Dịch bệnh rồi sẽ qua, tình người còn lưu mãi…

Ảnh: Ngô Trần Hải An
Ảnh: Ngô Trần Hải An
0:00 / 0:00
0:00
GN - Sài Gòn - TP.HCM “bệnh”, những đợt giãn cách liên tục được áp dụng, từ Chỉ thị 15 đến Chỉ thị 16, TP,HCM từ chỗ là một trong những “điểm tựa” sẻ chia của cả nước đã đón nhận nhiều yêu thương, san sẻ của người dân, các địa phương.

Mớ rau, ít thực phẩm của các mệ miền Trung, các nhà vườn Đà Lạt; hay nhiều tỷ đồng của những tỉnh thành bạn gửi ủng hộ TP.HCM chống dịch; những đoàn y bác sĩ về Thành phố góp thêm lực lượng tuyến đầu… Tất cả đó là nội lực, tinh thần đoàn kết vốn dĩ của người dân Việt mỗi khi dân tộc lâm nguy, đồng bào gặp nạn. Truyền thống ấy, giá trị đó cũng là một loại vắc-xin cho tinh thần để chống dịch trong lúc này.

“Trend” thiện lành

“Hãy cùng ủng hộ và chung tay góp sức để Việt Nam chúng ta sớm có vắc-xin để cuộc sống sớm trở lại bình thường”. Sau khi đóng góp 200 triệu đồng cho quỹ vắc-xin do chính phủ phát động, Mỹ Tâm, cô ca sĩ người Đà Nẵng - đã chia sẻ lên mạng xã hội như thế.

Cũng trong những ngày đầu tháng 6-2021, khi quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập, rất nhiều người nổi tiếng đã không ngại ngần công khai khoản đóng góp của mình. Họ chụp màn hình chuyển tiền vào quỹ để “khoe” trong tinh thần khuyến khích, kêu gọi cộng đồng cùng tham gia.

Có thể thấy, những người nổi tiếng luôn có lượng người hâm mộ (fan) nhất định. Vì thế, tiếng nói của họ sẽ có khả năng tạo hiệu ứng cùng chung sức đối với các fan. Khi những việc thiện lành của người nổi tiếng thành “trend” (trào lưu) thì sự tác động tích cực đến cộng đồng sẽ lớn hơn, theo tầm ảnh hưởng của họ.

Như vậy, bên cạnh những lùm xùm không đáng có của một số nghệ sĩ “bán danh ba đồng” thì vẫn có những nghệ sĩ, người nổi tiếng khác tạo “trend” giúp nuôi dưỡng tinh thần thiện nguyện của cộng đồng. Và đó cũng là cách để danh tiếng họ trở thành tiếng thơm khó phai trong lòng công chúng. Nói như ca sĩ Hà Anh Tuấn, “Bây giờ, chuyện khoe nhà, kim cương, túi hiệu… là lỗi thời rồi. Dân chơi bây giờ phải khoe cứu được bao nhiêu người”.

Với việc đóng góp vào quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 có thể nói sẽ cứu được rất nhiều người cả trên phương diện sức khỏe, sự sống lẫn kinh tế. Như các chuyên gia phân tích về việc sống chung với dịch bệnh, để an toàn, ngoài nguyên tắc 5K thì còn phải có vắc-xin. Khi đó, dịch bệnh mới bị đẩy lùi trên cả hai hướng, bao gồm sự miễn dịch cộng đồng và không còn tác hại lớn đến kinh tế như hiện nay.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia chống dịch thành công được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, với những lần đáo đi đáo lại của SARS-CoV-2, kèm theo đó là những biến thể ngày một lây lan nhanh hơn, dễ dàng hơn, chúng ta cần khẩn trương hơn. Việc cầm cự trong bài toán chống dịch, ổn định kinh tế thực sự sẽ khó khăn hơn nếu mỗi người không chung tay đóng góp để vắc-xin sớm có đủ số liều cần thiết theo tính toán của ngành y. TP.HCM, trung tâm kinh tế của cả nước, đến khi bài viết này được thực hiện đã có trên 12.500 bệnh nhân Covid-19, mỗi ngày có thêm hơn 1.000 người nhiễm nCoV…

Bên cạnh thông tin không sáng sủa về tình hình kiểm soát dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, thật ấm lòng khi ngoài việc gửi vào quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, những bữa cơm cho người khó khăn cũng được nghĩ tới. Lại là Hà Anh Tuấn, anh tiếp tục tạo nên tình cảm tốt đẹp với cộng đồng khi phát đi thông điệp “Sài Gòn cùng nhau nấu cơm”. Nói là làm, ca sĩ tự nhận mình là người Sài Gòn - mang khí chất vì cộng đồng cùng lối sống tử tế vốn dĩ của thành phố này - Hà Anh Tuấn đã góp 25 tấn gạo, 50 ngàn trứng gà và 300 lít dầu ăn cho nhiều bếp ăn từ thiện trên địa bàn TP.HCM. “Phát pháo” này của ca sĩ Hà thành sẽ trở thành “trend” cho những sự sẻ chia khác, hướng đến những người yếu thế đang phải vật lộn mưu sinh trong khó khăn bởi đại dịch. Có rất nhiều người đang thất nghiệp, cần sự hỗ trợ, ít nhất là những bữa cơm 2.000 đồng, cơm miễn phí.

Thượng tọa Thích Thanh Phong tận tay chia sẻ những phần cơm chay với mong muốn giúp bà con vượt qua khó khăn - Ảnh: Như Danh
Thượng tọa Thích Thanh Phong tận tay chia sẻ những phần cơm chay với mong muốn giúp bà con vượt qua khó khăn - Ảnh: Như Danh

Con số được Tổng cục Thống kê công bố hôm 6-7 vừa qua, cho biết, đợt dịch này kéo theo 12,8 triệu lao động tại Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực, tăng 3,7 triệu người so với quý đầu năm. Ngoài ra, 1,8 triệu người lâm vào cảnh không có việc và 1,4 triệu lao động đang mong manh do không có việc làm một cách chính thức. Họ rất cần được hỗ trợ không chỉ từ những gói tài chính từ Chính phủ, từ các địa phương mà còn cả xã hội, người khá giúp người khó.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cái nghĩa cái tình đồng bào tương trợ luôn là đặc sản của Sài Gòn nói riêng, người Việt nói chung. Có những người khổ, khi đất nước cần những bàn tay chung sức thì những trend thiện lành sẽ cứ thế được nối dài như mạch nguồn thiện tâm vốn là cội rễ bền sâu của dân tộc mình.

“Vắc-xin” tình người

Với những con số cập nhật về ca bệnh tăng như nói trên ở TP.HCM, nhà nhà, người người tăng cường chống dịch với nỗ lực sớm kiểm soát được tình hình, dập dịch trên toàn thành phố trong tháng 7. Hy vọng và chờ đợi. Nhất là khi, những ngày qua, thành phố cũng đã ra quân tiêm vắc-xin Covid-19 cho những người nằm trong danh sách ưu tiên. Dù còn bất cập trong khâu tổ chức nhưng tin tưởng, ở những đợt sau, khi có hàng triệu liều vắc-xin được Mỹ, Nhật… tài trợ, Chính phủ quyết định ưu tiên cho Thành phố thì đây sẽ là công cụ chống dịch hữu hiệu cho người dân.

Công thức chống dịch ngoài 5K đã đến lúc có thêm một thành tố là cộng (+) vắc-xin, để có miễn dịch cộng đồng, từ đó làm cho cuộc sống người dân trở lại bình-thường-mới.

Cùng với những nỗ lực kể trên, người dân Sài Gòn - TP.HCM với tinh thần hào hiệp, tử tế đã cùng tạo ra một loại vắc-xin tinh thần khiến không khí chống dịch trở nên an lành hơn. Đó là “vắc-xin” tình người.

Đoàn "Sài Gòn thương nhau" tặng 3 chiếc máy Monitor 5 thông số theo dõi chỉ số sự sống cùng 1.000 chiếc khẩu trang N95 cho Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi
Đoàn "Sài Gòn thương nhau" tặng 3 chiếc máy Monitor 5 thông số theo dõi chỉ số sự sống cùng 1.000 chiếc khẩu trang N95 cho Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi

Thật không thể nào tả hết được sự lạc quan và tinh thần “tối lửa tắt đèn” có nhau của người thành phố. Theo đó, ngay cả những người ở trong khu phong tỏa, khó khăn không ít vẫn đùm bọc nhau được: người khá giúp người khó, người khó giúp người khó hơn. Bên ngoài khu phong tỏa, những nhóm thiện nguyện đã nấu cơm tặng người yếu thế, chắt chiu từng món quà nhỏ cho người cơ nhỡ, bán vé số, chạy xe ôm… Khi Thành phố quyết định dừng dịch vụ không thiết yếu, trong đó có vé số thì những ngôi chùa, nhóm thiện nguyện lại tiếp tục nỗ lực tặng quà từ thiện, nấu cơm chia sẻ cho đến khi hết giãn cách.

Và đâu đó, âm thầm trên điện thoại thông minh, có người đã thực hiện lệnh chuyển tiền đóng góp vào quỹ vắc-xin Covid-19 do Chính phủ phát động, cùng nhiều chương trình ý nghĩa, nhân văn khác của các hội đoàn, cơ quan báo chí… Tất cả dồn sức cho việc chống dịch, sẻ chia để “không ai bỏ lại phía sau”.

Những việc làm đầy ắp tình người ấy xuất phát từ lòng thương người. Nhưng sâu xa, cũng là thương mình, bởi ai cũng hiểu khi tất cả cùng chung một con tàu, những người khác bị bệnh thì mình cũng ảnh hưởng ít nhiều. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, ý nghĩa vừa là thương lo mà cũng vừa là lời nhắc tương quan trong cuộc sống. Mỗi người là một mắt xích trong xã hội, nên sự nâng đỡ người khác qua cơn khó chính là nâng đỡ mình đi lên.

“Vắc-xin” tình người mang tới niềm vui, sự phấn chấn. Theo y khoa, khi làm những việc thiện lành thì trong ta sẽ tiết ra endorphin, gây ra cảm giác hưng phấn tinh thần. Nhờ đó, con người thêm yêu cuộc sống, tìm thấy ánh sáng để đi qua những đoạn đường quanh co, gập ghềnh.

Trong đại dịch này, chắc chắn nhân loại và đất nước, thành phố nói riêng sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, rất cần sự hiệp lực của tất cả mọi người, mọi ngành, mọi giới… Sức mạnh tổng hợp này sẽ tạo ra chiến thắng chung: gồm nỗi lo lắng sợ hãi dịch bệnh và cả sự hoành hành của SARS-CoV-2.

Bà con rốn lũ chia sẻ với Sài Gòn

Những trái mướp, trái cà được bà con bà con nơi rốn lũ Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) gói ghém cẩn thận vào lá chuối để chuyển vào TP.HCM - Ảnh: TN Trung Thanh
Những trái mướp, trái cà được bà con bà con nơi rốn lũ Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) gói ghém cẩn thận vào lá chuối để chuyển vào TP.HCM - Ảnh: TN Trung Thanh

Khi nghe tin TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch, bà con nơi rốn lũ Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) “nóng ruột”, bàn nhau nhà ai có gì góp nấy.

Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang (Ái Tử), chùa Phật Học (thị xã Quảng Trị) cũng như nhiều ngôi chùa làng ở Hải Lăng được chất đầy những bao gạo, rau củ quả… Ai có gì góp thứ đó. Có em bé vác bao gạo đến, có những người già sẻ đôi phần nông sản của gia đình mang sang. Những nông sản quê từ bao gạo đến trái ớt, trái cà, trái bí… đều được người dân chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày