Điều phi đạo thứ năm: Đam mê kỹ nhạc

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1192 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1192 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Điều phi đạo thứ năm là đam mê kỹ nhạc. Kỹ nhạc chính là các loại hình âm nhạc ngày nay. Thực ra thưởng thức âm nhạc là một hình thức giải trí lành mạnh, văn minh nhưng quá đam mê cũng dẫn đến nhiều hệ lụy.

"Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương-xá, trong rừng Nhiêu-hà-mô (rừng Trúc, chỗ nuôi sóc). Bấy giờ, trong thành Vương-xá có con của vị Cư sĩ tên là Thiện Sanh. Khi người cha sắp lâm chung, nhân sáu phương mà trối trăng, khéo dạy khéo quở rằng:

- Này Thiện Sanh! Sau khi cha mất, con phải chắp tay mà lạy sáu phương rằng: ‘Ở phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương Trên, phương Dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi’.

Đức Phật dạy:

- Này con trai Cư sĩ, kẻ mong cầu của cải nên biết sáu điều phi đạo. Sáu điều đó là gì?... Năm là đam mê kỹ nhạc mà mong cầu tài vật là phi pháp.

- Này con trai Cư sĩ, với người đam mê kỹ nhạc, nên biết có sáu món tai họa. Sáu món đó là gì? Một là mê nghe ca. Hai là mê xem vũ. Ba là mê đánh nhạc. Bốn là mê xem lắc chuông. Năm là thích vỗ tay. Sáu là thích tụ hội đông người. Này con nhà Cư sĩ, người đam mê kỹ nhạc không phải lúc thì việc làm không kinh doanh được. Việc làm không kinh doanh được thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Thiện Sanh, số 135 [trích])

Phi đạo là những việc dẫn đến sự hao tài. Điều phi đạo thứ năm là đam mê kỹ nhạc. Kỹ nhạc chính là các loại hình âm nhạc ngày nay. Thực ra thưởng thức âm nhạc là một hình thức giải trí lành mạnh, văn minh nhưng quá đam mê cũng dẫn đến nhiều hệ lụy.

Âm nhạc có sức quyến rũ kỳ lạ. Âm thanh du dương, màu sắc rực rỡ, vũ điệu cuồng nhiệt, hội chúng tưng bừng… sẽ bùng nổ cảm xúc, phiêu du khiến người ta đam mê, chìm đắm. Ngày nay, âm nhạc là một nền kỹ nghệ, ngoài nghệ thuật còn có doanh thu, lan tỏa sức ảnh hưởng tầm quốc gia và cả thế giới.

Trong tu học, âm nhạc khiến cho người loạn tâm. Cái tình và cái tưởng trong âm nhạc dễ khiến cho người tu trào dâng cảm xúc mà bỏ rơi chánh niệm để phiêu theo hỷ nộ ái ố, thất tình, lục dục. Trong kinh có ghi chuyện một vị đạo sĩ tu hành khổ hạnh thiền định nhiều năm bỗng nhiên nhảy múa, quay cuồng theo tấu nhạc của nhạc thần Càn-thát-bà, huống gì những người tu bình thường như chúng ta.

Đối với người thường cũng vậy. Đam mê âm nhạc không phải lúc sẽ mất nhiều tiền bạc, thời gian cho việc phát triển sự nghiệp. Âm nhạc thường khiến cho người ta đánh mất thực tại, đắm say quên cả chuyện làm ăn. Nếu đam mê quá mức trở thành fan cuồng thì thật nguy hại.

Thế nên, thưởng thức âm nhạc để thư giãn và giải trí là tốt nhưng không quá đam mê, đánh mất thực tại. Cuộc sống rất cần sự tỉnh táo, thăng bằng. Mọi sự thái quá dù hay đến đâu cũng thành dở. Trừ những người thành công, dư dả thì có thể đam mê và hiện thực hóa đam mê âm nhạc của mình. Còn những người mới khởi nghiệp, người đang học tập thì cần tiết chế cảm xúc, không để đam mê lôi kéo mà cần tập trung vào công việc trước mắt thì mới có thể đi đến thành công.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày