Điểm đến đầu tiên của Phật giáo Nhật tại phương Tây

GN - Theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia từ Ireland và Nhật Bản, những người Phật tử từ Nhật - từng thông qua sự trợ giúp của một người đàn ông Ireland - đã thiết lập cơ sở tôn giáo đầu tiên của mình trên đất phương Tây tại London.

Nghiên cứu này đã làm thay đổi những hiểu biết trong thời gian dài rằng cơ sở Phật giáo đầu tiên của người Nhật ở phương Tây được thiết lập tại California năm 1899.
london.jpg
Chư Tăng Phật giáo Nhật Bản

Nhà nghiên cứu Brian Bocking, một trong những thành viên của nhóm đến từ Đại học Cork, trao đổi trong một bài phỏng vấn rằng: “Đây thật sự là một phát hiện đáng ghi nhận. Nó làm chuyển hướng câu chuyện liên quan đến việc Phật giáo đã du nhập vào phương Tây như thế nào”.

Cơ sở Phật giáo tại London được kiến tạo vào tháng 10 năm 1889 và đã giáo hóa hàng ngàn người hướng đến với Phật giáo một năm trước khi cơ sở Phật giáo khác được kiến tạo tại vùng biển miền Tây nước Mỹ - theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu.

Dự án nghiên cứu này khởi động bằng một nhóm trí thức Phật tử quốc tế đặt tại Tokyo. Họ là những người rất quan tâm đến việc hiện đại hóa Phật giáo, tập trung vào việc xây dựng đạo Phật trở nên phổ quát cả thế giới như các tôn giáo phương Tây khác.

Trong một bài báo phát hành rộng rãi đến nhiều nước, nhóm nghiên cứu này thông tin rằng cơ sở Phật giáo được kiến tạo tại London thông qua sự trợ giúp của người đàn ông có tên Charles Pfoundes, người Ireland, người đã sống ở Nhật Bản trong một thời gian dài và trở thành chuyên gia về văn hóa bản địa và Phật giáo.

Charles Pfoundes sau đó trở thành người đại diện của Hội Truyền bá đạo Phật Nhật Bản tại London với mục đích chuyển tải lời dạy của Đức Phật và niềm tin thực tập pháp môn Tịnh Độ tông.

Hội đặt cơ sở tại nhà của Pfoundes ở trung tâm London. Về cá nhân mình, ông đã thực hiện các buổi pháp thoại trên khắp đất nước và viết nhiều bài báo cho nhiều ấn phẩm khác nhau. Tất cả công việc liên quan đến phục vụ xã hội và phát triển đạo Phật của ông đều được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, bất vụ lợi và không nhận bất cứ công đức phí nào.

Bocking, giáo sư về tôn giáo học, nói rằng nhiều người Anh lúc đó đã tự đặt những câu hỏi về niềm tin liên quan đến Cơ Đốc giáo của họ và đang tìm kiếm những sự thay đổi.

“Đó là giai đoạn phát triển của khoa học và khủng hoảng niềm tin tôn giáo khi nhiều người tự hỏi rằng Thượng đế có thật sự hiện diện hay không”, Bocking nhận định. “Phật giáo là một tôn giáo dựa trên lý trí, không giáo điều, mang thông điệp thể hiện sự khẳng định rằng bạn không cần phải có Thượng đế mới trở thành người tốt”.

“Pfoundes luôn viện dẫn rằng Phật giáo hướng đến những giá trị thiên về trí tuệ hơn Cơ Đốc giáo và những điều này chính là con đường mà trong đó Phật giáo định hình tố chất của những cư dân sống tại châu Á”, Giáo sư Bocking đánh giá.

Vào ngày 25-10-1889, Pfoundes viết thư cho một đồng nghiệp người Nhật của ông rằng: “Có khá nhiều người không đặt niềm tin vào Cơ Đốc giáo và điều đó tạo cơ hội cho những bài giảng của đạo Phật”.

Ngay sau đó, nhiều người đã tìm về Phật giáo và Pfoundes lên kế hoạch để hướng dẫn một số thanh niên Anh quốc đi truyền bá giáo lý của Đức Phật nhiều nơi trên thế giới. Pfoundes cũng đã dành khá nhiều thời gian để thuyết phục những người chưa bao giờ đến thăm Nhật Bản và tìm hiểu về Phật giáo.

Mặc dù thành tựu như một nhà diễn thuyết công cộng và chuyển hóa hàng ngàn người theo Phật giáo, Pfoundes chưa bao giờ thấy hoàn thành sứ mệnh của mình.

Pfoundes đến Nhật vào tháng 11 năm 1892. Một năm sau đó, ông xuất gia và trở thành tu sĩ Phật giáo. Pfoundes viên tịch năm 1907 và được an táng tại một nghĩa trang dành cho người nước ngoài ở Kobe.

Có một sự thật rằng, các hoạt động Phật sự này diễn ra trong thời gian khá ngắn nên các nhà nghiên cứu lịch sử không thể ghi nhận hết, đến khi Bocking cùng các cộng sự lật tìm lại các tài liệu ở London và nhận ra ý nghĩa của nó trong quá trình truyền bá Phật giáo sang phương Tây.

Nhiều học giả đã tham gia dự án nghiên cứu về đạo Phật xuất hiện sớm ở phương Tây. Trong đó còn có Giáo sư Laurence Cox từ Đại học Maynooth ở Ai-len; Shinichi Yoshinaga, Trường Công nghệ Quốc gia tại Kyoto.

Bảo Thiên (theo The Japan Times)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày