàn thứ 3 thờ Đệ thập Diêm vương và nhị vị Phán quan; bàn thứ 4 thờ bốn vị La-hán - giữa bàn thứ 4 và thứ 5 là giá trống; bàn thứ 5 thờ Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn.

Sau lưng đại điện là tổ đường, chính giữa tôn trí tượng HT.Thích Từ Phong, hai bên có long vị của chư vị Hòa thượng: Thích Hải Tịnh, Thích Tâm Châu, Thích Trí Lương, Thích Chơn Mỹ, Thích Hoằng Ân. Sát vách tổ đường là bàn thờ linh.

Ngoài nơi thờ chính là chánh điện và tổ đường, ở chùa cũng có một số điện thờ Quan đế, Linh Sơn thánh mẫu, Bà Chúa Xứ và Thần tài - Thổ địa, vốn mang nặng tín ngưỡng dân gian, thể hiện sự tiếp biến, dung hòa các tín ngưỡng trong quần thể di tích chùa mà hầu như các chùa cổ đều có.

Chùa Giác Hải được hình thành từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, danh tiếng gắn liền với tên tuổi của HT.Thích Từ Phong - người có nhiều công lao đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo và là một trong những vị tôn túc tiên phong trong việc phiên dịch kinh điển từ chữ Hán-Nôm sang chữ Quốc ngữ, mở trường đào tạo thế hệ Tăng Ni kế thừa.

giac hai  (10).jpg


Vườn tháp bên trái chánh điện - Ảnh: Q.Hậu

Để ghi nhận những giá trị kiến trúc nghệ thuật đang hiện hữu cũng như lên phương án bảo tồn, ngày 25-6-2015, Phó Chủ tịch UBND Hứa Ngọc Thuận đã ký Quyết định số 3085 công nhận chùa Giác Hải là Di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp thành phố.

Tuy không giữ được nguyên vẹn các giá trị kiến trúc cổ xưa, song với những gì còn hiện hữu, chùa Giác Hải vẫn là nguồn tư liệu quý giá để có thể tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của Phật giáo ở mảnh đất Nam Bộ này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày